Học bổng Tiến sĩ tạo cơ hội nghiên cứu khoa học cho phụ nữ

 

Với hơn năm năm kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, cô Nguyễn Thị Phượng – Phụ trách Đào tạo chương trình Liên kết Anh (BCU) của Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đào tạo liên kết quốc tế.

Cô Phượng chia sẻ rằng, “Tôi tốt nghiệp MBA từ chương trình liên kết quốc tế của Đại học Gloucestershire (Vương quốc Anh). Sau đó, tôi có cơ hội nắm giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao trong các chương trình liên kết, điều đó giúp tôi có được kiến thức toàn diện về lĩnh vực này và là nền tảng hỗ trợ rất nhiều cho nghiên cứu tiến sĩ của tôi”.

Nguyen-Thi-Phuong-VN- Hình đã chỉnh

“Trong bối cảnh quốc tế hóa lĩnh vực giáo dục đại học, nghiên cứu mà tôi sẽ thực hiện trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại RMIT Việt Nam sẽ phân tích chuyên sâu về ảnh hưởng của mô hình quản lý lên hiệu quả hoạt động của các chương trình liên kết quốc tế ở các trường đại học Việt Nam”, cô Phượng chia sẻ thêm.

Cô Phượng hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của mình sẽ hữu ích cho đội ngũ quản lý của các trường đại học, những người sẽ đưa các chương trình liên kết quốc tế triển khai vào cơ sở của mình.

Đối với việc làm luận văn tiến sĩ cũng như ứng tuyển chương trình học bổng, cô Phượng tin rằng phụ nữ đối mặt với nhiều thách thức hơn nam giới. Tuy nhiên, cô khích lệ những ai đang dự tính theo đuổi hành trình này rằng “cuộc sống không phải là chờ cho cơn bão đi qua, mà là biết học cách khiêu vũ dưới những cơn mưa”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên Marketing của Học viện Tài chính Hà Nội, sẽ dùng học bổng tiến sĩ để đào sâu nghiên cứu mảng marketing số, chú trọng vào hành vi người tiêu dùng.

Nguyen-Thi-Van-Anh-VN

Trong ba năm tới tại RMIT Việt Nam, cô sẽ tìm hiểu về cách người tiêu dùng kết nối với các kênh bán lẻ dành cho họ và dẫn đến chọn kênh mua hàng như thế nào.

“Với môi trường bán lẻ đa kênh – nơi người tiêu dùng có thể tự mua trên mạng và qua các phương thức khác – người tiêu dùng có thể bắt đầu hành trình mua hàng ở một kênh và kết thúc ở kênh khác vì không có ranh giới giữa các kênh này”, cô Vân Anh chia sẻ.

“Trong môi trường như vậy, quan trọng là công ty phải hiểu hành vi người tiêu dùng trong hành trình này để có thể phân bổ nguồn lực tốt hơn”.

Cô hy vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính hiệu quả của tìm kiếm thông tin và các bước mua hàng của người tiêu dùng nhằm tạo ra trải nghiệm mua hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Trong thời gian tìm kiếm chương trình tiến sĩ ở Việt Nam nơi tôi có thể nghiên cứu mảng marketing số, Đại học RMIT Việt Nam nổi lên là một ứng viên sáng giá nhờ trọng tâm nghiên cứu vượt trội, đặc biệt trong mảng marketing số”, cô Vân Anh chia sẻ. “Tôi cũng hết sức ấn tượng với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp tại đây. Tôi tin mình có thể tận dụng tối đa mọi thứ trong thời gian học ở đây. Hơn nữa, có thể làm luận văn tiến sĩ ở một trường chuẩn quốc tế ngay tại quê nhà cũng là một ưu thế rất lớn”.

Từ 2017, hàng năm Đại học RMIT Việt Nam trao Học bổng Tiến sĩ cho phụ nữ nhằm khích lệ nữ giới tham gia vào nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa, đặc biệt trong những lĩnh vực như kỹ thuật vốn có ít nhân sự nữ, hay trong lĩnh vực kinh doanh nơi phần lớn vị trí lãnh đạo do nam giới nắm giữ. Mỗi suất học bổng sẽ chi trả toàn bộ học phí làm luận văn tiến sĩ toàn thời gian theo thời hạn tiêu chuẩn ba năm, trị giá hơn 700 triệu đồng (tương đương 30.750 đô la Mỹ).

Theo Khoa học phổ thông

 


  • TAGS: