HAGL bán bớt tài sản để cấu trúc tài chính?

Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cho biết đã chuyển đổi thành công hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi thành hơn 200 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ tăng 11.085 tỉ đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tại HNG cũng giảm xuống dưới 50%.

Như vậy, HNG sẽ không còn là công ty con của HAGL nên kết quả kinh doanh của HNG sẽ không thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL và đồng thời cũng mất quyền chi phối doanh nghiệp này. “Mất” mảng nông nghiệp cho thấy HAGL đang teo tóp dần, nhưng có lẽ đây là việc làm cần thiết để tái cấu trúc tài chính của tập đoàn đang trong tình trạng rất rủi ro.

Đại gia bất động sản một thời

Bắt đầu từ một xưởng sản xuất gỗ, chỉ sau hơn 10 năm phát triển, HAGL đã vương lên thành một tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi niêm yết vào năm 2018, HAGL được nhắc đến nhiều như một “đại gia” bất động sản với rất nhiều dự án ở TPHCM và nhiều tỉnh khác trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay HAGL gần như không còn mảng kinh doanh bất động sản sau khi đã bán phần lớn vốn của công ty kinh doanh bất động sản tại Myanmar cho công ty con của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Hình ảnh nổi bật trên trang bìa báo cáo thường niên của HAGL năm 2018 là quả chuối, quả bưởi, quả xoài, quả thanh long và quả mít. Thông điệp của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định “sẽ đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025”. Xuyên suốt báo cáo thường niên này đều là những câu chữ, hình ảnh nói về mảng nông nghiệp của tập đoàn này. Như vậy, giờ đây HAGL đang định vị mình như một doanh nghiệp nông nghiệp.

 

 

Hình ảnh trên trang bìa Báo cáo Thương niên năm 2018 của HAGL

Hiện nay, HAGL còn ba mảng hoạt động chính là nông nghiệp, thủy điện và bất động sản. Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản chỉ còn một công ty là Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Nhà Hoàng Anh. Đây là công ty đang sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar.

HAGL đã bán hơn 50% cổ phần công ty này cho Đại Quang Minh và hiện chỉ còn sở hữu 47,89% với số tiền đầu tư là 3.253 tỉ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HAGL có thể tiếp tục giảm xuống khi công ty này cần phải tăng vốn để mở rộng đầu tư vào dự án tại Myanmar.

Mảng kinh doanh chiếm tỷ lệ khá quan trọng đối với HAGL chính là thủy điện. HAGL đã rót 2.532 tỉ đồng vào Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai. Tuy vậy, mảng kinh doanh thủy điện lại liên tục thua lỗ. Hiện HAGL đã phải trích lập dự phòng thua lỗ cho mảng kinh doanh này lên tới 754 tỉ đồng. Mảng hoạt động tạo nên thương hiệu cho HAGL là bóng đá thì hiện nay Công ty cổ phần thể thao Hoàng Anh Gia Lai đã mất sạch vốn, và HAGL đã phải dự phòng 100% vốn đầu tư vào đây, tương đương với 59 tỉ đồng.

Mảng kinh doanh lớn nhất và quan trọng nhất với công ty hiện nay là nông nghiệp. Theo báo cáo tài chính đến ngày 30/6/2019, HAGL đã góp vốn vào HNG là 5.100 tỉ đồng và Công ty cổ phần Hưng Thắng Lợi Gia Lai là 2.477 tỉ đồng. Đây là hai công ty con lớn trong ngành nông nghiệp HAGL trực tiếp sở hữu. Số vốn đầu tư của HAGL vào hai doanh nghiệp này chiếm đến 60% vốn chủ sở hữu công ty mẹ. Bên cạnh đó, HAGL còn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vay hàng chục nghìn tỉ đồng.

HAGL bán bớt tài sản để cấu trúc tài chính?

Vốn của HAGL đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, hai mảng hoạt động còn lại là đầu tư vào bất động sản Myanmar và thủy điện đều không mang lại hiệu quả. Nguồn: CafeLand

Hoàng Anh Gia Lai sắp tới sẽ ra sao?

Với việc tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại HNG là 40,8% và gián tiếp qua Công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai 8,4%, HAGL sẽ không thể chi phối HNG nếu không có những thỏa thuận với nhóm cổ đông lớn liên quan đến Thaco hiện đang sở hữu khoảng 35% cổ phần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của HAGL cũng sẽ không thể tự thực hiện theo ý của mình.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, HNG lỗ 729 tỉ đồng và kéo theo báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL lỗ 502 tỉ đồng. Có thể nói hiện tại HNG đang gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết các mảng kinh doanh đều hoạt động không hiệu quả. Các cây ngắn ngày mang lại doanh thu chủ yếu cho HNG trong mấy năm vừa qua như chuối, ớt, chanh dây, xoài, thanh long… có tính thời vụ cao và giá cả cũng biến động nên khó mang lại lợi nhuận bền vững cho HNG. Trong khi đó, một nguồn vốn rất lớn của HNG đầu tư vào cao su, dầu cọ vẫn đang bị thua lỗ và đang đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Việc HAGL buộc phải huy động thêm nguồn vốn cho HNG thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Thaco, bán bớt số cổ phiếu đang sở hữu để củng cố tài chính là điều khó tránh khỏi. Tổng số vốn mà HAGL bán bớt cổ phần và HNG chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần khoảng 5.000 tỉ đồng. Đây là một số vốn đáng kể giúp cho cả HAG và HNG trả bớt các khoản nợ đến hạn và có thêm vốn để đầu tư dự án mới.

Có lẽ thông tin tích cực này đã giúp cho giá cổ phiếu HNG tăng từ mức 7.000 đồng/cổ phiếu tháng 5 năm 2018 lên mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dù bán bớt cổ phần và thực hiện việc tăng vốn, nhưng rõ ràng “phi vụ” này đã mang lại cho HAG một món hời lớn. Cụ thể, việc bán bớt cổ phần tại HNG với mức giá khá cao đã mang đến cho HAG hàng nghìn tỉ đồng doanh thu tài chính. Bên cạnh đó, do giá cổ phiếu tăng nên giá trị thị trường cổ phiếu HNG mà HAG cũng tăng lên hơn 5.000 tỉ đồng.

Bên cạnh những cái lợi về mặt tài chính có thể thấy đó, HAGL thời gian tới cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Cụ thể, kể từ báo cáo quý 3/2019 kết quả kinh doanh của HNG sẽ không còn được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất của HAG. Như vậy, tài sản và doanh thu của HAG cũng sẽ giảm xuống rất mạnh.

Hoạt động kinh doanh của HAGL thời gian tới chủ yếu được ghi nhận từ Công ty Hưng Thắng Lợi Gia Lai với mỗi quý vài trăm tỉ đồng. Còn các hoạt động từ mảng khác như thủy điện, dịch vụ căn hộ, bệnh viện, bóng đá… gần như không đáng kể.

Như vậy, HAGL từ một tập đoàn đa ngành đang “teo tóp” dần. Đây là một kết quả tất yếu khi HAGL gặp nhiều sai lầm trong chiến lược phát triển, kinh doanh kém hiệu quả và nợ nần chồng chất mà mất khả năng thanh khoản. Việc bán bớt tài sản trả nợ, củng cố tình hình tài chính có lẽ là giải pháp tốt nhất của HAGL vào lúc này thay vì mơ mộng viễn vông.

Trong hơn 17.000 tỉ trong tổng số 49.000 tỉ tài sản của tập đoàn HAGL đang là xây dựng cơ bản dở dang. Đặc biệt, trong đó có tới hơn 12.000 tỉ đầu tư cho nhà máy thủy điện, vườn cao su, dầu cọ đem lại hiệu quả kinh doanh rất thấp. 

Nguồn: CafeLand


  • TAGS: