Ông chủ mì 3 Miền chấp nhận kinh doanh không lãi để chiếm thị phần

Uniben đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng chi phí bán hàng trong hai năm qua thúc đẩy doanh thu nhưng lợi nhuận thu về khiêm tốn chỉ vài tỷ đồng mỗi năm.

Những năm gần đây, Công ty cổ phần Uniben vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền lớn tại Việt Nam với thương hiệu mì 3 Miềnmì Reeva.

Một báo cáo năm 2016 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố, Uniben đã bất ngờ vượt qua thị phần của Masan Consumer ở khu vực nông thôn, nơi tiêu thụ khoảng 80% lượng mì gói cả nước.

Thống kê tại thời điểm đó, mì 3 Miền là thương hiệu có điểm số tiếp cận người tiêu dùng cao thứ 2 trên thị trường nông thôn, vượt qua hàng loạt cái tên sừng sỏ như Gấu Đỏ của Asiafoods, Hảo Hảo của Acecook, Kokomi của Masan. Quá trình vươn lên mạnh mẽ của mì 3 Miền giúp thị phần khu vực nông thôn của Uniben đạt 27,4%

Uniben ghi nhận những tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường mì ăn liền trong nước gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), năm 2016, Việt Nam tiêu thụ 4,92 tỷ gói mì, đứng thứ 5 thế giới, sụt giảm đáng kể từ sau khi đạt đỉnh 5,2 tỷ gói mì vào năm 2013.

 

Tiêu thụ mì ăn liền ở Việt Nam năm 2017 đạt hơn 15 tỷ gói. Nguồn WINA

Đặc thù sản phẩm mì ăn liền thường bị đánh giá không tốt cho sức khỏe khiến sức tiêu thụ tại các thành phố lớn giảm dần và chuyển về khu vực nông thôn. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các loại mì ngoại, mì gốc gạo nhập khẩu cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước.

Masan Consumer, doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền thị phần thứ 2 toàn quốc với thương hiệu mì Omachi, Kokomi ghi nhận doanh thu chỉ 3.700 tỷ đồng trong năm 2016, sụt giảm 11% so với năm trước đó.

Vẫn tìm được chỗ đứng trong bối cảnh khó khăn, Uniben cho thấy chiến lược phát triển bài bản. Thành công này một phần không nhỏ đến từ đội ngũ lãnh đạo người Việt từng kinh doanh trong lĩnh vực mỳ ăn liền tại Nga.

Đặc biệt, Uniben là một khách hàng thường xuyên của Ngân hàng Quốc tế (VIB), nơi ông Đặng Khắc Vỹ làm chủ tịch. Ông là một doanh nhân kinh doanh tại Nga nhiều năm, tên tuổi ông Vỹ gắn với tập đoàn Mareven Food, nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu tại Đông Âu.

Mặc dù vậy, cái giá để Uniben đổi lấy thị phần cũng không nhỏ. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của đơn vị này cho biết, doanh thu thuần của Uniben đạt 2.450 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong khi doanh thu tăng trưởng ấn tượng thì lợi nhuận của Uniben cực kỳ khiêm tốn. Cả năm 2016, Uniben chỉ lãi sau thuế gần 4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Mức lợi nhuận này, nếu so với Miliket – thương hiệu mì mệnh danh “hết thời” thì vẫn còn kém xa. Năm 2016, Miliket có doanh thu 461 tỷ đồng, chỉ bằng 1/6 so với Uniben, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, gấp 5 lần dù hai công ty có phân khúc sản phẩm khá gần nhau.

Để có thị phần tại nông thôn, các nhà sản xuất mì ăn liền đều phải tập trung vào 2 hoạt động chính, đó là tập trung làm marketing, quảng cáo sản phẩm và tăng chiết khấu cho các nhà phân phối.

Theo một lãnh đạo của Uniben từng chia sẻ, hiện quảng cáo hiếm hơn 60% tổng chi phí marketing và bán hàng của đơn vị này. Chi phí này bắt buộc phải tăng theo thời gian nếu muốn chiếm được thị phần.

Hệ quả, chi phí bán hàng của doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Năm 2016, chi phí bán hàng của Uniben tăng 80% lên 584 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cao hơn cả lãi gộp từ hoạt động bán hàng của công ty, do đó lợi nhuận thực tế mà Uniben ghi nhận đến từ hoạt động tài chính. Năm 2016 doanh thu của công ty từ hoạt động tài chính lên đến 155 tỷ đồng.

Năm 2015, Uniben đưa vào hoạt động nhà máy Hưng Yên với số vốn đầu tư được công bố lên đến 1.000 tỷ đồng. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm: mì, cháo, phở ăn liền, hạt nêm, nước mắm…, với các thương hiệu Reeva và 3 Miền.

Để có nguồn vốn đầu tư, Uniben đã tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Đồng thời khoản vay và nợ thuế tài chính cũng tăng mạnh lên 500 tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Kết quả kinh doanh của Uniben cho thấy thị trường mì trong nước đang cạnh tranh khốc liệt như thế nào. Trong bối cảnh sức tiêu thụ sụt giảm và thêm nhiều thương hiệu cạnh tranh, các doanh nghiệp đã phải hy sinh lợi nhuận.

Từng có kinh nghiệm phát triển thị trường mì ăn liền tại Đông Âu, song những đối thủ mà Uniben phải đối mặt tại Việt Nam cũng không phải tay ‘mơ’. Acecook, doanh nghiệp đang chiếm thị phần mì ăn liền số 1 Việt Nam đã có 25 năm kinh nghiệm trên thị trường và luôn duy trì vị thế của mình trong mọi giai đoạn.

Một doanh nghiệp lớn khác là Masan Consumer cũng cho thấy tín hiệu trở lại sau giai đoạn phát triển chững lại. Cũng có xuất thân Đông Âu tương tự Uniben, Masan có thừa kinh nghiệm phát triển trong ngành mì ăn liền. Năm qua, Masan đã tiến hành tái cấu trúc ngành hàng, tung ra một số sản phẩm mới như “mì Omachi cây thịt” và ngay lập tức thu được tín hiệu khả quan.

 

Theo The Leader


  • TAGS: