RMIT Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics

Trong hai ngày 28 và 29/6 vừa qua, Đại học RMIT Việt Nam đã được chọn đăng cai tổ chức Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics châu Á lần thứ 12 (ICASL 2019) tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường. Sự kiện có khách tham dự từ Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Bangladesh và Việt Nam.

Sự kiện là cơ hội để các khách tham dự đến và cùng chia sẻ cũng như thảo luận 29 chủ đề khác nhau liên quan đến những thay đổi và vai trò của vận tải biển và cảng biển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư Tae-Won Chung, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển và Logistics Hàn Quốc, cho biết ICASL 2019 tạo cơ hội để các giáo sư và nhà nghiên cứu toàn cầu gặp gỡ đồng thời thảo luận những nghiên cứu hiện có về vận tải biển và logistics ở châu Á.

“Hội thảo tạo kênh thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan đến vận tải biển và logistics châu Á, từ đó có thể dùng để đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác trong tương lai”, Giáo sư Chung nói. 

Các đại biểu tại hội thảo.

Từ sự kiện đầu tiên tổ chức tại Hàn Quốc năm 2008, hội thảo đã được mở rộng, không chỉ trao đổi nghiên cứu về vận tải biển và logistics giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc nữa.

Giáo sư Chung cho biết ban tổ chức chọn Việt Nam cho hội thảo năm nay vì tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong ngành vận tải biển và logistics của đất nước.

Ông nói: “Chúng tôi muốn tạo kênh cho các nhà nghiên cứu trong ngành tạo dựng những mối quan hệ tầm quốc tế, có cơ hội công bố nghiên cứu trên các ấn phẩm liên quan đến ICASL, tạo môi trường hiệu quả để người tham dự chia sẻ kinh nghiệm trong mảng này, cơ hội hình thành quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo, và mở rộng mảng vận tải biển và logistics lên quy mô toàn cầu.”

Ông Phạm Huy Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam phát biểu chào mừng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Huy Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết ông hy vọng hội thảo đem đến những thông tin hữu ích nêu bật được những vấn đề về vận tải biển và logistics trong khu vực. Ông tin rằng hội thảo có thể đóng góp đáng kể để người tham dự đưa ra đề xuất điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực này tại nước mình.

“Như chúng ta đều biết, vận tải biển và logistics là những lĩnh vực hết sức quan trọng ở các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Toàn cho biết.

“Hàng năm, Chính phủ Việt Nam tổ chức nhiều buổi thông tin, hội thảo, hội nghị chuyên đề và diễn đàn nhằm thảo luận cách cải thiện và phát triển các mảng này một cách hiệu quả. ICASL 2019, với nhiều bài thuyết trình về các công trình nghiên cứu khoa học, đóng vai trò quan trọng trong đóng góp kiến thức về lĩnh vực này, đồng thời đưa ra những giải pháp và đề xuất khác nhau cho chính phủ, doanh nghiệp trong ngành và các cơ sở giáo dục”.

Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, cho biết chủ đề thảo luận của hội thảo năm nay cũng song hành cùng kinh tế Việt Nam, khi sự phát triển của đất nước phụ thuộc vào việc hội nhập và hợp tác mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn thế giới.

“Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9% GDP, cao hơn Trung Quốc 19%, Thái Lan 18%, Nhật Bản 11% và Cộng đồng chung châu Âu 10%”, Phó giáo sư chia sẻ.

“Trong diễn đàn toàn quốc về logistics gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng chi phí logistics cao là một trong những rào cản cản trở tính cạnh tranh của quốc gia trong môi trường giao thương có tính kết nối và hội nhập hết sức chặt chẽ. Thủ tướng nhấn mạnh cần chú ý nỗ lực giảm chi phí logistics, đặc biệt khi Việt Nam tăng cường tham gia vào các hiệp định thương mại quan trọng.”

Phó giáo sư Nkhoma nhấn mạnh việc cắt giảm chi phí logistics xuống 16-20% GDP vào năm 2025, đồng thời tăng đóng góp vào GDP lên 8-10% “sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc tái cấu trúc và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Ông tin rằng khi cùng tìm hiểu về những thách thức ở mảng logistics trong khu vực với chuyên gia trong ngành, các nhà làm chính sách và các học giả, đại biểu từ Việt Nam có thể tìm ra được những giải pháp hữu ích cho các vấn đề hiện tại của đất nước.

Các chuyên gia và học giả từ các nước tham dự hội thảo.

Hội thảo ICASL 2019 lần thứ 12 được đồng tổ chức bởi Hiệp hội Vận tải biển và Logistics Hàn Quốc, Chương trình Huấn luyện chuyên gia Hàng hải và Logistics cảng của Đại học Quốc gia Incheon, và được tài trợ bởi Bộ Đại dương và Đánh cá Hàn Quốc, Ban quản lý Cảng Yeosu Gwangyang ở Hàn Quốc và Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Theo Báo Xây dựng

 


  • TAGS: