Ký kết hợp tác nâng cao trải nghiệm học từ thực tế trong du lịch và khách sạn

Đại học RMIT Việt Nam và Q Industries Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm đẩy mạnh hợp tác đôi bên.

Được ký ngày 19/3 tại Q Industries ở Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, biên bản thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực như các môn học áp dụng phương pháp học tập kết hợp kinh nghiệm thực tiễn WIL, tham quan công ty, tài trợ cuộc thi, thực tập, chương trình quản trị viên tập sự, nghiên cứu, học bổng, sự kiện và đào tạo.

Ông Tony Quek, Nhà sáng lập và Chủ tịch của Q Industries, vui mừng với cơ hội đóng góp cho Việt Nam qua việc hợp tác với một trong những trường đại học đẳng cấp quốc tế và có tiếng như RMIT Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Với sự phát triển của ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động được đào tạo chuyên nghiệp làm việc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới trên toàn quốc ngày càng tăng cao. Ra đời từ năm 1987 ở Singapore với mục tiêu phục vụ ngành khách sạn, cung cấp trang thiết bị cho những khách sạn, khu nghỉ dưỡng tên tuổi quốc tế trên toàn thế giới, Q Industries mong muốn đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam qua giáo dục và đào tạo ngành nhà hàng khách sạn. Và đây là mục tiêu chung mà giờ đây chúng tôi có thể san sẻ cùng RMIT Việt Nam”.

 

Đại diện Q Industries dẫn đoàn khách RMIT Việt Nam tham quan cơ sở vật chất tại trụ sở Q Industries tại Việt Nam.

Đại diện Q Industries dẫn đoàn khách RMIT Việt Nam tham quan cơ sở vật chất tại trụ sở Q Industries tại Việt Nam.

Từ thỏa thuận hợp tác này, sinh viên RMIT Việt Nam có cơ hội học hỏi về quy trình vận hành bếp tại khu dạy nấu ăn chuyên nghiệp Q.uriosity và kinh nghiệm làm việc thực tế tại nhà hàng Q.itchen Factory.

Giáo sư Gael McDoald, Hiệu trưởng RMIT Việt Nam, hy vọng rằng qua mối quan hệ hợp tác này, trường có thể đào tạo ra những cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn sẽ dẫn dắt ngành này ở cả Việt Nam và trên trường quốc tế.

“Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO, Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh thứ sáu trên thế giới về điểm đến du lịch, nhanh nhất khu vực châu Á”, Giáo sư cho biết. “Năm 2017 là năm thứ hai tăng trưởng du lịch Việt Nam vượt xa mong đợi của Chính phủ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ năm 2016. Trong Nghị quyết 08-NQ/TW, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho ngành lữ hành và du lịch đến năm 2020 cần đóng góp hơn 10% vào tổng sản phẩm quốc nội GDP”.

Giáo McDonald cho biết trường đã ra mắt bằng Cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn cách đây hai năm, sau khi “nhận thấy khoảng thiếu hụt về nhân lực có kỹ năng, đặc biệt quản lý cấp trung, cho ngành quản trị du lịch và khách sạn, đồng thời nhận biết được nhu cầu to lớn đối với chương trình đại học chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này”.

Sinh viên RMIT Việt Nam tham gia lớp huấn luyện về quy trình vận hành bếp tại khu dạy nấu ăn chuyên nghiệp Q.uriosity.

Bà chia sẻ rằng, dù ngành khởi đầu với 45 sinh viên nhưng con số này liên tục tăng mạnh kể từ khi ra mắt đến nay. Thêm vào đó, chương trình tập huấn về phục vụ nhà hàng và quầy uống tại Q Industries vào học kỳ trước cũng thu hút được sự chú ý của sinh viên RMIT hiện đang học tại Việt Nam cũng như ở các cơ sở khác trên thế giới.

“Hiện chúng tôi còn có sinh viên RMIT Melbourne muốn chọn môn phục vụ nhà hàng và quầy uống là môn học tự chọn, trong quá trình theo học tại RMIT Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên”, Giáo sư nói.

Giáo sư McDonald nhấn mạnh rằng chất lượng trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Q Industries cần được nhiệt liệt tán dương, đồng thời chia sẻ rằng “RMIT rất tự hào là đối tác của Q Industries trong đào tạo thế hệ nhân lực tương lai cho ngành nhà hàng khách sạn”.

Thúy Vinh


  • TAGS: