Tiếp tục được nới room tín dụng, cộng với việc đẩy mạnh tín dụng vào những phân khúc có biên lợi nhuận cao… được xem là ngọn nguồn giúp cho hàng loạt ngân hàng báo lãi “khủng” trong 6 tháng đầu năm.
4 nguyên nhân chính tạo nên lãi khủng
Mùa báo cáo tài chính quý II đang diễn ra, bên cạnh hàng loạt các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm thì việc các ngân hàng trong nước đồng loạt báo lãi khủng thực sự gây bất ngờ cho giới đầu tư. Vậy đâu là nguyên nhân và liệu xu hướng tích cực này có còn tiếp diễn?
Theo các chuyên gia tài chính chứng khoán, có 4 nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt báo lãi khủng trong 6 tháng đầu năm 2019. Đầu tiên là do động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng (chiếm 70 – 80% doanh thu các ngân hàng).
Ảnh minh họa
Nguyên nhân thứ hai là do các ngân hàng đồng loạt đẩy mạnh cho vay những mảng có biên lãi cao như tiêu dùng cá nhân, mà trong đó chủ yếu vẫn là cho vay mua nhà và mua xe.
Tiếp đó là một mảng cũng đóng góp khá nhiều lợi nhuận cho Ngân hàng trong các quý gần đây là hoạt động dịch vụ, ví dụ như dịch vụ liên quan đến hoạt động thẻ hay chuyển tiền quốc tế. Đặc biệt là mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Ví dụ điển hình là hợp đồng 20 năm của Sacombank với Dai-ichi Life, Techcombank phân phối độc quyền cho Manulife trong 15 năm; VPBank phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm cho AIA hay những thương vụ nhỏ hơn của VietinBank với Aviva. Trước đó, VIB ký hợp đồng độc quyền với Prudential từ năm 2015.
Gần đây nhất, VietABank bắt tay với Chubb Life Việt Nam để cho phép doanh nghiệp bảo hiểm này trở thành đối tác duy nhất bán bảo hiểm qua ngân hàng trong 10 năm. Trong khi, mảng bảo hiểm này có thể coi là con gà đẻ trứng vàng mới của các ngân hàng trong nước.
Nguyên nhân thứ tư là các ngân hàng cũng phải gấp rút tiến hành tăng vốn để đảm bảo đạt chuẩn Basel II, nếu không sẽ không được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, qua đó gây hạn chế tăng trưởng.
Đây cũng có thể là một động lực để các Ngân hàng báo lãi tạo sự hấp dẫn cho doanh nghiệp trước khi phát hành thêm cổ phần. Và theo thống kê hiện nay, trong số 30 ngân hàng Việt thì mới chỉ có 9 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II, đó là: Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MBBank, VPBank, Techcombank, MSB và TPBank.
Liệu xu hướng này có bền vững?
Bình luận về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019, một chuyên gia ngân hàng cho biết, kết quả này mang đến cả niềm vui và nỗi lo.
Mừng là bởi lợi nhuận tăng trưởng tích cực sẽ giúp các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu lại các cú sốc từ bên ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Nhưng lo ở chỗ, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Đặc biệt là mức lợi nhuận cao trong 6 tháng qua là do các nhà băng đẩy mạnh tín dụng vào những phân khúc có biên lợi nhuận cao như cho vay tiêu dùng, song đi kèm theo đó rủi ro cũng rất lớn.
Chưa kể, nếu nhìn trên bình diện chung thì với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và các Ngân hàng Trung ương ở các nước thì Việt Nam cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi làn sóng này. Việc thắt chặt tiền tệ sẽ khiến các doanh nghiệp trong nền kinh tế khan vốn hơn và đồng thời sẽ gặp khó khăn kép, qua đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người cho vay là các ngân hàng.
Ngoài ra với động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc siết tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản hay chứng khoán cũng khiến thu nhập của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Phan Linh/Theo ReaTimes