Chứng khoán: Thử thách 1.000 điểm

Đầu năm 2018, VN-Index đã vượt 1.000 điểm tương đối dễ dàng, không lâu sau đó lại điều chỉnh xuống dưới ngưỡng này nhưng cũng chỉ là trong phiên rồi lại bật lên, chinh phục mốc 1.200 điểm. 

Nhiều nhà đầu tư vẫn “canh” cơ hội giá xuống để mua vào

Cuối tháng 5, một lần nữa VN-Index điều chỉnh giảm xuống dưới 1.000 điểm, nhưng lần này phải về vùng 915 điểm rồi mới bật trở lại và vượt lên khỏi ngưỡng 1.000 điểm không mấy khó khăn. Những ngày qua, chỉ số này cũng đã tiến sát ngưỡng 1.000 điểm, nhưng lần này có vẻ nhiều thách thức hơn.

Hỗ trợ 980-990 điểm

Nếu hơn 1 tháng trước, những ai đưa ra dự báo về khả năng VN-Index tiến đến 1.000 điểm có thể bị cho là lạc quan thái quá. 20 phiên trước đây, VN-Index chỉ mới trụ nổi ở ngưỡng 950 điểm và với nhiều người có thể xem như đó là kỳ tích bởi hồi đầu tháng 7, đã có một số phiên VN-Index bị thủng cả ngưỡng 900 điểm và các dự báo bi quan cho rằng, đáy ngắn hạn phải là… 800 điểm.

Phiên ngày 28/8 diễn ra sau chiến thắng lịch sử của Đội tuyển Olympic Việt Nam trước Syria để lần đầu tiên lọt vào bán kết môn bóng đá nam Asiad với nhiều kỳ vọng chứng khoán sẽ hưởng ứng để quay trở lại mốc 1.000 điểm.

Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi phiên này VN-Index chỉ tăng từ gần 992 lên hơn 995 điểm. Đây cũng có thể xem là một phiên “xanh vỏ đỏ lòng” khi VN-Index tăng điểm chỉ nhờ vào một số nhóm cổ phiếu trụ cột, chẳng hạn như ngân hàng với VCB, CTG, hay nhóm chứng khoán với SSI, HCM hoặc GAS tăng liền 5 phiên từ ngày 22 đến 28/8 góp phần bổ sung điểm số cho VN-Index.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có sức bật tốt trước đó như GEX, DRC, KBC… đều đã điều chỉnh khá mạnh trong phiên. Và sang đến phiên ngày 29/8, mức độ thách thức của thị trường còn cao hơn, VN-Index vẫn còn duy trì trên ngưỡng 990 điểm cho đến đầu giờ chiều, tức là chỉ giảm trên dưới 5 điểm, nhưng sau đó thì giảm mạnh hơn khi lên đến 7 điểm và vùng 980-990 điểm đang tạm thời có tính hỗ trợ đáng kể cho VN-Index.

Càng khó, càng bền

Từ dưới 900 điểm lên gần 1.000 điểm sau khoảng 30 phiên giao dịch, VN-Index tăng theo từng đoạn khoảng 20-30 điểm, sau đó điều chỉnh từ 5-10 điểm. Tuy nhiên, ngưỡng 1.000 điểm lại là một thử thách rất khác vì được xem là ngưỡng tâm lý cực kỳ quan trọng. Theo như thói quen giao dịch gần đây thì cổ phiếu hay thị trường chung khi đủ một đợt sóng T+3 thì xuất hiện lực chốt lãi, sau đó mới tăng tiếp.

Tuy nhiên, quy luật này bắt đầu có những thay đổi khi VN-Index vượt qua ngưỡng 980 điểm rồi 990 điểm, vẫn có những cổ phiếu tăng đủ T+3 tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng cũng xuất hiện những cổ phiếu buộc người mua phải chờ nhiều hơn T+3 để có thể bán. Trong trường hợp nếu giá cổ phiếu hay thị trường đi ngang thì sẽ có nhiều động thái được cân nhắc.

Luồng suy nghĩ đầu tiên trong trường hợp VN-Index chưa thể vượt 1.000 điểm trong ngắn hạn chính là liệu thị trường có đang ở giai đoạn phân phối đỉnh hay không? Nếu câu trả lời là “có” thì nhà đầu tư có thể lựa chọn động thái bán ra và nhiều người cùng chung hành động như vậy sẽ dẫn đến những phiên điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn. Một số người có lãi trước đó cũng có thể bán để bảo toàn lợi nhuận và điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn về nguồn cung.

Luồng suy nghĩ thứ hai tất nhiên sẽ đến từ bên mua khi cho rằng đây chỉ là giai đoạn “lấy đà” để chuẩn bị cho VN-Index vượt 1.000 điểm nên sẽ tận dụng cơ hội để mua vào hàng hóa với giá hấp dẫn. Diễn biến phiên ngày 29/8 có thể là minh chứng rõ nét cho xu hướng này khi VN-Index giảm xuống 990 điểm thì lực mua vào xuất hiện khá tốt và đẩy chỉ số này quay trở lại ở ngưỡng trên.

Và nếu nhìn rộng hơn thì thanh khoản vẫn đang duy trì ở mức trên 4.000 tỷ đồng/phiên và trong thời gian dài cho thấy sự cân bằng cung-cầu, cũng như tâm lý trên thị trường là rất tích cực.

Mặt khác, nếu thị trường xảy ra quá trình tích lũy, phân hóa càng lâu, sẽ càng vững chắc và ngưỡng 1.000 điểm khi được vượt qua sẽ có tính ổn định về mặt dài hạn cao hơn.

Theo Thời báo Ngân hàng


  • TAGS: