Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Rầm rộ tư vấn, quảng cáo và nhận thực hiện dịch vụ làm đẹp bằng máu tự thân (PRP)... nhiều dấu hiệu sai phạm đang tồn tại trong hoạt động kinh doanh tại Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh. Người tiêu dùng cần cảnh giác, kẻo "tiền mất, tật mang" khi nghe theo những lời quảng cáo này!

Làm đẹp bằng máu tự thân

Theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế và Đô thị, Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh đang “lén lút” cung cấp dịch vụ làm đẹp bằng máu tự thân (hay còn gọi là dịch vụ PRP), bất chấp Bộ Y tế chưa cấp phép thực hiện kỹ thuật này trong thẩm mỹ, làm đẹp tại Việt Nam.

Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Trụ sở phòng khám Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh ở địa chỉ 159/14A, Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy

Mới đây, trong vai khách hàng, PV đã đến trực tiếp trụ sở Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh ở địa chỉ 159/14A, Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, để được bác sĩ Đan Thanh thăm khám da.

Theo đó, sau khoảng 2 phút kiểm tra da cho PV, bác sĩ Đan Thanh cho rằng, da của PV làm PRP được, nhưng để đạt hiệu quả cao nhất thì trước hết phải thực hiện Peel da, sau đó kết hợp bắn laser và làm PRP, xuyên suốt quá trình bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống kèm.

Peel da là phương pháp sử dụng các hợp chất hóa học tự nhiên tác động lên bề mặt giúp loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn, vi khuẩn nằm sâu trong lỗ chân lông, thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo da mới.

“Em tiêm PRP phải kết hợp với điều trị da thì mới đạt được kết quả mong muốn” – bác sĩ Đan Thanh nhấn mạnh.

Sau phần thăm khám của bác sĩ Đan Thanh, nhân viên tên Tiên là người phụ trách tư vấn và báo giá dịch vụ cho PV. Theo đó, Tiên cho biết, hiện Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh có 2 phương pháp tiêm chính là tiêm HA và tiêm PRP.

Trong đó, tiêm HA (Hyaluronic Acid) là liệu trình tiêm bằng phương pháp sử dụng ống tiêm để tiêm một loại chất làm đầy da tạm thời vào làn da để cải thiện da. Quy trình tiêm HA có thể giúp tăng độ đàn hồi và duy trì độ ẩm cho làn da một cách có hiệu quả. Với rất nhiều ưu điểm, phương pháp tiêm này có giá thành khá cao, từ 27 đến 30 triệu đồng/1 lần tiêm.

Cũng là phương pháp tiêm, nhưng dịch vụ PRP sẽ gây cảm giác khó chịu hơn như khi tiêm HA: “Bởi vì tiêm HA là tiêm dưỡng chất từ bên ngoài và da, còn tiêm PRP là dùng huyết tương tiểu cầu từ máu của chính mình để tiêm vào da nên sẽ có cảm giác khó chịu hơn tiêm HA” – Tiên giải thích.

Để khách hàng hiểu hơn về phương pháp PRP, Tiên nhấn mạnh, kỹ thuật PRP không phải là dùng máu bôi trực tiếp lên mặt, mà chính xác là lấy máu để tách hồng cầu, và sau khi tách chiết sẽ sử dụng phần huyết tương giàu tiểu cầu có màu vàng nhạt tiêm ngược lại vào da mặt.

“Phương pháp này giúp làn da "cải lão hoàn đồng", hứa hẹn chỉ sau vài liệu trình mặt sẽ không còn nếp nhăn, se khít lỗ chân lông, làn da trắng sáng hồng hào, thông thường chỉ cần sau tiêm 3-5 ngày là đã thấy ngay sự thay đổi trên bề mặt da. PRP bên chị hiện có giá khoảng 20 triệu đồng/lần tiêm ” – Tiên báo giá.

Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Người phụ nữ được giới thiệu là bác sĩ Đan Thanh trực tiếp thăm khám da cho PV. Ảnh cắt từ clip

Gói chăm sóc da trị giá 100 triệu đồng

Khi thấy PV tỏ ra lo lắng việc rút quá nhiều máu trong cơ thể để làm PRP, sẽ khiến cơ thể bị thiếu máu. Tiên vội vàng trấn an: “Nếu cơ thể của em được kết luận thiếu máu, thì em phải hiểu là thiếu lượng sắt trong máu, còn lượng máu trong người thì không thiếu, lấy ra bao nhiêu cơ thể sẽ sản sinh lại bấy nhiêu. Trung bình một lần làm PRP không cần quá nhiều máu, chỉ cần một lượng vừa phải, người bị huyết áp thấp, và thiếu máu vẫn làm được. Sau khi lấy máu sẽ tiến hành bốc tách tế bào, (pha trộn thêm một số chất có lợi cho da), cuối cùng là cấy ngược lại vào da” – Tiên nói thêm.

Trong suốt quá trình tư vấn, Tiên nhiều lần nhắc đến sản phẩm thuốc trắng mà Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh đang dùng để kê cho khách hàng của mình.

“Em cứ yên tâm, khi làm PRP thì không cần phải kiêng cữ gì hết, vì nó là phương pháp đưa dưỡng chất xuống da, chứ không hề tạo ra vết thương hở như phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng nếu em muốn trắng nhiều, thì chị sẽ kê nhiều thuốc trắng, còn uống ở mức cho phép thì chỉ sáng da thôi, mức cho phép là ngày 2 viên, nhưng em muốn trắng hơn thì em tăng liều lên. Viên này nó tốt cho tất cả mọi người, kể cả đang cho con bú, vì nó bảo vệ da cho mình. Lọc gan, thải độc gan, bảo vệ da, sáng da…nên đừng sợ. Đàn ông mà nhậu nhiều, họ sẽ uống viên này để thải độc trong gan ra ngoài” – Tiên thuyết phục PV mua thuốc.

Thấy PV còn chần chừ, Tiên nói tiếp: “Mặt của em hiện có nhiều vấn đề về đốm, nám, nên em phải mua thuốc uống kèm. Em phải kết hợp thuốc với tiêm thì bề mặt da mới có độ săn, sáng nhất định. Việc uống và thoa thuốc thêm giúp trẻ hoá da, tức là liệu trình thuốc sẽ theo sau liệu trình PRP, hỗ trợ da không bị lão hoá”.

Mặc dù khẳng định rất nhiều về hiệu quả của thuốc, tuy nhiên khi PV yêu cầu gửi cho xem trước hình ảnh của sản phẩm thì bị từ chối với lý do, sản phẩm của Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh không được tùy ý dùng, bắt buộc phải có người của phóng khám hướng dẫn sử dụng.

“Bên chị không bán riêng lẻ từng sản phẩm, em phải mua trọn bộ, có thể cho em xem trước nhưng chỉ cho xem trực tiếp. Cái này là thuốc không phải là mỹ phẩm, uống như thế nào, bôi như thế nào đều phải có nhân viên tư vấn. Bộ sản phẩm bên chị có giá gần 60 triệu đồng, kết hợp làm PRP nữa là khoảng 100 triệu” – Tiên nói và hẹn PV sang một cơ sở khác của Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh ở địa chỉ số 2C đường số 2, KDC CityLand Park Hills, phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh để xem trực tiếp bộ sản phẩm “thần thánh” của phòng khám này.

Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Nhân viên của Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh đang tư vấn dịch vụ PRP cho PV. Ảnh cắt từ clip

PRP là dịch vụ “cấm”

Theo tìm hiểu, kỹ thuật PRP mà Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh đang cung cấp cho khách hàng, hiện nay trên thế giới chưa quốc gia nào sử dụng phương pháp này để làm đẹp da, hay làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể, chỉ có M.Ferrari sử dụng phương pháp này lần đầu tiên năm 1987 trong phẫu thuật tim mạch và bắt đầu ứng dụng trong điều trị xương khớp vào những năm 1990.

PRP được nghiên cứu và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chỉnh hình, chấn thương trong thể thao, nha khoa, tai mũi họng, phẫu thuật thần kinh, nhãn khoa, khoa bỏng, thẩm mỹ và mỹ phẩm.

Tại Việt Nam, phương pháp này được sử dụng rộng rãi vào khoảng năm 2.000, ứng dụng vào chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chủ yếu chữa trị các bệnh lý thoái hóa và tổn thương khớp. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa cho phép sử dụng công nghệ làm đẹp bằng tế bào gốc. Chỉ một số bệnh có thể cho làm tế bào gốc. Đó là những bệnh về các cơ quan không có tế bào biệt hóa như tim, khớp có thể dùng tách chiết tế bào gốc, bơm vào phục hồi cơ quan đó. Các nghiên cứu chỉ ra, tế bào gốc chứng minh vai trò tăng sinh sản lớp tế bào hoàn chỉnh, lập khuyết trên cơ thể, tuy nhiên đến thời điểm này chưa được thực hiện công khai vì chưa kiểm soát được (chưa có kết quả) khi tiêm tế bào gốc vào cơ thể, sẽ phát triển theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực.

Theo đó, PRP là từ viết tắt của cụm từ “Platelet-rich plasma” nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu. Hay đơn giản hơn, có thể hiểu, tế bào gốc là tế bào còn non, biệt hoá thành những tế bào khác nhau để có những chức năng khác nhau. Tế bào gốc được sử dụng nhiều trong y khoa nhưng chủ yếu là để điều trị bệnh lý chứ chưa được phép dùng để làm đẹp, trẻ hoá da. Về công dụng làm đẹp của tế bào gốc, hiện nay trên thế giới hay ở Việt Nam đều chưa có chứng cứ rõ ràng và chưa được phép sử dụng.

"Y học hiện nay vẫn đang có những nghiên cứu chuyên sâu để tách chiết tế bào gốc theo ý muốn của con người, nhưng ưu tiên trước hết là dùng trong việc chữa bệnh cứu người, sau đó mới đến làm đẹp. Chính vì vậy, trước khi công nghệ tế bào gốc làm đẹp được cấp phép chính thức, người dân không nên tin theo đồn đoán để sử dụng một phương pháp làm đẹp mơ hồ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe" – một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.

Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh cung cấp dịch vụ “cấm”!

Trang fanpage "Phòng khám bác sĩ Đan Thanh" quảng cáo dịch vụ PRP công khai trong nhiều năm. Ảnh: Tiểu Thúy

Chưa kể, kỹ thuật tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Theo đó, người thực hiện phải đánh giá chất lượng tế bào máu, làm công thức máu. Sau sàng lọc thêm các bệnh lý truyền nhiễm, bác sĩ lấy từ 20 - 30ml máu của bệnh nhân bằng kim lớn rồi đưa vào máy ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 8 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000 - 400.000 tiểu cầu/ml).

Kỹ thuật viên sẽ tách tiểu cầu khỏi bạch cầu, hồng cầu và kết hợp với tế bào huyết tương từ phần máu này. Sau đó, số lượng tiểu cầu được đánh giá lần thứ hai để xác định có đủ khoảng trên 1 triệu đơn vị hay không? Nếu huyết tương không đủ "giàu tiểu cầu" thì mất ý nghĩa khi sử dụng.

Dù đánh giá liệu pháp PRP ít xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo tiềm ẩn những nguy cơ khác bởi đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn vào trong cấu trúc da. Nếu không thực hiện theo quy trình đảm bảo vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B…

Bên cạnh đó, hồng cầu và các thành phần hữu hình khác trong máu có "ái tính" cao với vi khuẩn, nên nếu để phần huyết tương lẫn hồng cầu sẽ rất dễ gây ra phản ứng, viêm nhiễm cho khách hàng.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, việc Phòng khám da liễu bác sĩ Đan Thanh quảng cáo, tư vấn và nhận thực hiện dịch vụ PRP là đang cố tình làm ngược lại các quy định của Bộ Y tế, bất chấp trục lợi bằng cách cung cấp dịch vụ “cấm”, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng…

Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Tieudung.kinhtedothi.vn


  • TAGS: