Ai bảo vệ nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp?

 

 

Công ty cổ phần tập đoàn Masan vừa thông báo phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn ba năm, lãi suất 10%/năm cho năm đầu và lãi suất những năm sau được tính bằng cách lấy lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng của bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh cộng thêm 3,2%/năm. Người mua được trả lãi 6 tháng/lần. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và mục đích phát hành được Masan nêu rõ là để tái cơ cấu các khoản nợ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước phát triển nhanh và khá "nóng" trong thời gian gần đây, đặt ra nỗi băn khoăn về luật hóa cơ chế quan tâm, bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiếu theo yêu cầu mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu nợ. Như vậy trái phiếu của Masan chỉ có thể bán cho các đối tượng không phải ngân hàng.

Trái phiếu doanh nghiệp đang là vấn đề thời sự trên thị trường tài chính và cả trong dư luận. Trong buổi trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra nước ngoài, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã băn khoăn việc công ty đại chúng phát hành trái phiếu ra quốc tế liệu có ảnh hưởng đến nợ của Chính phủ, quốc gia và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quản lý việc phát hành thế nào.

Các ngân hàng muốn phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp hai (chủ yếu nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn) phải xin phép cơ quan chủ quản và NHNN xem xét rất kỹ khối lượng phát hành. Ngân hàng là kênh huy động vốn phổ biến và hiện Nhà nước chưa cho ngân hàng nào phá sản, nhưng việc phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng được quản lý rất chặt chẽ. Nên nhớ hầu hết các ngân hàng hiện nay đều được xếp hạng tín nhiệm của một số định chế tài chính uy tín quốc tế như S&P hoặc Moody’s và có ngoại tệ gửi ở nước ngoài để đảm bảo các hoạt động thanh toán quốc tế của khách hàng doanh nghiệp.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông thường ủy ban cấp phép rồi các công ty mới đăng thông báo và tiến hành phát hành. Thời gian phát hành tối đa là 90 ngày, nếu quá 90 ngày không phát hành được thì phải xin phép lại, nếu muốn phát hành lại.

Hiện tại số lượng công ty đại chúng lên tới vài ngàn, liệu ủy ban có quản lý được hết và nắm rõ thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp? Chẳng nói đâu xa, chỉ nhìn vào khoảng 1.500 công ty niêm yết trên cả ba sàn là đủ thấy khối lượng doanh nghiệp đông đảo tới mức nào. Không bộ phận nghiên cứu, phân tích của công ty chứng khoán nào nắm rõ thông tin hết thảy mọi công ty niêm yết, nhất là các công ty trên UpCom. Việc xếp hạng tín nhiệm của những công ty này càng ít được thực hiện. Trừ các công ty rất quy mô, bản thân các doanh nghiệp niêm yết không tốn chi phí để trả cho việc định giá, xếp hạng.

Phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp là việc cần thiết nhưng phát triển nó khi chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có việc xây dựng các công ty xếp hạng, là gần như cầm đèn chạy trước ô tô.

Một số công ty phát hành trái phiếu lập luận cứ phát hành như một việc thử nghiệm, nếu không bán được cũng không mất gì. Họ xem việc phát hành trái phiếu như mang món hàng ra chợ bán mà quên mất rằng chất lượng món hàng chưa qua kiểm tra chất lượng có thể làm xói mòn lòng tin của người mua. Nếu nhiều người mua cùng nhận ra cái chợ ấy bán hàng không chất lượng hoặc hàng chưa qua kiểm tra, liệu họ có còn đến chợ nữa không? Đây là vấn đề chưa được Bộ Tài chính giải trình với Quốc hội. Ngay cả con số mà dư luận đang muốn biết là tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, thí dụ, ba năm qua là bao nhiêu? Số dư còn lại bao nhiêu? Con số đáo hạn thế nào? Cơ cấu người mua gồm những đối tượng nào với tỷ lệ bao nhiêu?... cũng chưa có thống kê chính xác.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi chưa đủ cơ sở hạ tầng cho xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vô hình trung đã đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Có nên luật hóa một cơ chế, một kênh huy động vốn mà theo đó nhà đầu tư không được bảo vệ và không được đặt lên hàng đầu như một chủ thể cần được quan tâm?

Nếu quả thật những sửa đổi, bổ sung của Luật Chứng khoán liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ được đặt nền móng trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp, của thị trường và thiếu lợi ích nhà đầu tư, thì cho dù được thông qua, ban hành, có hiệu lực, nó cũng có thể mau chóng trở nên không còn ý nghĩa bởi nhà đầu tư mới là nhân tố quyết định thành bại của thị trường.

 Theo Thesaigontime


  • TAGS: