Có nên đặt niềm tin vào những dự án “thế chấp” ngân hàng?

Sở Xây dựng TP.HCM đã tiến hành công bố một loạt dự án bất động sản trên địa bàn bị chủ đầu tư mang đi “cầm cố” ngân hàng. Vậy liệu các dự án đã bị “cầm cố” này có còn đủ độ tin cậy để đầu tư?

Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố thông tin xác nhận gần 30 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trong đó có nhiều dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất cho các ngân hàng. Điển hình như: Dự án Kingdom do Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Đông Dương làm chủ đầu tư, Dự án khu dân cư cao cấp Saigon Avenue do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lan Phương làm chủ đầu tư...

Do đặc điểm của thị trường bất động sản nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng và nguồn vốn huy động từ chính những khách hàng đầu tư vào dự án. Các chủ đầu tư dự án hiện nay thường lấy dự án, công trình đã nhận thầu để thế chấp ngân hàng, từ đó tăng thêm nguồn vốn để phục vụ cho việc xây dựng công trình và phát triển dự án trong tương lai.

Đa số chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn tín dụng vào đúng mục đích xây dựng, phát triển dự án. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn sai mục đích, đầu tư dàn trải, tràn lan, thậm chí đầu tư cho tiêu dùng cá nhân dẫn đến việc để dự án “đắp chiếu” lâu ngày.

Dự án “đắp chiếu” dẫn đến việc không bàn giao được nhà cho người mua, gây nợ xấu, mất tính thanh khoản thị trường và đặc biệt là gây thiệt hại cho khách hàng, khiến người đầu tư mất lòng tin.

Hiệp hội Bất Động Sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.

Cũng theo Hiệp hội Bất Động Sản TP.HCM (HoREA), hiện tại rất nhiều dự án được mang đi cầm cố nên Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Vậy câu hỏi được nhiều người đầu tư bất động sản đặt ra là đầu tư vào các dự án bất động sản đã được mang đi “cầm cố” ngân hàng liệu có an toàn cho người đầu tư?

DJI_0442

Nhiều dự án bất động sản hiện nay bị "cầm cố" ngân hàng. (Ảnh Hiếu CT)

“Cầm cố” cho ngân hàng có an toàn?

Dự án được chủ đầu tư mang đi cầm cố không còn là điều quá xa lạ đối với nhiều người đầu tư bất động sản, thậm chí bây giờ dự án “cầm” ngân hàng còn được cho là điều hết sức bình thường và việc cầm cố ngân hàng đôi khi còn thể hiện độ minh bạch trong tài chính của dự án đó.

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản cho biết: “Các dự án do chủ đầu tư triển khai đều phải sử dụng ba nguồn vốn là nguồn vốn tự có, vốn huy động của khách hàng và nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Trong nguyên tắc bảo đảm rủi ro thì trước khi thực hiện dự án nhà đầu tư sẽ thực hiện tối ưu hóa nguồn vốn ngân hàng, do đó hầu hết các dự án đều phải vay ngân hàng nên các dự án được mang đi thế chấp ngân hàng là điều rất bình thường”.

Ông Quang cho biết thêm, đối với người đầu tư, việc biết được chủ đầu tư thế chấp dự án để lấy kinh phí thi công thì nhìn nó rất là ghê gớm, khiến nhiều người sợ không dám đầu tư, nhưng thực ra việc vay ngân hàng nếu nhìn ở một góc độ tích cực thì nó là một điều tốt vì dự án đầy đủ pháp lý ngân hàng mới cho vay vốn. “Việc vay vốn ngân hàng của chủ đầu tư phải công khai, minh bạch, nên các nhà đầu tư bất động sản khi mua nhà cần biết rõ các thông tin về dự án mình đầu tư, kể cả dự án đang thế chấp ngân hàng nào để bảo đảm quyền lợi và các vấn đề về pháp lý cho bản thân. Ngân hàng là một tổ chức mang tính đại chúng nên có thể bảo đảm cung cấp đủ nguồn vốn để dự án hoàn thành là điều hoàn toàn khả thi, qua đó bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư”.

Theo Tín Phong/Người tiêu dùng


  • TAGS: