Chuyên gia RMIT "mách nước" giúp doanh nghiệp hồi phục sau COVID-19

Đại dịch COVID-19 đang thách thức doanh nghiệp trên khắp Việt Nam khi số đông chủ doanh nghiệp đang báo cáo sụt giảm doanh số mạnh trong nhiểu tuần qua và không chắc khi nào sẽ tăng trở lại.

Đại dịch COVID-19 đang thách thức các doanh nghiệp và gây sụt giảm về doanh số.

Một số doanh nghiệp, như khách sạn, quán bar và nhà hàng đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn, trong khi một số khác, như trong ngành dệt may và bán lẻ, lại đối mặt với vấn đề về chuỗi cung ứng và nhu cầu sụt giảm mạnh.

Dù đại dịch đang khiến phần lớn các tổ chức bị gián đoạn hoạt động, các chuyên gia cho rằng đây có thể xem như một “hồi chuông” giúp các lãnh đạo doanh nghiệp “cảnh tỉnh”.

Tiến sĩ Burkhard Schrage - Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Cú sốc ngoại vi này có thể là dịp lý tưởng để doanh nghiệp rà soát lại các quy trình làm việc hiện tại, như khâu tuyển dụng và quản lý nhân lực, chuỗi cung ứng và phân phối, phát triển sản phẩm, và chiến lược và hoạt động tài chính”.

Việc đổi mới các quy trình này cũng là đòi hỏi mang tính thiết yếu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số và thường được coi là yếu tố then chốt để doanh nghiệp thành công trên thị trường toàn cầu. Việc triển khai các quy trình mới một cách cẩn thận còn có thể giúp doanh nghiệp tăng cường tính cạnh tranh về lâu dài.

Tiến sĩ Schrage nhận định: “Bây giờ là lúc để doanh nghiệp của bạn chuẩn bị hành trang cho tương lai. Và có thể đại dịch này là ‘điều may trong cái rủi’ giúp doanh nghiệp cạnh tranh một cách bền vững hơn tại Việt Nam cũng như trên trường quốc tế”.

Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là ‘điều may trong cái rủi’ với các doanh nghiệp trong nước.

Một nghiên cứu từ công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company đã chỉ ra lý do tại sao một số doanh nghiệp vượt qua và phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh. Tiến sĩ Schrage nhấn mạnh vào một số khuyến nghị quan trọng từ nghiên cứu này:

Thứ nhất, giải quyết vấn đề (“Resolve”): Giải quyết những thách thức trước mắt với doanh nghiệp, như bảo vệ nhân viên và chuyển đổi sang hình thức làm việc tại nhà, phi tập trung.

Thứ hai, phục hồi (“Resilience”): Giải quyết những thách thức trước mắt về lượng tiền mặt và chuỗi cung ứng, cũng như xác định các mối nguy chính đối với doanh nghiệp và lập kế hoạch cho các kịch bản khác nhau.

Thứ ba, trở lại (“Return”): Phác thảo một kế hoạch chi tiết cho các hoạt động hậu khủng hoảng. Dù không thể biết cuộc khủng hoảng kéo dài bao lâu, bạn vẫn nên sẵn sàng khi tình trạng này kết thúc.

Thứ tư, tái hình dung (“Reimagination”): Thế giới sẽ khác sau khủng hoảng. McKinsey & Company gọi đây là “tình trạng bình thường mới”. Người tiêu dùng sẽ quan tâm tới các tính năng khác trong sản phẩm mà bạn cung cấp, đối thủ sẽ cạnh tranh khác đi, chuỗi cung ứng sẽ được cấu hình không giống như trước đây. Điểm cốt lõi là cần điều chỉnh doanh nghiệp nhanh chóng để phù hợp với thế giới mới sau khủng hoảng này.

Theo Tiến sĩ Schrage, “trong những thời điểm thách thức, các doanh nghiệp có khả năng lãnh đạo kỷ luật và đồng cảm cao với nhân viên, cũng như có kỹ năng thực thi nhanh chóng sẽ vươn lên dẫn đầu một khi vầng dương lại hé rạng”.

Chúng ta vẫn chưa biết ‘tình trạng bình thường mới’ sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nó sẽ thiên về công nghệ kỹ thuật số, tính linh hoạt và khả năng phục hồi cao, cùng một lực lượng lao động linh hoạt hơn”. - Tiến sĩ Schrage nói.

“Lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải vạch ra tầm nhìn cho thế giới hậu đại dịch và các chiến lược để đạt được tầm nhìn đó. Doanh nghiệp sẽ thành công bền vững nếu biết thực thi tốt các chiến lược đó dựa trên những luật chơi mới”, Tiến sĩ Schrage kết lời.

Theo Enternews


  • TAGS: