Vẫn còn hàng ngàn tỷ đồng ‘nợ xấu’ tại MSB, trách nhiệm của ông Trần Anh Tuấn trước cổ đông

Báo cáo mới nhất của MSB ghi nhận, tổng số “nợ xấu” nội bảng vẫn ở mức hơn 1.432 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam hiện nay là ông Trần Anh Tuấn

Nợ có khả năng “mất trắng” gần ngàn tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) hết quý I/2020, tổng số “nợ xấu” nội bảng vẫn ở mức hơn 1.432 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn đang ở con số 986 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,18% trên tổng dư nợ, so với mức 2,04% hồi đầu năm.

Phần mục “nợ xấu” ngoại bảng tại VAMC của MSB cũng đang ghi nhận con số 1.533 tỷ đồng, trong đó trong đó đã trích lập dự phòng gần 333 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – MSB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020. Theo đó, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 154,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1,41% so với đầu năm.

Trong đó, cho vay khách hàng đạt mức gần 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với đầu năm trong khi tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác lại giảm tới 18,5%, xuống còn hơn 16,7 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng trong kỳ tăng nhẹ 0,81%, lên hơn 81,5 nghìn tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, hầu hết các mảng kinh doanh trong kỳ của ngân hàng đều có sự khởi sắc; trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 894 tỷ đồng, tăng trưởng 47,5% so với quý I/2019.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn gấp đôi, lên 121 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi thuần 102 tỷ đồng, so với mức lỗ 9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 16,7%, đạt 84 tỷ đồng.

Riêng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh kỳ này không ghi nhận lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 5 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác giảm nhẹ 7,6%, xuống còn 61 tỷ đồng.

Theo đó, tổng thu nhập thuần của ngân hàng trong quý I/2020 đạt 1.263 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập từ lãi thuần và thu nhập từ phí đạt 893 tỷ đồng và 121 tỷ đồng, tăng lần lượt là 47% và 110% so với cùng kỳ năm trước.

Vì thế, tăng trưởng cho vay của MSB đạt gần 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2019, trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 44%, cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng hơn 31%.

Hiện nay, đã có 11 ngân hàng công bố đã sạch nợ xấu tại VAMC, nhưng không có MSB. Năm 2019, VAMC cho biết đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt của 381 khoản nợ, đạt 20,544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 19,846 tỷ đồng. Phối hợp với các TCTD xử lý dự kiến đạt 69,778 tỷ đồng dư nợ gốc.

Trong năm 2020, VAMC sẽ đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá trị thị trường theo phương án được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Cụ thể, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, triển khai các nghiệp vụ như hoạt động bảo lãnh, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần,…

Nguy cơ mất trắng 500 tỷ đồng tại IOC

Ngày 1/9/2011, Công ty CP dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư (IOC) và Ngân hàng Hàng Hải MSB đã ký hợp đồng mua bán trái phiếu.

IOC đã phát hành 500 trái phiếu, tương đương với 500 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, lãi suất 15%/năm đầu tiên. Ngay trong ngày ký hợp đồng, MSB đã chuyển đủ 500 tỷ đồng cho IOC. Đến hạn năm 2016, IOC không thể trả nợ cho bên mua, buộc MSB phải kiện ra tòa nhưng đến giờ vẫn chưa thu được số tiền bỏ ra.

Mới đây, các cổ đông và thành phần HĐQT nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra, Ban lãnh đạo Công ty IOC nhiệm kỳ cũ 2011, đã phát hành trái phiếu trái phép khi chưa đủ điều kiện.

Theo Nghị định 52 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực tại thời điểm năm 2011 thì doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có đủ 5 điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu, có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua.

Ngoài ra, tại Mục B, Khoản 2, Điều 88 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: “Công ty không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến cho cho trái phiếu”.

Tuy nhiên, ngày 10/9/2011, tức là 10 ngày sau khi phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho MSB, IOC mới có báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty IOC ngày 12/8/2011 về việc thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, có chữ ký của ông Huỳnh Trung Nam, thành viên HĐQT bị làm giả. Đặc biệt, IOC còn phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 15%/năm, gấp 3 lần tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp của doanh nghiệp này là 5.3%.

Vì lợi nhuận thấp trung bình chỉ có 5.3% nhưng lại phải trả lãi lên tới 15%/năm, điều này dẫn đến việc IOC đã không trả được tiền gốc và lãi sau khi phát hành trái phiếu cho MSB.

Ngoài ra, theo hợp đồng mua bán trái phiếu, IOC sẽ dùng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Sunrise Hội An. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền của MSB, IOC đã chuyển toàn bộ số tiền này để đi trả nợ cho các đơn vị khác. Liệu động thái này của IOC có bị MSB biết trước đó?

Đáng chú ý, dù MSB biết rõ các sai phạm trong hợp đồng nhưng vẫn ký mua; Phương thức phát hành trái phiếu sai nhưng MSB vẫn nhận đầu tư vào trái phiếu không có tài sản đảm bảo; Không thẩm tra/thẩm định hồ sơ giao dịch mua bán trái phiếu;…

Câu hỏi đặt ra là, việc cho vay vốn lớn dẫn tới rủi ro nợ xấu, nợ khó thu hồi tại MSB khiến nhiều người hoài nghi về trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hạn mức tín dụng, giải ngân tại ngân hàng có vấn đề?

Có một điều chắc chắn, trái phiếu doanh nghiệp vốn đã khó trao đổi, khó mua, khó bán vì mua bán trái phiếu không khác gì mua bán nợ. Mà khi mua bán nợ còn phải dựa vào tình hình Công ty, dựa vào tài sản bảo đảm, nhưng với trái phiếu thì hầu hết không có tài sản hoặc là tài sản không đảm bảo. Do đó, MSB đang thực sự mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, chưa rõ ngày thu về.

Cho vay mua tàu thủy – nguyên nhân nợ xấu của MSB

Tại ĐHCĐ năm 2014, một lãnh đạo Maritimebank (nay là MSB) đã thừa nhận với cổ đông rằng tỷ lệ nợ xấu thực tế của ngân hàng cao hơn báo cáo. Dù vậy, nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức thấp hơn toàn ngành và cố gắng kiểm soát ở mức dưới 3% trong năm 2014.

Năm 2013, MSB cũng không cho biết kết quả xử lý thu hồi nợ xấu, sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp cho nợ vay mất vốn, nợ không đòi được. Trước đó, năm 2012, ngân hàng chỉ thu hồi được 3,8 tỷ đồng nợ quá hạn đã xử lý, hoàn nhập dự phòng 102,2 tỷ đồng và chi 80,2 tỷ đồng để xử lý rủi ro cho hàng trăm khách hàng.

MSB khi đó phải xử lý khối nợ vay đầu tư tàu lên tới cả nghìn tỷ đồng của các công ty tài chính, DN vận tải biển trong giai đoạn trước.

Đáng chú ý, năm 2011, MSB đã nhận lại hơn hai chục con tàu của Công ty cho thuê tài chính ALC 1 và ALC 2 (thuộc Ngân hàng Agribank), do 2 DN này gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ nặng, có nhiều sai phạm trong hoạt động…

Hàng loạt con tàu đóng dở dang, tàu cũ đã qua sử dụng được bàn giao sang cho MSB quản lý, như loạt 11 con tàu trọng tải 5.200 tấn, loạt 3 tàu 7.200 tấn của Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, tàu Star 88, Hufa Star, Hoàng Cương 28, Sunrise 15, tàu Phú Đạt…

Những khoản nợ của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang Maritimebank chủ yếu được thế chấp bằng chính tài sản là tàu đóng mới (tài sản hình thành trong tương lai) hoặc tàu mua cũ. Phía ngân hàng đã tiến hành đánh giá lại tình trạng tàu, giá trị của tàu để quyết định sẽ bán thanh lý, thu hồi vốn hay tiếp tục “đổ” thêm tiền hoàn thiện tàu.

Tuy nhiên, giá trị thực tế của tàu biển đã sụt giảm mạnh do thị trường mua bán tàu cũ suy giảm, khấu hao tự nhiên, cung vượt cầu… Do đó, để xử lý khối nợ này, MSB đã phải bán thanh lý một số tàu với giá sắt vụn, xử lý nợ xấu. Số tàu vẫn còn khả năng khai thác được chuyển sang cho một công ty để tiếp tục sửa chữa, khôi phục hoạt động…

Trong các báo cáo tài chính công bố thời gian qua, Maritimebank không cho biết tổng dư nợ tàu biển của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang, hiện còn lại bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được mấy phần…?

Thực lực của ông Tuấn “chợ”

MSB là ngân TMCP được cấp giấy phép thành lập đầu tiên tại Việt Nam – năm 1991 tại Hải Phòng.

Ban đầu, Maritime Bank chỉ có 24 cổ đông, vốn điều lệ 40 tỷ đồng, bao gồm những cái tên lớn như Cục Hàng Hải Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam…

Thuở mới thành lập, nhóm cổ đông Vinalines cũng từng nắm 23.33% vốn MSB, bao gồm Vinalines, GMD và VOS. Cổ đông lớn thứ hai của MSB là VNPT với 21,33%…

Nhắc đến ông Tuấn, không thể không nhắc đến người vợ của ông – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường một nữ doanh nhân có tiếng ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, là đại biểu Quốc hội trước khi bị bãi nhiệm tư cách.

MSB cũng đồng thời sở hữu nhiều ngân hàng như PVCombank, MBB, HDB, Đông Á Bank… với các tỷ lệ khác nhau.

MSB vừa mới thay đổi bộ nhận diện thương hiệu vào cuối năm 2018, hướng tới lọt vào top 10 Ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam hiện nay là ông Trần Anh Tuấn. Người trong nghề tài chính thường gọi ông Tuấn bằng cái tên “Tuấn market (chợ)”.  Ông Tuấn sinh năm 1969, xuất thân từng đi học địa chất ở Liên Xô cũ về và bắt đầu kinh doanh khi Việt Nam tiến hành mở cửa.

Trong giới máu mặt Hà Nội đồn rằng có thời kì ông thắng thầu rồi làm chủ một khu chợ khá có tiếng ở Hà Nội. Đó là chợ Thượng Đình thời trước. Có lẽ vì thế mà biệt danh Tuấn “chợ” đã được gắn với người doanh nhân Trần Anh Tuấn từ thời đó. Từ 2006, dưới sự điều hành của ông Tuấn, MSB đã thay đổi.

Ông đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để đưa người của Vinalines (vốn nắm cổ phần chi phối tại MSB trước kia) ra khỏi cơ cấu quyền lực tại MSB. Trong những năm qua, ông đã chỉ đạo ngân hàng thực hiện nhiều thay đổi lớn như hệ thống nhận dạng thương hiệu, tăng vốn và mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Nhắc đến ông Tuấn, không thể không nhắc đến người vợ của ông – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường một nữ doanh nhân có tiếng ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, là đại biểu Quốc hội trước khi bị bãi nhiệm tư cách. Nguyên nhân được cho là, bà Hường đã có quốc tịch nước ngoài và tài sản nước ngoài nhưng không khai báo khi ứng cử.

Hiện bà Hường đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VID Group nay là TNR Holdings.

Minh Tâm – Nhung Trần

Theo Sức khỏe 24h

http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/van-con-hang-ngan-ty-dong-no-xau-tai-msb-trach-nhiem-cua-ong-tran-anh-tuan-truoc-co-dong-a362.html


  • TAGS: