Dự án Bcons Green View do Công ty CP Bất động sản Phú Mỹ Hiệp làm chủ đầu tư, được Công ty CP DV bất động sản Sao Việt (Sàn Sao Việt) rao bán căn hộ dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ khi còn đang san lấp mặt bằng,các thủ tục pháp lí chưa đầy đủ.
Rao bán rầm rộ
Dự án căn hộ Bcons Green View toạ lạc tại mặt tiền đường Quốc lộ 1K, phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Công ty CP Bất động sản Phú Mỹ Hiệp làm chủ đầu tư, đơn vị phân phối là Sàn Sao Việt.
Theo quảng bá, dự án có tổng diện tích 9.298,5 m2, mật độ xây dựng khoảng 35,14%. Quy mô gồm 2 block cao 25 tầng và có 2 tầng hầm, dự kiến cung ứng khoảng 916 căn hộ ra thị trường trong năm 2020.
Ghi nhận thực tế, dự án Bcons Green View vẫn đang trong quá trình san lấp mặt bằng, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, không có dấu hiệu nào là đã thi công xong phần móng. Mặc dù vậy, dự án này đã được rao bán “rầm rộ” qua các website và mạng xã hội.
Rất nhiều sales chào bán tại khu vực cổng dự án Bcons Green View
Thử tìm kiếm trên Google cụm từ “Bcons Green View” sẽ thấy hàng loạt các website đăng tin rao bán dự án.Trong vai một khách hàng, chúng tôi liên hệ với một nhân viên bán hàng tên V. thuộc Sàn Sao Việt.
Nhân viên V. cho biết: “Qua tháng 7/2020, bên chủ đầu tư mới mở bán nhưng hiện đã có hàng ngàn khách hàng đóng tiền lấy số ưu tiên. Hiện tại, công ty đang tiến hành nhận giữ chỗ 30 triệu đồng/căn. Anh nhanh đặt cọc giữ chỗ sớm để có cơ hội chọn được những vị trí đẹp nhất”. Đồng thời nhân viên này cho hóng viên xem phiếu đăng kí giữ chỗ của một khách hàng đã đóng tiền.
Khi chúng tôi hỏi về hồ sơ pháp lí của dự án, nhân viên này tỏ ra ấp úng: “Hiện tại, dự án bên em chỉ mới có chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt chi tiết 1/500. Còn giấy phép xây dựng, khi nào có em gửi để anh tham khảo”.
Sàn Sao Việt có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Như đã phản ánh, việc bán nhà “không móng – không hạ tầng” diễn ra trong thời gian qua thực tế các chủ đầu tư đều biết sai và không ít khách hàng cũng nhận thức được điều này. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư chấp nhận “làm liều” để không bỏ lỡ cơ hội, trong khi khách hàng tính rằng nếu đặt chỗ giai đoạn này thì giá mua sẽ rẻ hơn.
Theo quy định của pháp luật, việc chủ đầu tư tiến hành huy động vốn dưới hình thức nhận tiền đặt cọc, nhận tiền giữ chỗ đối với các dự án là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở trong khi các dự án này chưa được xây dựng là chưa đúng, bởi vì hình thức huy động vốn này chưa phù hợp với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Dự án còn đang trong quá trình san lấp mặt bằng
Cụ thể, tại khoản 1 điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì phải thỏa mãn các điều kiện sau “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.
Ngoài điều kiện quy định đối với dự án, tại khoản 2 điều 55 và khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định điều kiện đối với chủ đầu tư “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lí nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua” và “…phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.
Ngoài ra, tại Khoản 3 điều 69 Luật Nhà ở năm 2014 cho phép chủ đầu tư nhà ở hình thành trong tương lai được huy động vốn từ các nguồn tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua. Nhưng phải đáp ứng được quy định điều kiện mà pháp kinh doanh bất động sản quy định. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lí.
Trong trường hợp, chủ đầu tư tiến hành huy động vốn bằng hình thức nhận tiền đặt cọc, nhận tiền giữ chỗ đối với các dự án chưa đủ điều kiện để được huy động vốn, trường hợp này được xem là hình thức huy động vốn không phù hợp với quy định của pháp luật. Người dân có thể tố cáo, khiếu nại vụ việc đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án hoặc đến Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đầu tư dự án đó để các cơ quan nhà nước này tiến hành kiểm tra, thanh tra, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư theo quy định tại khoản 3 điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh rủi ro cho khách hàng.
Thực tế đã có khá nhiều dự án “mời” được khách hàng bỏ tiền ra lấy “phiếu ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”… và nhiều năm sau dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
Quang Nhân – Theo Ngày Mới Online