Tập đoàn Trung Thủy – phiên bản Vũ “nhôm” tại TP.HCM

So với cách mà Tập đoàn Trung Thủy “thâu tóm” hàng nghìn héc-ta đất tại TP.HCM bằng hình thức hợp tác đầu tư cùng Sargi thì việc lấy đất công không qua đấu giá của Vũ “nhôm” vẫn chưa là gì.

Bà Dương Thanh Thủy cùng chồng là ông Nguyễn Văn Trung.

Những thương vụ “ăn” đất đình đàm

Theo thống kê, mối “lương duyên” của Tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding) và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) bền chặt, sâu rộng đến nỗi sau những bản hợp đồng hợp tác đầu tư, có ít nhất 17 khu đất nằm ở vị trí đắc địa của Sargi đã lọt vào tay của Trung Thủy dưới các tên pháp nhân khác nhau.

Cụ thể, chỉ trong hai năm 2015 và 2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác với các đối tác như Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận, Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Công ty bất động sản Tín Nghĩa… để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án tại 17 mặt bằng, nhà đất với quỹ đất hơn 20ha nằm ở các vị trí đắc địa tại các huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh, quận 7.

Dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 650ha tại xã Phú Mỹ Hưng bị Kiểm toán Nhà nước vạch ra sai phạm của Công ty Trung Thuỷ Sagri.

Điểm đặc biệt là, tất cả những công ty kể trên đều có đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Trung và bà Dương Thanh Thủy, có địa chỉ đăng ký tại Tầng 12, Tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trùng khớp với tên của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Thủy, và địa chỉ nêu trên cũng là trụ sở điều hành của Tập đoàn này.

Đi sâu vào tìm hiểu việc làm ăn của Trung Thủy và Sargi, dễ dàng nhận thấy các thương vụ hợp tác làm ăn này đều có một công thức chung theo tỷ lệ: Sagri góp 27% (bằng đất) và 73% còn lại là của các công ty cùng hệ thống Trung Thuỷ để khai thác quỹ đất nói trên.

Một trong những thương vụ “khủng” tiêu biểu của mối lương duyên này, là việc Trung Thủy “hợp tác” đầu tư với Sagri thâu tóm khu đất rộng 650ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (TP.HCM).

Sargi và Trung Thủy cho ra đời Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện dự án trên

Theo đó, ngày 9/3/2016, Trung Thuỷ và Sagri ký hợp đồng thống nhất hợp tác đầu tư trên khu đất 650ha do Công ty Bò sữa đang quản lý sử dụng. Sau đó, liên minh này cho ra đời Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri thực hiện dự án với vốn điều lệ ban đầu là 164 tỷ đồng, trong đó Sagri đóng góp 36% (tương đương 59 tỷ đồng) và Tập đoàn Trung Thuỷ đóng 64% (tương đương 104 tỷ đồng).

Điểm đặc biệt của liên minh Trung Thủy – Sargi là đối với phần vốn góp của Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ sẽ là đơn vị cho vay không lãi suất trong ba năm đầu. Sau đó, liên minh này đã bị Thanh tra TP.HCM “tuýt còi” vì vi phạm Điều 175, Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, một dự án ở trung tâm thành phố khác mà Sargi đã giao cho Trung Thủy là cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).

Dự án trên có diện tích gần 1.400m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác là 20 năm (tính từ năm 2016). Sau đó, Sagri cũng đã nhận về số tiền hơn 10 tỷ đồng từ Trung Thủy, một con số quá thấp so với mặt bằng chung khi hợp tác kinh doanh tại dự án này. Hiện dự án đã đi vào hoạt động với tên thương mại Dreamplex 195…

Biến đất công thành của chung và của chung thành… của riêng

Đầu năm 2019, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tòa nhà Dreamplex 195 (quận Bình Thạnh)

Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2016, Vũ “nhôm” đã được tạo điều kiện mua 4 khu đất đắc địa nhằm phục vụ cho nghiệp vụ ngành Công an.

Tuy nhiên, sau khi được thuê, mua Phan Văn Anh Vũ đã sang tên mình, người thân hoặc liên kết chuyển nhượng ra ngoài để thu lợi bất chính. Theo kết luận, những vụ chuyển nhượng đất công không thông qua đấu giá trên đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 750 tỷ đồng.

Có thể nói, đại án Vũ “nhôm” thâu tóm hàng loạt những mảnh đất “vàng” tại Đà Nẵng gây chấn động dư luận, là mồi lửa châm ngòi cho việc các cơ quan chức năng phanh phui hàng loạt các vụ việc giao đất giá rẻ, giao đất công không qua đấu giá với nhằm trục lợi ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Nếu như ở Đà Nẵng, Vũ “nhôm” là trùm “ăn” đất công thì tại TP.HCM, nhìn lại những thương vụ đã được “điểm mặt chỉ tên” trên, có lẽ khó doanh nghiệp nào ở thành phố này giật được ngôi vị “quán quân” thâu tóm đất công của Tập đoàn Trung Thủy.

So sánh với cách mà Tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding) thực hiện các hợp đồng “hợp tác đầu tư” với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi), sau đó bỗng dưng là chủ sở hữu của nhiều mảnh mảnh đất vàng ở trung tâm cùng hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp khác tại TP.HCM thì mới thấy, Vũ “nhôm” so với Trung Thủy vẫn chưa là gì.

Bà Dương Thanh Thủy cùng chồng là ông Nguyễn Văn Trung.

Thậm chí, với việc Tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding) thâu tóm hàng nghìn héc-ta đất tại TP.HCM, dư luận đánh giá, mức độ nghiêm trọng của nó còn hơn cả đại án Vũ “nhôm”.

Bởi, cách thức chuyển nhượng đất, quy mô, giá trị của việc “hợp tác” giữa Trung Thủy và Sargi lớn hơn nhiều lần so với thiệt hại mà Vũ “nhôm” đã gây ra. Nên nhớ rằng, so với bất động sản Đà Nẵng thì giá trị thị trường của TP.HCM cao hơn rất nhiều.

Và mẫu số chung cho những thương vụ “ăn” đất công, trục lợi nhiều tỷ đồng của Nhà nước đều cùng một cách: Biến đất công thành của chung và của chung thành… của riêng.

Đề nghị điều tra làm rõ mối quan hệ giữa Trung Thủy và Sargi

Trả lời phóng viên Reatimes, Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, các cơ quan Trung ương, Bộ Công an, chính quyền TP.HCM cần vào cuộc mạnh mẽ, làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trong việc Sargi bằng nhiều hình thức đã giao đất trái luật cho Tập đoàn Trung Thủy.

Trụ sở của Tập đoàn Trung Thủy tại Tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn (quận 1)

“Hiện nay, những sai phạm liên quan đến trục lợi trên đất công đã xảy ra tại nhiều địa phương với quy mô lớn. Cùng với đó, những tồn tại nêu trên gây bức xúc trong dư luận, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Điển hình như vụ Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng hay các vụ 32ha đất Phước Kiển (huyện Nhà Bè); vụ 2-4-8 Hai Bà Trưng (quận 1); lô đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) tại TP.HCM

Tuy nhiên, khi nghiên cứu đến vụ việc Sargi hợp tác giao đất cho Trung Thủy mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, cũng như qua một số vụ việc nổi cộm của “liên minh lợi ích” này trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc này cao hơn rất nhiều.

Bởi, từ quy mô, con số sai phạm mà Sargi cũng như Trung Thủy mắc phải là quá lớn. Nói không quá, nếu làm mạnh tay, sai phạm đất đai từ vụ án Vũ “nhôm” chỉ là rất nhỏ so với Sargi và Trung Thủy. Tôi cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, Bộ Công an, chính quyền  TP.HCM cần mạnh mẽ vào cuộc làm rõ những sai phạm nêu trên.

Trước tiên, cần xem xét vai trò của người đứng đầu Sagri cũng như bộ máy lãnh đạo thời kỳ đó. Cùng với đó, cần điều tra về việc giao đất không qua đấu giá đối với Tập đoàn Trung Thủy. Một sai phạm lớn, nghiêm trọng như vậy xảy ra trong một thời gian dài, nếu không xử lý nhanh chóng sự việc có thể sẽ để lại hậu quả khôn lường”, Luật sư Thắng cho biết.

Ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Sargi tiếp tục bị đề xuất kỷ luật

Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến những sai phạm nêu trên, tháng 1/2019, UBND TP.HCM đã thi hành kỉ luật đối với ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bằng hình thức cảnh cáo. Đến ngày 31/5/2019, ông Lê Tấn Hùng tiếp tục bị đề xuất kỷ luật thêm vì 18 sai phạm liên quan tại Sargi.

Trong đó, đặc biệt là sai phạm cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành (sử dụng sai 1.900ha đất). Được biết, ông Lê Tấn Hùng là em trai của ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM).

Vài nét Tập đoàn Trung Thủy

Trung Thủy là thương hiệu do bà Dương Thanh Thủy thành lập vào năm 1994 với kinh doanh ban đầu là cửa hàng mỹ nghệ cao cấp Đông Phương (số 5 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).

Đến năm 2002, Công ty TNHH Trung Thủy được thành lập. Xuất phát của Trung Thủy là doanh nghiệp Mỹ nghệ Miss Áo Dài. Nơi chuyên cung cấp các dịch vụ thiết kế – may đo áo dài và mua bán hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp.

Năm 2008, Đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Công ty TNHH Trung Thủy chuyển mình chính thức trở thành Công ty Cổ phần Trung Thủy (TTG)− tập đoàn đa ngành chuyên cung cấp các dịch vụ đầu tư bất động sản, khai thác, quản lý căn hộ, cao ốc văn phòng…

Chỉ trong một thời gian ngắn “lấn sân” sang lĩnh vực bất đồng sản nhưng nhờ mối “lương duyên” với Sagri, Trung Thủy đã vươn mình lớn nhanh như phù đổng, trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu hiện nay tại TP.HCM.

Theo Reatimes 


  • TAGS: