Tài Nguyên Group bất ngờ

Công ty Cổ phần Tài Nguyên (Tài Nguyên Group, mã CK: TNT) vừa có thông báo quyết định của HĐQT công ty này về việc thoái vốn khỏi hai dự án nhà ở do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường, tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

"Dứt áo" khỏi dự án "lùm xùm"

Hai dự án đó là khu nhà ở Tân Thanh (phường Tân Thanh, phường Him Lam) và dự án khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm (phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, Điện Biên). Đây là khu đất nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên.

Được biết, hai dự án này được UBND tỉnh Điện Biên chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 825/QĐ-UBND và Quyết định số 826/QĐ-UBND, ngày 17/10/2013 giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Công nghệ Môi trường, tỉnh Điện Biên với diện tích đất 5,2 ha để đầu tư hạ tầng xã hội và san đất bán nền. Tiền đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng 100% vốn doanh nghiệp.

Hạ tầng mà phía Cty công nghệ Môi trường Điện Biên phải đầu tư để đưa vào sử dụng mục tiêu chung xã hội của 2 Dự án kể trên, gồm: hành lang vỉa hè, đường nội bộ, công trình cấp nước sạch, hệ thông thoát nước và điện chiếu sáng.

 

Đường giao thông nội bộ thuộc Dự án Khu nhà ở Tân Thanh. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường).

Dự án bắt đầu từ tháng 7/2012 kết thúc vào tháng 11/2018; được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn I, (từ tháng 7/2012 đến tháng 11/2018); giai đoạn II, từ tháng 11/2015 – tháng 11/2018).

 

Hai Dự án này được thực hiện theo phương thức Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất (không đấu giá quyền sử dụng đất), thời hạn sử dụng đất là 50 năm, hết hạn trên chủ đầu tư được gia hạn theo quy định của pháp luật.

Trong tổng diện tích 5,2ha, UBND tỉnh Điện Biên giao cho Cty công nghệ Môi trường Điện Biên, có hơn 3ha quỹ đất nằm trong diện không kinh doanh; là đất công cộng, xây dựng giao thông và hạ tầng kĩ thuật, khu cây xanh... và đất ở tái định cư hơn 3.000m2; UBND tỉnh Điện Biên sẽ không thu tiền sử dụng đất. Như vậy, diện tích đất để san bán nền của đơn vị này rơi vào 2ha.

Đối với dự án khu nhà ở Tân Thanh, tổng quĩ đất giao thực hiện dự án là 49.120 m2. Theo tìm hiểu, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 364 tỉ đồng; trong đó giai đoạn I (xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật) hơn 94 tỉ đồng và giai đoạn II (phần kiến trúc) hơn 269 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện dự án 76 tháng và kết thúc vào tháng 11/2018; trong đó giai đoạn I phải hoàn hành trong tháng 11/2015 và giai đoạn 2 là tháng 11/2018.

Còn theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thì dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I (xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật) là hơn 73,1 tỉ đồng từ nguồn vốn chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác; thời gian thực hiện hoàn thành dự án giai đoạn I trong năm 2018 và giai đoạn II (xây dựng công trình kiến trúc gồm nhà ở, các công trình công cộng và dịch vụ thương mại) hoàn thành trong quý II/2020.

Còn dự án khu nhà ở phía tây sông Nậm Rốm có qui mô 13.323 m2, xây dựng biệt thự đơn lập, biệt thự song lập và nhà ở liền kề. Khu nhà này, theo qui hoạch có 30 căn biệt thự ven sông có diện tích 120 – 150 m2 được bố trí dọc ranh giới dự án. Mật độ xây dựng khoảng 59%.

Theo báo Tài Nguyên & Môi trường, ngày 24/9/2018, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản về việc khẩn trương triển khai các công việc còn lại của hai dự án. Đồng thời, tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu Công ty này làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tính toán khối lượng xây dựng và tổ chức nghiệm thu hoàn thành giai đoạn I, đối với Dự án Khu nhà ở Tân Thanh.

UBND tỉnh Điện Biên cũng giao Sở N&MT chủ trì tổ chức hoàn tất hồ sơ, thủ tục xác định giá đất cụ thể đối với hai dự án để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai và giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

"Tuy nhiên, sau gần 1 năm khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc của hai dự án nêu trên dường như vẫn "dậm châm tại chỗ".

Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên được địa phương này xác định là do dự án được thực hiện qua nhiều năm, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc chuyển tiếp của Luật Đầu tư 2005 sang Luật Đầu tư 2014; Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013; tính chủ động, phối hợp giữa các Sở, ngành, UBND TP Điện Biên Phủ trong hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư, tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát dự án còn nhiều hạn chế", báo Tài Nguyên & Môi trường thông tin.

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: Chủ đầu tư phải tổ chức triển khai công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, tiếp theo là thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công. Hiện tại, Sở xây dựng chưa nhận được hồ sơ liên quan đến công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.

Trước đó, tại Báo cáo số 1555/BC-SXD, ngày 07/12/2016 của Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Chủ đầu tư dự án này. Theo đó, cả 2 Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm và Khu nhà ở Tân Thanh chủ đầu tư đều không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản vì vốn pháp định không đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật (đạt 6/20 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bản vẽ thi công cũng không được thẩm định và không có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình.

Mặt khác, phía chủ đầu tư chưa có thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, đơn vị quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng... Trong khi đó, chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án. Ngoài ra, Chủ đầu tư không có hồ sơ khảo sát công trình. Không có hồ sơ quản lý chất lượng công trình từ bước khảo sát xây dựng đến quá trình thi công xây dựng. Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh giao đất cho để chủ đầu tư thực hiện Dự án.

Cũng tại báo cáo này, Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên kết luận: Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm chưa đủ điều kiện là bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.

Mới đây nhất, ngày 12/6/2019, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên kết luận tại buổi làm việc về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm lại một lần nữa chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của 2 Dự án này. Các cuộc họp đối thoại, tháo gỡ, chỉ đạo… rồi một loạt hệ thống văn bản cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ dày lên tương đối theo thời gian, nhưng 2 Dự án này vẫn còn đầy “bê bối”.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; công tác xác định giá đất; quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của Khu nhà ở Tân Thanh còn “bê bết”.

Tuy nhiên, trên thực tế, 40 lô đất nền đã được Chủ đầu tư bán cho các hộ dân dưới hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư” nhưng Nhà nước chưa thể thu được tiền thuế đất của Dự án này vì những “lùm xùm” xoay quanh Dự án và những người góp tiền mua đất cũng lao đao vì không biết bao giờ mới được cấp “sổ đỏ”.

Kinh doanh ảm đạm

Theo Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 vừa công bố, doanh thu Công ty CP Tài nguyên đạt doanh thu 27,7 tỷ đồng giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. 

Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh chính của công ty là kinh doanh bất động sản, xây dựng thì các Dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện về thủ tục của sở ban ngành chưa được nghiệm thu quyết toán.

Đồng thời, quý 3/2019 các công ty con (công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Tài nguyên và Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Thương mại Tài Nguyên) không có doanh thu do Quý 3 Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Tài nguyên góp vốn đi đầu tư chưa có doanh thu cũng như không phát sinh hợp đồng mua bán dịch vụ nào. Công ty con (Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Thương mại Tài Nguyên) mới thành lập đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu dự án nên cũng chưa có hoạt động kinh doanh.

Doanh thu trong quý 3 của công ty chủ yếu đến từ mua bán vật liệu xây dựng, trong khi kinh doanh quý 3/2018 của công ty đến từ mua bán vật liệu xây dựng và vật tư ngành điện nước.

Chi phí quản lý doanh nghiệp 280,6 triệu đồng, tương ứng giảm 30% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 86% còn vỏn vẹn 3,4 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trên báo cáo hợp nhất giảm 292,2 triệu đồng tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm truowcs do chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty mẹ giảm 30% so với cùng kì dẫn đến Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ quý 3/2019 giảm so với cùng kỳ năm trước là 3,6 tỷ đồng tương ứng giảm tới 91%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu thuần của công ty đạt 93,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.1 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quí III/2019 của doanh nghiệp này, phần phải thu dài hạn của công ty cũng ghi nhận khoản 170 tỉ đồng từ việc góp vốn vào hai dự án trên.

Theo Thương trường


  • TAGS: