Viết tiếp bài: “Đầu tư căn hộ tại Phú Quốc: Nhà đầu tư thành chủ nợ bất đắc dĩ?” Hợp đồng có khả năng vô hiệu, khách mua dự án Sun Premier Village – Primavera có nguy cơ mất trắng?

Báo Người cao tuổi đã phản ánh về việc, ngày 18/4/2008, chị Thanh Hương, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có đặt cọc giữ chỗ giai đoạn 1 khu căn Shophouse Địa Trung Hải (Khu Sun Premier Village – Primavera thuộc Dự án Cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển đảo Hòn Thơm – Phú Quốc) do Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc (Công ty Mặt trời) làm chủ đầu tư.

Đến ngày 21/5/2018, chị Hương tiếp tục kí Hợp đồng vay vốn số POS15/PVP/MTW với bên vay là Công ty Mặt trời và bên cho vay là chị Hương. Điều đó có thể xác định chị Hương là chủ nợ.

Đơn khiếu nại chị Hương gửi các cơ quan báo chí, truyền thông và Hợp đồng vay vốn của chị Hương với Công ty Mặt trời

Theo chị Hương, đi kèm với bản hợp đồng vay vốn trên là bản đăng kí nguyện vọng của chị Hương với Công ty Mặt trời về việc đăng kí nguyện vọng được tham gia mua một căn Shophouse tại dự án trên, với giá tối đa đã bao gồm VAT là 19.296.840.715 đồng. Ngay sau đó, chị Hương thanh toán cho Công ty Mặt trời với số tiền là 1.929.684.071 đồng.

Phối cảnh dự án Sun Premier Village – Primavera Phú Quốc

Tuy nhiên, nhận thấy nhiều điểm thiếu minh bạch về pháp lí cũng như cách kinh doanh của chủ đầu tư, chị Hương đã liên hệ tới Công ty Mặt Trời để được yêu cầu trả lời làm rõ những “thắc mắc” nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó, chị yêu cầu được rút lại số tiền đã cho Công ty Mặt Trời vay theo hợp đồng vay vốn trên. Thế nhưng từ tháng 7/2018 đến nay, mặc dù đã rất nhiều lần liên hệ nhưng đại diện Công ty Mặt trời cứ “hát” mãi “bài ca hứa hẹn” mà không giải quyết, còn chị Hương thì chỉ còn biết trông ngóng mòn mỏi.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong vụ việc trên, quan hệ giữa người dân và chủ đầu tư dự án có 2 giao dịch, thứ nhất là hợp đồng vay, thứ hai là việc “đăng kí nguyện vọng” mua một phần tài sản trong dự án du lịch từ chủ đầu tư. Về nguyên tắc được xem là các giao dịch độc lập với nhau, không phụ thuộc và ràng buộc về điều kiện thực hiện giữa 2 giao dịch này. Việc thông tin người dân phản ánh là Chủ đầu tư bán một phần tài sản trong dự án du lịch từ chủ đầu tư cho người dân nhưng tiến hành thu tiền thông qua lập hợp đồng giả cách “hợp đồng vay vốn” để thu tiền của người dân, nếu có điều đó thì “hợp đồng vay vốn” là vô hiệu bởi đây là là giao dịch giả cách, bản chất không phải thật”. Hơn nữa, việc kí hợp đồng mua bán tại dự án Sun Premier Village – Primavera tại Phú Quốc bằng hợp đồng vay vốn là chưa đúng quy định bởi dự án không được bán và bản chất chỉ là hợp đồng giả cách không được pháp luật công nhận”.

Theo các Quyết định số 2956/QĐ- UBND ngày 2/1/2/2015 và 1252/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 về việc cho thuê đất của UBND tỉnh Kiên Giang đối với dự án Sun Premier Village – Primavera thì đây là trường hợp cho thuê đất trả tiền hằng năm, dự án là thuộc ngành nghề du lịch mà không phải là dự án nhà ở.

Theo điểm c, Khoản 1, Điều 175 Luật Đất đai năm 2013, với dự án được thuê đất trả tiền hằng năm thì chủ đầu tư được bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật Đất đai năm 2013.

Theo Khoản 2, Điều 189 thì người mua sản phẩm (tài sản) trong dự án phải có điều kiện: (1) Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư; (2) Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư và Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án.

Có thể thấy, việc cá nhân mua sản phẩm (tài sản) trong dự án như trường hợp chủ đầu tư cho khách đăng kí nguyện vọng bán cho người dân như vậy là chưa đúng với quy định tại Điều 189 của Luật Đất đai năm 2013

Theo Thành Nguyễn/Ngày Mới Online


  • TAGS: