Dạy đánh vần bằng khái niệm ngữ âm- âm vị không dễ

Sáng 13/9, Viện Ngôn ngữ học tổ chức tọa đàm chủ đề giáo dục. Tại đây, GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đã có bài trình bày về Cơ sở ngôn ngữ học và thực tế tiếng Việt trong việc dạy - học đánh vần tiếng Việt.

PV NNVN ghi lại ý kiến của GS Lợi.

19-12-50_gs_loi

GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học

Theo nguyên GS.TS Nguyễn Văn Lợi thì GS Hồ Ngọc Đại có khẳng định rằng, cách dạy đánh vần của ông dựa trên thành tựu nghiên cứu 300 năm ngữ âm tiếng Việt, tức là tính từ khi chữ quốc ngữ ra đời năm 1651 đến năm 1977.  

Dạy đánh vần là vấn đề khó

40 năm sau khi sách dạy đánh vần Công nghệ giáo dục (CNGD) ra đời, nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt có nhiều thành tựu. Ví dụ, về thanh điệu tiếng Việt. Đánh vần liên quan đến nhiều chuyên ngành, nhiều lĩnh vực. Y học (Speech Therapy) dạy trẻ em bị tự kỉ, bị câm điếc học đọc- viết tiếng Việt.

Về ngôn ngữ học, vấn đề đánh vần/học vần liên quan đến khái niệm biết chữ (Literacy). Một cách đơn giản, biết chữ là khả năng biết đọc biết viết. Trái nghĩa của literacy là illiteracy -“mù chữ”. Dạy biết chữ theo cách khác nhau tùy thuộc truyền thống văn hóa, đặc điểm ngôn ngữ, chữ viết ở từng nước.

Ở trường phổ thông, việc dạy - học đánh vần hướng đến mục tiêu chung là rèn luyện và phát triển kĩ năng nghe – nói, đọc - viết của học sinh. Trong thực tế, tùy thuộc vào người học có nền tảng phương ngữ, nhất là nền tảng tiếng mẹ đẻ. Tùy theo phương ngữ, một số lỗi sai chính tả, hoặc lỗi phát âm (ví dụ, lỗi phát âm sai l/n) có thể bám theo nhiều người, ngay cả khi đã trưởng thành về tuổi tác và học vấn.

Nếu con các vị 10 tuổi sống ở Hà Nội nhưng gia đình thuê người giúp việc ở vùng nào đó lẫn (n, l) chắc chắn con cháu các vị sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc ở trường học nếu không quan tâm đến vấn đề này thì học sinh từ 6 – 10 tuổi cũng chịu sự ảnh hưởng.

Cơ chế nghe nói ở trẻ, theo tôi cần quan tâm trước hết nghe hiểu. Ngay từ trong bụng mẹ trẻ em đã nhận được tiếng nói của mẹ, trong đó có lời nói. Qúa trình nhận hiểu, ban đầu có tiếp nhận âm thanh, và bắt đầu tập nói theo phản ứng bắt chước từ âm a, bập bẹ… Sự phản ứng như vậy chủ yếu là bắt chước.

Do vậy, việc dạy đánh vần trong các âm tiết “trừu tượng chân không nghĩa” như chủ trương của CNGD là không đúng. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách CNGD rằng, “quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp”. 

Tôi cho rằng, mô hình dạy – học đánh vần đi từ âm vị đến kí tự (CNGD) phù hợp với người học tập viết- đọc (đánh vần) tiếng mẹ đẻ. Còn mô hình dạy- học đi từ chữ đến âm vị phù hợp với người học có tiếng mẹ đẻ không phải là ngôn ngữ cần học đọc/học viết.

Dạy – học đánh vần từ âm đến chữ là mô hình do CNGD của GS Hồ Ngọc Đại chủ trương. Mô hình này liên quan đến quan điểm tâm lí học sư phạm. Các tác giả chủ trương phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh, cần dạy học sinh từ trừu tượng đến cụ thể, tức là từ các khái niệm âm vị học, sự phân biệt âm (vật thật) và chữ (vật thay thế) đến các chữ cụ thể.

Thật ra, về ngôn ngữ học, việc phân biệt vật thật (âm) và chữ (vật thay thế) chỉ mang tính tương đối, xét trên cấp độ ngữ âm, trong “quan hệ âm và chữ”. Về tổng thể, “ngôn ngữ là hệ thống tin hiệu”, thì âm - cái biểu hiện (mặt âm thanh) lại là “vật thay thế” của cái được biểu hiện (Khái niệm).

Như trên chúng tôi trình bày, sự hình thành kĩ năng nghe- nói ở trẻ diễn ra từ từ, trong quá trình phát triển theo kiểu bắt chước từ cha mẹ và người xung quanh. Trong tâm thức trẻ 6 tuổi, hệ thống ngữ âm- âm vị chưa thực sự hoàn thiện: trẻ có kĩ năng nghe hiểu và phát âm không đầy đủ các âm vị, trong một số không đầy đủ các bối cảnh ngữ âm, do vốn từ vựng của trẻ chưa đủ lớn (khoảng vài nghìn từ). Do vậy, việc dạy-học đánh vần bắt đầu từ các khái niệm trừu tượng về ngữ âm-âm vị học không thích hợp với năng lực ngôn ngữ của trẻ.

Ảnh minh họa

Việc dạy đánh vần bắt đầu bằng các khái niệm ngữ âm-âm vị học không dễ đối với trẻ em 6 tuổi, cũng như đối với người lớn không có hiểu biết về ngữ âm-âm vị học. Khó khăn ở chỗ, người biên soạn phải giải thích các khái niệm, thuật ngữ trừu tượng bằng các khái niệm, thuật ngữ thông thường.  

Vẫn còn sạn trong giáo trình

Trong CNGD, các tác giả yêu cầu phân biệt âm với chữ…nhưng không biết âm được hiểu là âm vị (ví dụ âm vị /k/ - đơn vị trừu tượng, có trong tâm thức người bản ngữ), với âm tố (sự hiện thực hóa trong bối cảnh ngữ âm cụ thể: âm tố [k] khi đứng trước nguyên âm dòng trước, ghi bằng kí tự K, âm tố [k] khi đứng trước nguyên âm dòng sau và dòng giữa, ghi bằng C, âm tố [k] khi đứng trước âm đệm /w/, ghi bằng kí tự Q.

Trong sách có cách trình bày âm /bờ/, âm /cờ/, chứng tỏ các tác giả muốn nói đến “âm” vị /k/. Tuy nhiên, đây là cách trình bày hoàn toàn xa lạ với người có kiến thức ngữ âm-âm vị học.

 Cũng như vậy, khái niệm “chữ” không được định rõ đó là chữ cái (con chữ) và kí tự (đơn vị văn tự nhỏ nhất trong một hệ thống chữ viết). Thật khó cho phụ huynh học sinh phân biệt các chữ cái N, G, H với kí tự NGH là tổ hợp của 3 chữ cái trên để ghi âm vị.

Trong sách, chính các tác giả nhầm lẫn giữa “âm” và và “chữ”, gữa âm là phụ âm với vần, giữa “tiếng” (âm tiết) với “vần” (bộ phận sau âm đầu của âm tiết). Ví dụ trong bảng âm vần theo CNGD, tác giả nhầm lẫn giữa các khái niệm âm và chữ, giữa âm đầu với vần, vần với âm chính, âm với tiếng…

Trong CNGD, các tác giả đúng khi giải thích rằng, các nguyên âm đôi ia và iê , ua và uô, ưa và ươ là các biến thể của cùng một âm vị. Tuy nhiên, các tác giả sai, khi dạy học sinh phát âm âm uô là ua, ươ là ưa, iê là ia.

Theo cách dạy này, học sinh không thể phát âm đúng các nguyên âm đôi. Đặc biệt, học sinh không thể phát âm đúng, phân biệt “qua” và “cua”. Sự khác biệt giữa 2 âm tiết ở chỗ, trong “qua”, kí tự u để ghi âm đệm /w/, còn trong “cua”, con chữ u để ghi yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi (chứ không phải /ua/.

"Chúng tôi tán thành quan điểm của PGS Bùi Mạnh Hùng rằng, việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp dạy học bản ngữ”, GS.TS Nguyễn Văn Lợi.

Theo nongnghiep.vn

 


  • TAGS: