Do đại dịch toàn cầu đang diễn biến phức tạp, chương trình 'Teacher Talks' năm nay được chuyển sang trực tuyến, và truyền tải chủ đề 'Kết nối và Hợp tác trực tuyến' đến thầy cô và các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.
"Teacher Talks" là chuỗi chương trình phát triển chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam do khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học (SEUP) RMIT Việt Nam tổ chức thường kỳ.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo RMIT Đà Nẵng Karen Benson cho biết trong hai năm qua, SEUP đã tổ chức sáu chương trình ở TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội dành cho hơn 800 thầy cô từ các trường công và tư, các cơ sở giáo dục bậc cao cũng như các trung tâm ngoại ngữ.
“Teacher Talks" năm nay dự kiến tổ chức vào tháng Tư, theo bà Benson. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, SEUP quyết định chuyển sang tổ chức trực tuyến, đồng thời chuyển chủ đề nhằm đáp ứng nhu cầu cần tìm hiểu về giảng dạy trực tuyến ngày càng tăng trong cộng đồng giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam.
Người tham dự chuỗi sự kiện năm nay đã có cơ hội tham gia vào các buổi chia sẻ kỹ thuật số để tìm hiểu cách “thổi hồn” cho các hoạt động hiện có trong lớp học trên nền tảng trực tuyến.
Bà Benson cho biết: “Đa số những buổi chia sẻ này đều đúc kết từ kinh nghiệm của các thầy cô đang làm việc tại SEUP trong quá trình giảng dạy cho học viên lứa tuổi thanh thiếu niên”.
Nội dung Teacher Talks đúc kết từ kinh nghiệm của các thầy cô đang làm việc tại SEUP trong quá trình giảng dạy cho học viên lứa tuổi thanh thiếu niên.
“SEUP đã cải tiến mô hình giảng dạy của khoa từ tháng Hai nhằm đem đến trải nghiệm học trực tuyến khác biệt cho gần 1.000 học viên tiếng Anh ở cả ba cơ sở của trường tại Việt Nam. Mô hình nhận được phản hồi tích cực từ học viên về trải nghiệm học trực tuyến của các em”.
Chương trình "Teacher Talks" diễn ra giữa tháng 5 gồm hai phần, tập trung chia sẻ những điểm lưu ý thực tiễn khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến, như an toàn trực tuyến và nguyên tắc lịch sự trên mạng. Người tham gia còn được dự buổi tập huấn các hoạt động nhằm thu hút học viên trên môi trường trực tuyến, như khởi động và nhập bài, các hoạt động hợp tác viết luận và thực hành kỹ năng nói.
“Giáo viên tham gia còn có thời gian giao lưu kết nối, xem xét lại các hoạt động khác nhau và thảo luận cách đưa chúng vào lớp học của riêng họ như thế nào, và tham gia phần hỏi đáp trực tuyến”.
Thầy Mai Văn Két, giảng viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ rằng, chương trình gần gũi và đáng dành thời gian tham dự vì “chúng ta đang trải qua dịch bệnh và phải dùng đến các công cụ lớp học trực tuyến”.
Thầy cho biết: “Tôi học được cách chia học viên theo nhóm và làm thế nào tận dụng thời gian nghỉ tốt nhất”. Là người từng tham dự chuỗi "Teacher Talks" lần trước, thầy Két ấn tượng nhất với tính chuyên nghiệp của sự kiện. “Các bạn điều phối viên hiểu biết và giúp đỡ chúng tôi nhiều. Diễn giả chia sẻ nhiều kỹ thuật hợp tác giảng dạy trong lớp học trực tuyến”.
SEUP dự kiến tiếp tục tổ chức "Teacher Talks" ở TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội vào cuối năm nay, và sẽ truyền tải chủ đề "Kết nối và Hợp tác” nhằm hỗ trợ giáo viên và các trường khi họ tái kết nối trực tiếp.
“Với chuỗi hoạt động dự kiến tổ chức vào cuối năm, SEUP sẽ đem đến các buổi chia sẻ thực tế được nhiều thầy cô quan tâm, đồng thời giới thiệu phần thảo luận nhóm mới nơi nhiều chuyên gia khác nhau sẽ chia sẻ quan điểm về những lĩnh vực mà giáo viên tiếng Anh thấy liên quan đến những gì họ đang làm”, bà Benson cho biết. “Người tham dự còn được thực hành các phương pháp giảng dạy có thể áp dụng vào lớp học cụ thể của họ”.
Theo SVVN