TP.HCM: Nguồn cung căn hộ bán cải thiện trong quý 1/2023

Thị trường bất động sản TP.HCM đang dần có giao dịch trở lại khi nhiều doanh nghiệp địa ốc rục rịch triển khai mở bán sản phẩm mới. Động thái này đã góp phần cái thiện nguồn cung căn hộ bán trong quý 1/2023.

Theo CBRE Việt Nam, trong quý 1/2023, thị trường căn hộ bán TP.HCM đã có sự cải thiện về nguồn cung mới với gần 2.900 căn hộ được chào bán ra thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần so với quý 4/2022. Mặc dù vậy, số lượng dự án mới tại TP.HCM vẫn rất hạn chế với chỉ có 3 dự án mới. 

2 trong số 3 dự án mở bán lần đầu tại TP. Thủ Đức với số lượng căn hộ chiếm hơn 24% tổng nguồn cung. Hầu hết nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp và có 1 dự án ở huyện Hóc Môn với hơn 760 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp. Tương tự 2022, các dự án mới được chào bán đều đến từ các chủ đầu tư lớn.

Cũng theo CBRE Việt Nam, quý 1/2023 trùng với Tết kéo dài, các chủ đầu tư chỉ có thể mở bán khá muộn của quý là khoảng giữa tháng 3, thời gian bán hàng chưa đủ dài để phản ánh chính xác sức hấp thụ của thị trường. Vì vậy, số lượng căn hộ bán được trong quý 1/2023 chỉ khoảng 960 căn, giảm 17% so với quý 4/2022, trong đó tỷ lệ bán của các dự án mới chỉ đạt khoảng 28%.

CBRE cho biết, giá bán căn hộ trung bình trong quý 1/2023 tăng 2% so với quý 4/202 và 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm ở mức trên 60 triệu đồng/m2. Mức tăng này chủ yếu đến từ một phân khu của một dự án lớn tại quận 9 cũ (TP Thủ Đức), nơi tập trung nhiều nguồn cung của quý này. Tuy nhiên, các chính sách bán hàng được ghi nhận đã có nhiều sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thị trường, đặc biệt là chính sách thanh toán. Cụ thể thị trường ghi nhận có dự án chỉ cần đóng 5% giá trị căn hộ là có thể ký hợp đồng mua bán và thanh toán 35% giá trị căn hộ cho tới khi nhận nhà. Nhiều chủ đầu tư cũng chủ động hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ cao hơn hoặc trong thời gian dài hơn để có thể tiếp tục thu hút khách hàng.

Quý 1/2023 là thời điểm ghi nhận nhiều chính sách mới được ban hành dành riêng cho loại hình sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng là chìa khóa để giải tỏa nút thắt vấn đề mất cân bằng cung – cầu của thị trường đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng của các chính sách này bao gồm lãi suất cho vay đối với cả người mua nhà và chủ đầu tư, cũng như thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách hàng. Như vậy trong thời gian tới, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nguồn cung các sản phẩm nhà ở thuộc nhóm nhà ở xã hội bên cạnh các sản phẩm nhà ở thương mại với số lượng sản phẩm vẫn trong tình trạng số lượng hạn chế.

"Vấn đề lãi suất vay mua nhà cao từ các quý trước, trên thực tế đã có sự cải thiện trong quý đầu năm 2023, tuy nhiên mức lãi vay trên 12%/năm ở thời điểm hiện tại vẫn bị người mua nhà đánh giá là cao so với khả năng. Thêm nữa, tâm lý chờ đợi mức điều chỉnh lãi suất tốt hơn của khách hàng là không thể tránh khỏi trước bối cảnh nhiều kỳ vọng về các chính sách mới của nhà nước về vĩ mô được ban hành. Điều này cũng góp phần làm cho các khách hàng chần chừ chưa muốn ra quyết định mua nhà trong thời điểm này". CBRE Việt Nam phân tích.

Nhận định về triển vọng thị trường trong năm 2023, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu vốn khi mà thị trường trái phiếu chưa phục hồi, lãi suất ngân hàng vẫn neo ở mức cao. Các chủ đầu tư trong nước cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn thay thế như hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thuê tài chính, huy động vốn từ các quỹ đầu tư, giảm tối thiểu đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải. Đối với các khoản huy động vốn từ ngân hàng thì cần có chính sách quản lý rủi ro tài chính hợp lý.

Bình An/TGT

 


  • TAGS: