Theo PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh và không cần quá nhiều bộ SGK mà nên tập trung vào chất lượng.
Việc biên soạn SGK cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh. Ảnh minh họa.
3 khó khăn
Khẳng định một chương trình, nhiều SGK là một chủ trương mở, giúp cải thiện chất lượng SGK, PGS Phạm Tất Dong cho rằng một số nước trên thế giới đã thực hiện điều này. Đây là một tiến bộ trong giáo dục bởi đã tính đến điều kiện văn hóa khác nhau của từng vùng một trong mỗi quốc gia để có các bộ sách SGK khác nhau.
Ví dụ bộ sách văn học và ngôn ngữ ở miền Bắc đôi khi không phù hợp lắm với miền Nam. Hoặc đôi khi sự phát triển về kinh tế, du lịch của mỗi vùng miền khác nhau, SGK có thể quy định phần cứng, phần mềm khác nhau, nó rất tiện dụng.
Thứ hai, trong điều kiện minh bạch, các nhóm thi đua với nhau để đưa ra các sách tốt nhất thì tốt thôi, không vấn đề gì cả. Thời kỳ đó, các chuyên gia giáo dục thấy hợp lý nên đề xuất và Quốc hội biểu quyết nên đưa vào Nghị quyết.
Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định một chương trình, nhiều bộ SGK. Nhưng gần đây lại có những ý kiến đặt lại vấn đề muốn một chương trình, một bộ SGK. Điều này không có gì mâu thuẫn bởi khi triển khai, gặp phải những vấn đề phát sinh thì phải xem xét lại để thay đổi nếu cần thiết.
Bởi từ Nghị quyết đến triển khai không đơn giản nếu chúng ta không lường trước được khó khăn, thậm chí là tiêu cực từ đó sẽ ra. Sẽ khó chứ không dễ giải quyết.
Lấy ví dụ, Quốc hội đồng ý đưa 1 chương trình nhiều SGK kèm theo 1 ý thế này, nơi nào muốn sử dụng sách nào thì tự chọn. Như vậy, sẽ khó ngay trong quản lý. Ngay ở Hà Nội mỗi trường dùng 1 SGK thì sao? Hay mỗi tỉnh, thành phố dùng 1 loại, còn nếu trường nào dùng sách nào cũng được, miễn khi thi đảm bảo được học vấn chung của chương trình chuẩn. Đấy cũng là một cách. Dẫu vậy các nhà quản lý sẽ khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc in ấn SGK, có tổ chức nào bao quát, đánh giá được từng cuốn SGK đã chuẩn về mặt chương trình, nội dung chuẩn mực chưa? Như vậy, đòi hỏi đội ngũ kiểm định chắc chắn. Các SGK đưa ra phải đạt những chuẩn như nhau mà chưa bao giờ chúng ta đưa ra chuẩn như thế nào.
Còn nếu bảo tùy thích thì mỗi người mỗi ý. Cũng phải lường trước là trường muốn dạy con tôi bằng quyển SGK này nhưng tôi thích quyển kia, số lượng in bao nhiêu cho vừa, số lượng khó tính quá, gây ra in thừa, in thiếu... Ví dụ sách SGK của GS Hồ Ngọc Đại chỉ có 1 quyển là sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục mà tham gia vào thì không đúng. Muốn tham gia là phải có một bộ sách tương ứng với cả chương trình quy định. Vừa rồi, gần 50 tỉnh triển khai riêng sách Tiếng Việt này, tôi thấy như vậy là khập khiễng. Vì sao? Vì nếu để tập đọc thì cũng có nhiều cách.
SGK hay sách tham khảo?
PGS Phạm Tất Dong cho biết, ông đã trực tiếp hỏi nhiều giáo viên, trong đó có người bạn đời của ông cũng là giáo viên lâu năm thì nhận được ý kiến là một chương trình nhiều SGK, đó là xu hướng chung và cũng rất hay. Nhưng hay nhất vẫn là một bộ SGK, nhiều bộ sách tham khảo. Chẳng hạn, SGK chính thống in quyển lịch sử thế này, ngoài ra giáo viên có thể đọc thêm các sách khác. Và hay nhất vẫn là sách tham khảo lấy ở một số nước, chẳng hạn tham khảo môn Toán cùng cấp ở các nước khác đang dạy ra sao?...
“Khi tôi là sinh viên khoa Toán của Trường ĐH Sư phạm, tôi luôn lên thư viện đọc rất nhiều sách toán của ĐH Bách khoa, ĐH Tổng hợp, ĐH Kinh tế quốc dân, để mình mở mang kiến thức nhưng vẫn đảm bảo kiến thức của chương trình toán của sư phạm. Đó là chính bởi sau này mình sẽ dạy chương trình đó”- ông Dong nói.
Vì vậy, quan điểm của PGS Phạm Tất Dong là nên 1 quyển SGK chính thống để không có gì đó “gợn gợn” về mặt nội dung. Còn ai muốn viết sách tham khảo thì cứ viết, sẽ có những nhóm xin viết sách. Những nhóm chưa đủ năng lực họ sẽ không tham gia vì viết SGK khó lắm. Còn sách tham khảo thì cũng nhiều vấn đề đặt ra, thầy giáo không đủ thời gian để dạy tất cả mà những bộ sách tham khảo này sẽ giúp cho học sinh hiểu biết thêm. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số hiện nay, cách này có thể cũng hơi lạc hậu thật. Học sinh khai thác trên mạng thì sẽ biết thêm được rất nhiều kiến thức cần thiết.
Là người từng ở cơ quan chỉ đạo viết SGK ở đợt cải cách năm 1979, ông Dong cho biết có nhiều GS đầu ngành, nhiều giáo viên kỳ cựu có đủ kinh nghiệm để viết sách bộ sách đó. Nay nếu để chỉ một nhóm nhỏ viết thì khó, có thể gây tốn kém.
“Tôi chưa hiểu phương pháp của Bộ sẽ làm sao? Nếu Quốc hội đồng ý một chương trình nhiều SGK thì ngay khi giải trình phải nói rõ các tổ chức cá nhân khác nhau tham gia viết SGK thì quy trình như thế nào? Những chuẩn nào cần bảo đảm. Cuốn nào được dùng, cuốn nào không được dùng, vì không phải nhóm nào cũng đủ tiền thuê chuyên gia viết sách”.
Lo ngại lợi ích nhóm
Bày tỏ lo ngại về lợi ích nhóm khi triển khai viết SGK, PGS Phạm Tất Dong cho hay: “GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới đây đã trả lời báo chí rằng trong khi chờ đợi ban hành chương trình, có nhà xuất bản đã tổ chức viết trước, sau đó sẽ chỉnh sửa. Như vậy, chẳng phải đã đón đầu trước rồi? Nhưng trên thực tế, làm sao họ biết chương trình được duyệt như thế nào mà viết? Sẽ nghi ngờ có tay trong chứ?”.
Để phá thế độc quyền nhà xuất bản, đây là ý rất hay, nhưng SGK đưa ra để làm gì? Để học sinh đáp ứng được nhu cầu về phẩm chất năng lực như chương trình đưa ra. Các nhóm viết phụ thuộc vào nhà xuất bản. Nếu giữa họ có những ràng buộc nào đó thì độc quyền đúng là sẽ chuyển sang lợi ích nhóm, người nhiều người ít tất sinh ra đấu đá.
Từng nhóm nhỏ viết sách, trong khi mô hình nhân cách thu gọn trong từng bài học. Từng ấy bài học mới tạo nên nhân cách của một người học trò. Nếu SGK chỉ cần hơi chệch một chút thì hệ lụy sẽ rất nguy hiểm, là thế hệ học trò sẽ phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, việc biên soạn SGK cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh và không cần quá nhiều bộ SGK mà nên tập trung chất lượng.
Theo Đại đoàn kết