Hàng loạt sai phạm ở bãi rác Đa Phước sẽ được xử lý tận gốc?

Liên quan việc bãi rác Đa Phước bị tố cáo hàng loạt sai phạm, ngày 3/7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với báo cáo của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra xác minh đơn tố cáo của công dân.

 

Lộ hàng loạt sai phạm

Không ai nghĩ, người dân nghèo sống trong những căn nhà lụp xụp ở khu vùng ven Bình Chánh, Nhà Bè và cả đại gia ở biệt thự trăm tỉ tại Phú Mỹ Hưng (quận 7) lại cùng chung một nỗi khổ mang tên “rác”! 3 năm qua, họ phải sống chung với mùi hôi thối bắt nguồn từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước). Hiện tại, tương lai của họ vẫn mịt mờ và không biết kêu đâu cho thấu.

Bãi rác Đa Phước, nơi xảy ra nhiều sai phạm.
Bãi rác Đa Phước, nơi xảy ra nhiều sai phạm.

Vì không thể chịu đựng sự “bức tử” bầu không khí của bãi rác Đa Phước, người dân khu Nam TP HCM đã làm đơn cầu cứu và tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương.

Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân khi hàng ngày phải hít thở mùi hôi thối, ngày 14/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết phản ánh, tố cáo của công dân đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Theo đó, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP HCM kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, tố cáo của ông Đoàn Văn Đức liên quan đến việc đầu tư, xây dựng và xử lý rác tại bãi rác Đa Phước.

Sau khi tiến hành thanh tra, ngày 27/02/2017, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả số 246/BC- TTCP về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo kết quả trên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, “bất thường” trong thỏa thuận, hợp đồng giữa UBND TP HCM và VWS, cụ thể: “Trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng với nhà đầu tư, UBND TP HCM vẫn còn một số thiếu sót trong việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính; chi phí xử lý rác cao so với dự án tương tự đã cấp phép; ứng trước 9 triệu USD cho nhà đầu tư; đô la hóa tiền tệ thanh toán; chậm triển khai phân loại rác tại nguồn; còn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường; chậm trồng cây xanh như đã cam kết; trong Hợp đồng đã ký kết có một số điểm bất lợi cho phía Thành phố trong khi việc giải quyết tranh chấp nếu có xảy ra phải được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) để giải quyết ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, thành phố chậm điều chỉnh, khắc phục”. 

Báo cáo kết quả số 246/BC- TTCP của Thanh tra Chính phủ  cũng nêu rõ: “Qua 8 nội dung tố cáo của công dân nêu tại đơn tố cáo ngày 29 tháng 4 năm 2016 và kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy: Có 2 nội dung tố cáo là đúng, 4 nội dung tố cáo đúng một phần và 1 nội dung tố cáo là sai, 1 nội dung đang chờ kết luận”.

Ngày 31/5/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc phản ảnh, tố cáo của công dân liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng và vận hành bãi rác Đa Phước.

Theo văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét nội dung phản ảnh, tố cáo của ông Đoàn Văn Đức để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo đoàn thanh tra kết luận về việc đầu tư, xây dựng và xử lý rác tại bãi rác Đa Phước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Sau khi thanh, kiểm tra bãi rác Đa Phước, ngày 9/6/2017, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và  Môi trường) Nguyễn Văn Tài đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng đối với VWS về 5 vi phạm.

Theo đó Bãi rác Đa Phước đã vi phạm các lỗi: “Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp. Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.

Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đến dưới 1.200 m3/ngày. Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thời lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đến dưới 2.500 m3/ngày”. 

Lòng dân chưa phục

Dù đã chỉ ra những sai phạm và xử phạt hành chính VWS, chỉ ra sự “bất thường” trong việc ký hợp đồng giữa VWS và UBND TP HCM nhưng theo dư luận, việc xử phạt như vậy chỉ là hình thức, không giải quyết được căn nguyên của vấn đề gây ô nhiễm tồn tại nhiều năm qua.

Bao giờ bãi rác Đa Phước mới hết gây ra mùi hôi thối?
Bao giờ bãi rác Đa Phước mới hết gây ra mùi hôi thối?

Theo ý kiến của một số chuyên gia và dư luận, cần phải tạm ngưng việc thu gom rác tại bãi rác Đa Phước để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc chấp thuận đầu tư, giám sát quá trình xây dựng, vận hành của bãi rác Đa Phước.

Và tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân liên quan đến bãi rác Đa Phước.

Báo cáo nêu rõ, dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế. Trong thời gian vận hành bãi rác Đa Phước, từ năm 2007 đến nay, VWS có nhiều biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong từng thời điểm đã để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. 

Bên cạnh đó, sau khi kiểm tra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng và vận hành bãi rác này.

Giờ đây, ngoài việc mong mỏi thoát khỏi cảnh mùi hôi thối do bãi rác Đa Phước gây ra, người dân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quá trình đàm phám, thỏa thuận ký hợp đồng giữa UBND TP HCM và VWS.                                          

Theo Pháp luật Plus


  • TAGS: