Trần Bắc Hà bị gọi tên, chiếc ghế nóng ở BIDV vẫn để trống

04/06/2018  09:36 GMT+7

Ngành ngân hàng thời kỳ hậu thời kỳ biến động Bầu Kiên, Hà Văn Thắm và Trần Bắc Hà tiếp tục dồn dập có những thay đổi lớn, trong đó có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Công cuộc tái cơ cấu vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa có thông báo thay đổi nhân sự.

Theo đó, ông Nguyễn Hướng Minh sẽ thôi nắm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm giám đốc khối vận hành và công nghệ của Ngân hàng SeABank kể từ ngày 01/06/2018 và chuyển về giữ Phó Tổng Giám đốc Eximbank kể từ ngày 01/06/2018.

Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 2 tháng qua, tại SeABank đã có 4 sự thay đổi về nhân sự cấp cao. Trong đó có 2 người rời SeABank về đầu quân cho Eximbank.

Hồi đầu tháng 4/2018, ông Nguyễn Cảnh Vinh (nguyên Tổng Giám đốc SeABank) đã được HĐQT Eximbank bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc thường trực. Ông Vinh thôi nhiệm tại SeABank khi chưa đầy 5 tháng tại vị.

Trước khi sang Eximbank, cả hai ông Nguyễn Hướng Minh và ông Nguyễn Cảnh Vinh đều trải qua các vị trí nhân sự cấp cao tại hai ngân hàng là Techcombank và SeABank. 

tin chứng khoán,chứng khoán,VN-Index,thị trường chứng khoán,Trần Bắc Hà,Bầu Kiên,Nguyễn Đức Kiên,Hà Văn Thắm,Dương Công Minh,Nguyễn Thị Nga,SeABank
 

Trong tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nguyễn Thị Nga là chủ tịch Tập đoàn BRG chuyên về bất động sản và sân golf. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04.

Theo quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác. Đây là quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề cho vay sân sau như tình trạng hệ thống ngân hàng thời kỳ Nguyễn Đức Kiên - Hà Văn Thắm.

Chỉ khoảng một tháng sau đó, con gái bà Nguyễn Thị Nga - Lê Thu Thủy (sinh năm 1983) được giao nắm giữ chiếc ghế quyền lực nhất trong Ban điều hành, kiêm phó chủ tịch HĐQT từ từ ngày 10/5/2018.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm TGĐ SeABank, bà Lê Thu Thủy đã trải qua hầu hết vị trí công tác tại các bộ phận trong ngân hàng này.

Trước đó, một loạt lãnh đạo cấp cao các ngân hàng cũng có những lựa chọn: hoặc là đứng đầu ngân hàng hoặc là đứng đầu doanh nghiệp. Ông Dương Công Minh rời bỏ HimLam để làm chủ tịch Sacaombank; ông Đỗ Minh Phú thôi chủ tịch Tập đoàn Doji và 5 doanh nghiệp khác để làm chủ Ngân hàng TPBank.

Ông Hồ Hùng Anh tạm biệt Masan, chọn làm Chủ tịch HĐQT của Techcombank. Bà Thái Hương từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của Ngân hàng Bắc Á. Bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng) và ông Vũ Văn Tiền cũng đã không chọn vị trí người đứng đầu ngân hàng, KienLongBank và ABBank mà chọn làm người đứng đầu doanh nghiệp.

Sự biến động nhân sự cao cấp ngành ngân hàng trong thời gian qua là tất yếu bởi ngành ngân hàng tiếp tục giai đoạn 2 tái cấu trúc để phát triển. Và quá trình này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tại BIDV, ngân hàng này vẫn chưa tìm ra người đứng đầu phụ trách HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu vào tháng 9/2016. Một năm rưỡi sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, ông Trần Anh Tuấn đã đảm nhận vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT. Song, ông Tuấn đã có đơn xin từ nhiệm ngày 2/5.

Gần đây, ông Bùi Quang Tiên được giao phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT ngân hàng BIDV. Ông Tiên là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này. 

 

tin chứng khoán,chứng khoán,VN-Index,thị trường chứng khoán,Trần Bắc Hà,Bầu Kiên,Nguyễn Đức Kiên,Hà Văn Thắm,Dương Công Minh,Nguyễn Thị Nga,SeABank
 

Trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng ông Phạm Quang Tùng (sinh năm 1971) sẽ giữ ghế nóng của ngân hàng lớn nhất Việt Nam sau khi ông này được điều động trở về từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hồi cuối năm ngoái. Trước khi sang làm chủ tịch VDB vào tháng 6/2016, ông Tùng là Phó tổng giám đốc BIDV. Tuy nhiên, tại kỳ đại hội này ông Tùng mới được bầu vào HĐQT làm thành viên.

Tình hình nhân sự tại nhiều ngân hàng cho tới thời điểm này vẫn chưa thực sự ổn định, từ các ngân hàng nhỏ tới những ngân hàng lớn và cả các ngân hàng quốc doanh như BIDV đã đề cập ở trên.

Tại ĐHCĐ ACB vừa qua, HĐQT ACB đã gửi danh sách 11 người ứng cử vào HĐQT nhưng đến phút chót, Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 8 thành viên HĐQT. Trong 3 người không được chấp nhận có ông Nguyễn Duy Hưng - ứng viên do nhóm cổ đông đại diện 10,45% cổ phần ACB đề cử, có liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Tại Eximbank, tình trạng cũng tương tự, tại ĐHCĐ Eximbank, NHNN cũng chỉ xét duyệt cho 1 trong 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng Giám đốc NamA Bank, được bầu vào HĐQT Eximbank.

Những biến động nhân sự cao cấp tại các ngân hàng cho thấy, việc giám sát của cơ quan chức năng đang chặt chẽ hơn. Điều kiện tìm kiếm và lựa chọn được ứng viên đảm nhận vị trí chèo lái NH không còn dễ dãi như trước.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong phiên cuối tuần các cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh đã giúp VN-Index tăng gần 22 điểm. Nhóm cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng, bao gồm Vinhomes, Vincom Retail, Vingroup dẫn đầu sự bứt phá của thị trường.

Nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, HDBank, ACB,... tăng mạnh.

Một số CTCK cho rằng, thị trường đã xác định được đáy và tiếp tục hồi phục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, thị trường còn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn trong và ngoài nước. Trong đó có sự đi tăng giá mạnh của đồng USD (kéo theo đó là sự rút lui của dòng vốn ngoại), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung,...

Kết thúc phiên giao dịch 1/6, VN-index tăng 21,62 điểm lên 992,87 điểm; HNX-Index tăng 0,83 điểm lên 115,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 52,83 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần. Giá trị đạt 6,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà


  • TAGS: