Thứ Sáu, 8/6/2018 08:00
Sau gần 15 năm Đà Nẵng triển khai Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), nhiều vấn đề đặt ra với chính quyền TP trong việc giữ chân nhân tài sau khi đã đủ thời gian công tác như hợp đồng cam kết; việc bố trí việc làm không đúng chuyên ngành đào tạo, thiếu quan tâm, thiếu sâu sát của các đơn vị sử dụng lao động với các học viên của Đề án…
Còn nhiều băn khoăn
Nhận công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng từ năm 2015, sau 3 năm công tác, anh Nguyễn Ngọc Tiến – học viên của Đề án 922, vẫn đang ở trong diện hợp đồng và chuẩn bị phải chuyển đơn vị công tác.
Anh Tiến cho biết, trong năm 2018, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện cắt giảm toàn bộ cán bộ hiện đang làm việc theo chế độ hợp đồng. Trong khi đó, đơn vị anh Tiến đang công tác lại không có chỉ tiêu biên chế.
Vấn đề biên chế được hầu hết các học viên Đề án 922 quan tâm, bởi theo số liệu của Sở Nội vụ Đà Nẵng, đến nay trong số 460 học viên được bố trí công tác thì chỉ có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức.
Anh Lê Hữu Thành, hiện công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, cho rằng bản thân anh và nhiều học viên Đề án khi đi học nước ngoài và trở về làm việc tại Đà Nẵng luôn mang trong mình một tinh thần, một nhiệt huyết được làm việc, được cống hiến và bỏ qua mọi lời mời làm việc với chế độ tốt hơn.
“Thế nhưng trong quá trình được bố trí công việc, có nhiều bạn phải chờ đợi thời gian lâu, có những bạn bị bố trí không đúng với chuyên môn, năng lực dẫn đến nhiệt huyết làm việc giảm xuống. Đối với các học viên được đi đào tạo ở nước ngoài về, ngoại ngữ rất tốt thì tại sao không đặt họ vào vị trí công việc có tiếp xúc với người nước ngoài để tạo thế mạnh?”.
Bùi Thu Linh, công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho hay chế độ lương bổng cũng là một nguyên nhân khiến các nhân tài dứt áo ra đi.
“Nếu không thể phá rào về chính sách tiền lương, tôi đề xuất TP củng cố các điều khoản mềm như là bố trí chung cư, chăm lo cho đời sống của các học viên thì sẽ hạn chế được phần nào việc nhân tài bỏ đi vì những lời mời quá hấp dẫn từ các khu vực tư”.
Còn chị Huỳnh Thị Liên, công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, phản ánh việc cho thuê nhà chung cư đối với học viên Đề án cũng không đơn giản dù trong hợp đồng có điều khoản này. “Đối với học viên là ngoại tỉnh thì việc thuê nhà chung cư là rất quan trọng nhưng Sở Xây dựng yêu cầu là phải có gia đình, có con hoặc hộ nghèo mới được bố trí”.
Điều chỉnh chính sách đãi ngộ
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đánh giá, Đề án ra đời cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm đó, đây là một quyết định mang tính đột phá. Kỳ vọng của Đề án là đào tạo, tuyển chọn được một đội ngũ chất lượng về tâm và tài để góp phần xây dựng thành phố phát triển vững mạnh, có đội ngũ công chức sánh ngang hàng các nước tiên tiến, nguồn nhân lực có được từ Đề án là “vốn liếng” quý giá của bộ máy hành chính công.
Vì vậy cần tiếp tục chăm bẵm, nuôi dưỡng và phát huy, việc xử sự với vốn “tài sản” này như thế nào lại phụ thuộc vào các đơn vị sử dụng nhân lực lao động.
Chia sẻ thêm về vị trí việc làm, ông Thơ cho rằng, giai đoạn đầu các học viên làm việc khó khăn là có sự chênh lệch giữa kiến thức và công việc thực tế. Vì vậy, phải rèn luyện bản lĩnh, ý chí. “Khi đi học theo diện Đề án 922 là các bạn đã được hưởng đãi ngộ đặc biệt rồi, trong công việc, các bạn nên dựa vào sự vượt trội của mình chứ không nên dựa vào bằng cấp nữa. Các bạn cũng cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm, lăn vào thực tiễn. Sự ràng buộc 5, 7 năm đối với các bạn, tôi cho rằng không nhiều vì ít nhất các bạn cũng mất vài năm làm quen với công tác, khi vừa quen rồi thì hết hạn ràng buộc hợp đồng, nếu các bạn đi thì TP không được sử dụng các bạn khi vào độ “chín” của tài năng”.
Về con số 40 học viên của Đề án xin thôi việc vì nhiều lý do khác nhau, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, họ ra đi không hẳn vì các đơn vị sử dụng đối xử không tốt mà vì muốn thử thách ở một vị trí tốt hơn. Điều này không chỉ với Đề án 922 mà trong tất cả các khâu tuyển dụng sử dụng lao động, các đơn vị cần nghiên cứu để có những hấp lực đủ mạnh cạnh tranh với bên ngoài để giữ chân người tài.
Lãnh đạo UBND TP cũng thừa nhận nhiều đơn vị sử dụng nhân lực, cụ thể là các sở, ban, ngành địa phương của TP ít quan tâm đến học viên của Đề án và có tình trạng bố trí không phù hợp.
“Có những cán bộ không làm được việc nhưng được bố trí làm ở vị trí đó và đơn vị sử dụng lao động ngại thay đổi, vị trí được ưu ái thì có ghế ngồi hết rồi. Ngược lại có những người có kiến thức chuyên môn cần đưa vào vị trí đó để trau dồi thì lại không được” - ông Thơ chỉ rõ, đồng thời cho rằng hiện tượng ưu ái là chắc chắn có, dẫn đến sự không minh bạch trong môi trường làm việc, khiến cho nhiều học viên bất mãn.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết TP đang cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ để đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Trong cơ quan hành chính không tồn tại hợp đồng lao động nên phải sắp xếp lại và đảm bảo số lượng.
Hiện tại, Sở Nội vụ đang giao các sở ngành xây dựng vị trí việc làm, tính trình độ chuyên môn của học viên. Giám đốc Sở Nội vụ cũng khẳng định bằng mọi hình thức, lãnh đạo TP Đà Nẵng sẽ đảm bảo các vị trí công chức, viên chức cho toàn bộ học viên của Đề án 922.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu tất cả các đơn vị có sử dụng học viên Đề án 922 phải làm giải trình, báo cáo cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Trong đó, phải thể hiện rõ, đơn vị tiếp nhận bao nhiêu học viên, bố trí công việc như thế nào, tâm tư nguyện vọng của từng học viên, họ muốn bố trí những công việc nào cũng như đề xuất giải pháp hỗ trợ cụ thể về các chính sách đãi ngộ cho học viên như tạo điều kiện thuê chung cư, vay vốn mua nhà ở xã hội… để học viên yên tâm công tác...
Hà Nguyên