Cốc Nguyệt San là sản phẩm mới nhưng đang được phái nữ rất ưa dùng. Tuy nhiên, là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe nên việc cung cấp, lưu hành sản phẩm này cũng cần phải đáp ứng những quy định bắt buộc của pháp luật.
Vừa qua, tòa soạn nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Minh Thảo nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Một số sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài như: cốc nguyệt san Mtcup, dung dịch vệ sinh phụ nữ Mtsecret Foam Wash… chưa có đầy đủ giấy phép nhập khẩu sản phẩm.
Để xác minh thông tin ngày 17/07/2019, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Minh Thảo – TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Minh Thảo về thông tin xoay quanh vấn đề nhập các sản phẩm mà công ty đang lưu hành. Trong đó sản phẩm cốc nguyệt san MTcup là sản phẩm bán chạy nhất.
|
Hiện nay cốc nguyệt san trở thành dụng cụ hỗ trợ thân thiết với nhiều bạn gái trong những ngày chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh những tiện ích mà cốc nguyệt san mang lại thì người tiêu dùng phải đối mặt với nỗi lo về hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chứa nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe. Do đó, việc xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm này là vô cùng cần thiết.
Trong cuộc trao đổi với PV, bà Thảo đã cung cấp thông tin về nguồn gốc của sản phẩm cốc nguyệt san MTcup: “Công ty nhập khẩu sản phẩm từ Canada, đi qua máy bay và có thông qua cửa khẩu hải quan rõ ràng”.
Tuy nhiên, được biết sản phẩm cốc nguyệt san thuộc trang thiết bị y tế và muốn nhập khẩu sản phẩm cần có thủ tục nhập khẩu, PV đã đặt ra nghi vấn về các loại giấy tờ liên quan, bà Thảo cho biết: “Sản phẩm cốc nguyệt san không xếp vào danh mục y tế mà xếp vào hàng tiêu dùng và có giấy chứng chỉ bên phía Canada về hàng thiết bị y tế. Chỉ cần tờ khai hải quan vì đây hàng nhập khẩu chính ngạch. Và bên phía công ty có đội ngũ luật sư tư vấn về đầy đủ giấy tờ pháp lý”.
Nhận thấy sự việc còn có nhiều điểm chưa rõ ràng, PV đã chuyển nội dung nghi vấn đến Tổng cục Hải Quan, với nội dung trao đổi cụ thể là: “Cốc nguyệt san có thuộc trang thiết bị y tế hay không? Điều kiện để nhập khẩu sản phẩm này”.
Giải đáp thắc mắc của PV báo ĐS&PL, Tổng cục hải quan đã gửi Công văn số 5212/TCHQ – VP với nội dung như sau: "Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 25/5/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế thì mặt hàng cốc nguyệt san là TTBYT (tại số thứ tự số 24: “các sản phẩm khác bằng plastic (ví dụ: cuvet, đầu côn, khay ngâm dụng cụ tiệt khuẩn; bộ chuyển tiếp, ống nối; miếng nẹp sau phẫu thuật; mặt nạ cố định; kẹp ống thông, dây dẫn; miếng dán giữ ống thông; túi đựng nước tiểu; túi đựng dịch xả trong lọc màng bụng; ống nghiệm chứa chất chống đông; túi ép tiệt trùng, bao bì đựng dụng cụ không chứa giấy; bao chụp đầu đèn; bao camera nội soi; túi đựng bệnh phẩm nội soi...) có mã HS: 3926.90.39”), …"
|
Công văn số 5212/ TCHQ – VP của Tổng cục Hải quan |
Như vậỵ hoàn toàn có thể khẳng định sản phẩm cốc nguyệt san là trang thiết bị y tế. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời khẳng định “Sản phẩm cốc nguyệt san không xếp vào danh mục y tế mà xếp vào hàng tiêu dùng…” của bà Minh Thảo, TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Minh Thảo.
Do đó, khi nhập khẩu sản phẩm này vào Việt Nam sẽ cần đảm bảo những thủ tục giấy tờ theo quy định pháp luật. Trong đó, điều kiện nhập khẩu cốc nguyệt san cần có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, bản phân loại thiết bị y tế và các chứng từ kèm theo được quy định trong công văn số 3593/BYT-TB-CT của Bộ Y tế.
Trang review quảng cáo các sản phẩm cốc nguyệt san |
Điều này đã đặt ra nghi vấn về sự am hiểu sản phẩm của lãnh đạo công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Minh Thảo. Nhập khẩu và lưu hành một sản phẩm y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, nhưng chính công ty chịu trách nhiệm nhập khẩu lại không có khái niệm chính xác về sản phẩm. Liệu rằng, người sử dụng có thể liều mình, đặt niềm tin vào một sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc, và chất lượng cũng không được ai đảm bảo như vậy không? Thiết nghĩ, trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để thanh, kiểm tra, xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.
Theo quy định tại Điểm 1, Điều 2 của Thông tư số 30/2015/TT - BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế thì dụng cụ "Kiểm soát sự thụ thai" là Trang thiết bị y tế doanh nghiệp muốn nhập khẩu cần phải có giấy phép của Bộ Y tế cấp quy định chi tiết tại Công văn 3593/BYT - TB - CT ngày 23/6/2017 về phối hợp thực hiện Nghị định số 36/2016/NĐ - CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc!
Khánh Linh/giadinhvaphapluat.vn