Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.
Trong đó, Điều 32 của dự thảo Nghị định quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".
Nếu vi phạm, giáo viên buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến 6 tháng.
Trước dự thảo ảnh hưởng trực tiếp giáo viên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, chia sẻ băn khoăn về điều 32, quy định mức phạt giáo viên lên đến 30 triệu đồng.
Mức phạt không phù hợp
- Nhiều năm là hiệu trưởng trường THPT Việt Đức và bây giờ là người đứng đầu THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, quan điểm của ông về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như thế nào?
- Tôi đã đọc dự thảo và nhận định đây là lần xử phạt ở quy mô rộng, bao quát ở tất cả khía cạnh, các cấp học, được trình bày một cách đồng bộ và toàn diện.
Đây là cách nhìn mới về quản lý hành chính. Bởi từ trước đến nay, lĩnh vực giáo dục thường nhạy cảm, khi đề cập xử phạt đôi khi lại né tránh.
Tôi ủng hộ dự thảo với tác dụng điều chỉnh hành vi của hoạt động giáo dục để đi vào quy củ, nề nếp và khoa học, đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học.
- Dù không ủng hộ việc đánh, xúc phạm học sinh, nhiều ý kiến cho rằng điều 32 gây cho giáo viên tâm lý lo lắng, nặng nề vì mức phạt cao. Ông nghĩ sao về điều này?
- Quả thực tôi cũng băn khoăn về điều 32 khi phạt giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh. Ở khía cạnh nào đó, hình phạt này có thể có tác dụng nhưng lại ở mức cao và không phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
Chúng ta cần có cái nhìn cặn kẽ hơn để tránh quy chụp. "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", đôi khi lại ứng xử không trung thực. Trong khi đó, ranh giới phân định giữa những va chạm của học trò và giáo viên khó, đâu là đúng, đâu là sai, có thể rơi vào tranh cãi, đôi co.
Trong xã hội hiện đại, người thầy lại chịu nhiều áp lực về cơm, áo, gạo, tiền, ứng xử với phụ huynh, đồng nghiệp, học sinh. Đôi khi, việc quá áp lực khiến người thầy nóng nảy, có hành vi đột phát, không kiểm soát và không mang tính sư phạm. Tôi tiếp xúc nhiều giáo viên thấy rằng thầy cô thường có mong muốn giống cha mẹ, làm sao để con cái chăm chỉ, ngoan ngoãn, vâng lời.
Mối quan hệ giữa thầy và trò ngày nay đã khác, nếu trước kia là sự tôn kính thì bây giờ là bình đẳng. Trong khi đó, nhiều học sinh đang trong quá trình hình thành nhân cách lại chưa hiểu thế nào là bình đẳng. Các em ngỡ mình được đứng ngang hàng với giáo viên và muốn gì cũng được.
Hiện tại, việc xử lý giáo viên đã có luật công chức, viên chức, giáo viên vi phạm sẽ bị kỷ luật, tạo bài học cho họ điều chỉnh hành vi. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên xem lại việc có nên áp dụng điều 32 hay không? Việc nộp phạt đôi khi lại theo tính chất… bỏ tiền ra để xóa bỏ hành vi.
Có trường ở Nhật Bản, Singapore cho phép dùng roi vọt
- Theo ông, hình phạt trong điều 32 của Nghị định gây tác động lên tâm lý của người thầy như thế nào?
- Tôi đồng ý giáo dục phải thay đổi theo hướng nhân văn. Tuy nhiên, nhà tường là xã hội thu nhỏ, cần có kỷ luật. Trong quá trình thực hiện, học sinh có thể phản ứng với kỷ luật dẫn đến góc nhìn quy chụp là giáo viên có hành động xâm phạm nhân phẩm, nhân cách của phụ huynh.
Mặt khác, phụ huynh ngày nay lại thường chiều chuộng con cái một cách quá mức. Dư luận đôi khi làm quá sự việc.
Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo, tránh để hành vi nhỏ lại biến thành vấn đề lớn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy khiến họ thu mình lại, buông xuôi hoặc hời hợt trong giáo dục.
- Quan điểm của ông về kỷ luật như thế nào?
- Xã hội chúng ta khác với phương Tây khi đó là những quốc gia phát triển, được hình thành lâu đời, trẻ được giáo dục đầy đủ từ nhỏ. Chúng ta học hỏi nước ngoài nhưng cần có kế thừa những gì phù hợp, làm từng bước, không nên để thầy cô mất vị thế.
Tôi được tiếp cận với giáo dục Nhật Bản, Hàn Quốc, thấy rằng học sinh bình đẳng với thầy cô nhưng họ không bị ức chế dẫn đến ứng xử sai.
Tôi từng biết trường phổ thông ở Singapore có quy định hiệu trưởng, giám thị được dùng roi đánh học sinh. Nhưng vị hiệu trưởng đó nói ông chưa bao giờ đánh học sinh, mọi việc đều thông qua hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh.
Như vậy, roi vọt ở đây là hình thức giáo dục răn đe, phòng ngừa chứ không nhấn mạnh về việc trừng phạt về thể chất. Nhật Bản cũng có những trường học quy định học sinh vi phạm sẽ bị đánh đòn.
Về phía thầy cô, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là làm sao cho mỗi người tự răn mình, để bóng tối của xã hội đứng ngoài cổng trường.
Kỷ luật bao giờ cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực, giáo dục là làm sao kỷ luật mang tính tích cực. Đó là kỷ luật đúng người, đúng tội, khiến học sinh thấy được khuyết điểm của mình chư không phải chặn con đường phát triển của các em.
Ở trường, tôi luôn có mốc thời gian quy định trong một thời gian nếu học sinh tiến bộ, nếu được xác nhận của giáo viên, bạn bè, nhà trường sẽ giảm và xóa kỷ luật.
Học sinh ở lứa tuổi mới lớn được ví như tuổi nổi loạn, luôn nghĩ mình làm đúng. Chúng ta phải hiểu tâm lý lứa tuổi thì việc giáo dục mới hiệu quả.
Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.
Theo Vietnamnet