Bên cạnh việc điều chỉnh, chuyển đổi công năng khu nhà ở D2, D3, dự án Khu Y tế kỹ thuật cao từ dự án xây dựng bệnh viện thành… nhà ở cao tầng thì còn xuất hiện một số điều chỉnh khác như “mọc lên” Trung tâm thương mại mang tên Aeon để kinh doanh?
Như bài viết trước “Từ dự án bệnh viện thành… nhà ở cao tầng” đã đề cập về những bất cập trong quá trình xây dựng dự án Khu Y tế Kỹ thuật TP.HCM do Hoa Lâm làm chủ đầu tư. Đó là mục tiêu tốt đẹp và có ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, hiện tại Khu y tế kỹ thuật cao chỉ mới có 2 bệnh viện đưa vào hoạt động, trong khi đó đang thi công rầm rộ khu nhà ở D2, D3 với mục tiêu kinh doanh khu nhà ở, căn hộ.
Không những thế, Dự án xây dựng bệnh viện này còn “biến tướng” khi ban đầu, Aeon được quy hoạch làm “Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khoẻ, nhà nghỉ phục vụ lưu trí ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân” (ký hiệu lô PT1) với diện tích khuôn viên 2,43ha”.
Một phần khu dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao TP.HCM nay là Trung tâm thương mai AEon được hình thành.
Theo đó, Aeon được UBND TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án “Trung tâm mua sắm Aeon – Bình Tân” sau đó điều chỉnh, bổ sung thành “Trung tâm thương mại dịch vụ phù hợp mục tiêu đầu tư của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” trong năm 2014 và đã được chuyển đổi công năng từ tính chất phục vụ y tế sang buôn bán thương mại hàng hoá.
Thế nhưng trước đó, tháng 12-2013, Cty TNHH Y Tế Hoa Lâm – Shangri – La đã ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) để hợp tác kinh doanh đầu tư phát triển trung tâm mua sắm Aeon – Bình Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD, xây dựng trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao với diện tích khoảng 4,7 ha. Trung tâm này được khởi công từ tháng 1-2015 và hoàn thành trong tháng 6-2016.
Đến đây, “Trung tâm thương mại dịch vụ phù hợp mục tiêu đầu tiên của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” đã được “hô biến” là trung tâm thương mại Aeon, cùng với đó là chức năng thay vì phục vụ y tế như quy hoạch ban đầu thì lại là nơi buôn bán hàng hoá thương mại, giải trí cho cộng đồng dân cư ngoài khu vực dự án, thậm chí đất của Khu Y tế kỹ thuật cao đã bị cắt giảm để “đắp” cho trung tâm thương mại, từ 2,43ha lên 4,7ha.
Nhưng đáng lưu tâm là khi triển khai dự án Khu Y tế kỹ thuật cao, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ chi phí đầu tư hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp được ưu đãi nhiều chính sách nhưng trong quá trình triển khai, thay vì giám sát chặt chẽ việc xây dựng đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự án thì UBND thành phố lại có những điều chỉnh về quy hoạch, tạo nhiều ưu ái theo hướng kinh doanh thương mại cho chủ đầu tư tại dự án y tế.
Ngoài ra tại dự án Khu Y tế kỹ thuật cao còn xuất hiện thêm thông tin chủ đầu tư đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho đối tác trong và ngoài nước khi chưa hoàn thành nhiều hạng mục về y tế, giáo dục, thể thao giải trí… mang tính phục vụ cộng đồng cũng như việc rao bán căn hộ thương mại tại Khu nhà ở D2, D3 dưới tên gọi thương mại AIO City Bình Tân với giá lên tới 45 triệu đồng/m2.
Việc “biến tướng” công năng từ dự án xây dựng Khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM thành… nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại rõ ràng đã bộc lộ nhiều bất cập, phá vỡ ý nghĩa và mục tiêu cao cả của dự án này mang lại trong sự kỳ vọng cho người dân.
(Còn nữa)
Đăng Khoa/Theo Pháp luật & Xã hội