Thao túng thị trường chứng khoán cựu Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận bị khởi tố

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, tạm giữ hình sự bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu: KSA) vì tội danh “thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo đó, ngày 21/3/2019, bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận và cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán VSM đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; Đồng thời, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bà Phạm Thị Hinh về tội thao túng thị trường.

Đến ngày 26/8, cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, đã kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận; Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố truy tố 4 bị can về tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, các bị can đã sử dụng 69 tài khoản giao dịch chứng khoán của người khác để liên tục mua, bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường với mã cổ phiếu KSA, gây thiệt hại cho nhà đầu tư số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Cụ thể, theo tài liệu điều tra, vào tháng 7/2015, thị giá cổ phiếu KSA thấp, Hinh có nhu cầu tăng tính thanh khoản để bán lấy tiền đầu tư kinh doanh.

Thao túng thị trường chứng khoán cựu Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận bị khởi tố, tạm giữ hình sự

Khoảng tháng 10/2015, tại phòng làm việc của mình, Hinh nhờ Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, nguyên Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán Maritime – MSI, Giám đốc CTCP Đầu tư FRF) giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng thanh khoản, giá và giữ thị trường cho mã KSA. Tuấn đã nhận lời giúp mở tài khoản tại MSI và thực hiện giao dịch chéo.

Hinh chỉ đạo Trần Hồng Ngọc lựa chọn các nhân viên của Công ty VSM, CTCP Vật liệu xây dựng Hưng Long, CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Gia Lai và những người quen để nhờ đứng tên mở tài khoản.

Toàn bộ tài khoản trên sau đó bàn giao lại cho Ngọc quản lý. Ngọc lập danh sách, mã pin, đổi mật khẩu các tài khoản và quản lý. Theo chỉ đạo của Hinh, từ ngày 11/12/2015 đến 8/7/2016, Ngọc đã bàn giao cho Tuấn 34 tài khoản (tương ứng 23,9 triệu cổ phiếu KSA) để Tuấn giao dịch.

Hinh giao cho Phùng Thị Kim Anh – nhân viên kế toán Công ty VSM thống kê hoạt động giao dịch, số tiền và chi phí; Nguyễn Thị Thu Thủy – nhân viên kiểm soát Công ty VSM kiểm soát giao dịch theo dõi, quản lý giao dịch các tài khoản do Tuấn quản lý.

Từ ngày 11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, có 69 tài khoản có liên quan đến vụ án. Các tài khoản trên chủ yếu được đăng ký để giao dịch ký quỹ (vay margin). Tỷ lệ cấp margin từ 35 – 50%.

Hinh và Ngọc quản lý 31 tài khoản. Hàng ngày, Hinh sẽ chỉ đạo Ngọc rút tiền. Số tiền lại được chuyển vào tài khoản của Hinh hoặc nộp lại vào các tài khoản để tiếp tục giao dịch.

Với nhóm tài khoản do Tuấn quản lý, Tuấn và Nguyễn Trọng Hùng (SN 1979) tự cân đối việc chuyển tiền giữa các tài khoản để duy trì giao dịch.

Đến cuối tháng 6/2016, đầu tháng 7/2016, các công ty chứng khoán ngừng cho vay ký quỹ và thực hiện việc bán giải chấp để thu hồi nợ. Giá cổ phiếu KSA liên tục giảm sàn từ 4.800 đồng về 2.600 đồng/cổ phiếu (giảm 45,8%).

Cơ quan điều tra đã xác minh, trong số 69 tài khoản có 18 tài khoản chỉ thực hiện giao dịch khớp lệnh, không có giao dịch thỏa thuận. Có 52 tài khoản thực hiện thỏa thuận, trong đó 19 tài khoản chỉ thực hiện giao dịch thỏa thuận, không thực hiện khớp lệnh.

Theo tài liệu điều tra, từ ngày 11/12/2015 đến 8/7/2016, có 1.496 nhà đầu tư bị thiệt hại số tiền 8,1 tỷ đồng.

Trong thời gian này, các tài khoản trên đã giao dịch 34 phiên, đặt 145 lệnh giao dịch. Trong đó, có 74 lệnh bán thỏa thuận với tổng khối lượng hơn 96 triệu cổ phiếu, trị giá 535 tỷ đồng và 71 lệnh mua thỏa thuận với tổng khối lượng hơn 91 triệu cổ phiếu, trị giá 504 tỷ đồng.

Bộ Tài chính giám định đã kết luận: “Nhóm 69 tài khoản đã liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 70, Nghị định 58/2012/NĐ-CP và khoản 4, điều 9 Luật chứng khoán. Tổng thiệt hại của các nhà đầu tư đã làm việc với cơ quan công an là 3,1 tỷ đồng”.

Năm 2019, cơ quan điều tra đã ủy thác cho 107 đơn vị là cơ quan cảnh sát điều tra công an 54 tỉnh, thành phố, xác minh 1.155 người bị hại. Có 124 bị hại yêu cầu bồi thường hơn 3 tỷ đồng.

Có 912 bị hại chưa làm việc được, sẽ được giành quyền khởi kiện khi yêu cầu đề nghị, bồi thường.

Ngoài các nhà đầu tư, cơ quan điều tra làm việc với 18 công ty chứng khoán để xác định thiệt hại. Có 3 công ty tính toán thiệt hại khi cho vay margin gồm CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) bị thiệt hại 411 triệu đồng, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) bị thiệt hại 191,5 triệu đồng, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam bị thiệt hại 240 triệu đồng khi cho vay margin.

HOÀNG LÂM/Theo Sức Khoẻ Cộng Đồng


  • TAGS: