Vì sao Vyoga rời Vincom Plaza Phan Văn Trị?

"Đâu có muốn đi là đi như vậy được. Mình mua thẻ là để tập ở đây chứ đâu phải là ở chỗ khác, giá mua cũng đâu có rẻ...", chị L.P. nói với giọng bức xúc về việc trung tâm Vyoga chuẩn bị rời khỏi Vincom Plaza (12 Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp. TP.HCM) để chuyển đến một địa điểm khác...

 

Vincom Plaza trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: YN

Địa điểm mới ở Gò Vấp được Vyoga thông báo nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, cách Vincom Plaza Phan Văn Trị vài phút đi xe máy. Nhưng trung tâm mới là một căn nhà gồm 5 mặt sàn, diện tích 300m2/sàn, tổng diện tích sử dụng 1.500m2, có hầm để xe, thang máy... chứ không phải là nằm trên toàn bộ diện tích 1.250m2 của một tầng như ở Vincom Plaza hiện nay.

Chính vì thế mới dẫn đến sự bức xúc của nhiều hội viên. "Việc dời đi rất bất tiện, chúng tôi không biết để con mình ở đâu trong khi mẹ tập yoga cả. Ở Vincom còn có nhà sách, siêu thị, quán cà phê. Tôi còn hay khoe với mọi người mình tập ở Vincom cho nó sướng mồm nữa...", một nữ hội viên nói trong buổi trao đổi giữa các hội viên Gò Vấp với CEO của Vyoga - Vishwanath Kulkarni sáng 10.9.

Vyoga đã hoạt động 9 năm với 6 chi nhánh và tất cả đều nằm trong trung tâm thương mại hay cao ốc (plaza, tower). Riêng TP.HCM có 4 chi nhánh thì hết 3 chi nhánh đã nằm trong Vincom Plaza, bao gồm chi nhánh ở Gò Vấp mở cửa đầu năm 2016.

Vậy vì sao từ việc vốn luôn "gắn mình" với một plaza hay tower trong nhiều năm để đi theo tiện ích hạ tầng, nay Vyoga lại quyết định chuyển sang một mặt bằng hoàn toàn khác? Mà trong kinh doanh, việc phải chuyển địa điểm khi đang hoạt động bình thường không dễ, thậm chí là một trong những điều tối kỵ.

"Trước đây chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với Maximark nhưng hiện hợp đồng với Vincom không còn đảm bảo dài hạn nữa. Do khả năng hợp tác không lâu dài cho nên chúng tôi quyết định di chuyển trung tâm để đảm bảo tốt nhất cho tất cả mọi người...", Vishwanath Kulkarni giải thích với các hội viên.

Cuộc trao đổi giữa đôi bên kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và có vẻ khá căng thẳng. Sự việc này dễ khiến người ta nhớ đến lần đóng cửa chi nhánh ở quận 7 của California Fitness & Yoga trước đây khiến các hội viên phản ứng rất mạnh.

Nhưng trường hợp của California Fitness & Yoga là đóng cửa hẳn chi nhánh, còn Vyoga là di dời chi nhánh đến một địa điểm mới. Vấn đề ở đây là sự khác biệt giữa địa điểm mới và địa điểm cũ: một căn nhà 5 tầng so với một tầng rộng lớn thuộc một trung tâm thương mại sở hữu nhiều tiện ích, lại nằm giữa khu vực mà hạ tầng lẫn kinh doanh đang rất phát triển: quận Gò Vấp.

Có thể nói, một lý do khiến Vyoga phải lần đầu tiên di chuyển chi nhánh ra khỏi một trung tâm thương mại được các hội viên râm ran bàn tán nhiều nhất chính là giá thuê mặt bằng.

Người Gò Vấp dạo gần đây hay nói vui với nhau rằng, giờ thì không cần phải cất công chạy xe lên quận 1 chơi nữa rồi vì Gò Vấp nay đâu có thiếu thứ gì!

Đường Quang Trung thì có Vincom Plaza, Coop.mart, Aeon Citimart thì sắp mở cửa trở lại. Trên đường Nguyễn Văn Lượng hiện chưa có ai vượt qua quy mô của Lotte Mart. Phan Văn Trị thì có Coop.mart, Saigon Mall, Vincom Plaza và cái Emart duy nhất ở TP.HCM tính đến thời điểm này. Starbucks, McDonald, Highlands... cũng đã có mặt từ lâu.

Coop.mart trên đường Phan Văn Trị - Ảnh: YN

Trả lời email của PV báo điện tử Một Thế Giới về phân khúc mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại ở Gò Vấp, JLL Việt Nam cho biết tính đến quý 2/2019, tổng nguồn cung bán lẻ tại Gò Vấp đạt khoảng 71.000m2 đến từ 3 dự án Vincom Gò Vấp (đường Phan Văn Trị), Vincom Quang Trung (đường Quang Trung) và Lotte Mart Gò Vấp (đường Nguyễn Văn Lượng).

Có thể thấy, nguồn cung bán lẻ hiện tại ở Quận Gò Vấp đang đến từ 2 chủ đầu tư lớn là Vincom Retail và Lotte.

Lotte Mart trên đường Nguyễn Văn Lượng, Gò Vấp - Ảnh: YN

Tỷ lệ lấp đầy trong khu vực cũng khá khả quan nhờ vào danh tiếng và các khách thuê chiến lược của chủ đầu tư. Nhìn chung các khách thuê F&B, siêu thị, giải trí và thời trang bình dân vẫn ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan do đáp ứng được nhu cầu của người dân trong khu vực.

Giá thuê trung bình được ghi nhận trong khu vực dao động trong khoảng 15-20 USD/m2/tháng.

Mức giá thuê mà JLL Việt Nam cung cấp phần nào trùng với con số từ báo cáo tài chính quý 1/2019 của Vincom Retail, nhấn mạnh doanh thu trong quý này tăng vọt 41% nhờ cho thuê mặt bằng, bao gồm cả việc các trung tâm thương mại mới đi vào khai thác.

Theo đó, giá cho thuê bình quân tại chuỗi Vincom Plaza đã tăng 10% lên 12,2 USD/m2. Nếu đem đối chiếu lại với tổng diện tích mặt bằng khoảng 1.250m2 mà Vyoga đang thuê ở Vincom Plaza Gò Vấp thì sẽ cho ra con số không nhỏ.

Thời điểm này, các mặt bằng cho thuê bên trong Coop.mart, Saigon Mall, Emart... trên đường Phan Văn Trị hầu như không còn chỗ trống. Emart, đại siêu thị đang thu hút lượng khách hàng nườm nượp mỗi ngày, thậm chí còn đăng tin trên một trang web rằng đang kiếm thêm mặt bằng thuê mới (từ 200m2 trở lên, giá thuê 100 triệu đồng, thời hạn trên 7 năm) để mở thêm siêu thị.

Nhưng Vyoga vẫn muốn... đi ra. "Mai mốt không còn đến Vincom tập nữa chị không biết sao mua đồ Adidas luôn đó!", tôi than thở với cậu bán hàng Adidas ở tầng trệt Vincom Plaza Phan Văn Trị. "Ủa Vyoga đi hả chị? Vậy California vô hả chị? Bữa em thấy họ dán quảng cáo rầm rầm ở tầng 4 kìa...", cậu bán hàng chia sẻ thông tin với tôi.

Quảng cáo của California Fitness & Yoga mới xuất hiện ở Vincom Plaza Phan Văn Trị vài ngày gần đây - Ảnh: AT (chụp ngày 9.9)

Thi Anh/Một thế giới


  • TAGS: