Khu dân cư (KDC) Saigon Pearl thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh từng được xếp vào hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng phía sau vẻ sang trọng và hào nhoáng, đã và đang xảy ra nhiều chuyện bất thường trong việc xử lý nước thải khi hàng chục năm nay vẫn không có giấy phép xả thải và giấy phép đấu nối để thải ra môi trường (?).
Tắc cống mới “lòi” chủ đầu tư tự đấu nối?
Khu biệt thự (nhà ở thấp tầng) tại KDC Saigon Pearl do Công ty TNHH Vietnam Land SSG (Vietnam Land SSG) làm chủ đầu tư, được coi là một trong những khu biệt thự triệu USD đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng đầu tháng 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây tá hỏa khi đồng loạt cống nước vệ sinh bị tắc, nhiều hộ bị bốc mùi không rõ lý do. Nhiều nhà đã phải tìm thợ thông tắc cống về sửa, đập cả ống thoát nước… thì phát hiện có rất nhiều giấy vệ sinh không thoát nằm trong ống cống. Thậm chí, có những nhà phải thuê thợ đập ống cống và bơm thoát nước ra ngoài.
Trong khi đó, theo công nhân vận hành Trạm xử lý nước thải của KDC Saigon Pearl thì ngay từ đầu năm 2020 đã thấy có hiện tượng nguồn nước thải đổ về trạm tăng đột biến. Ngày 18-6-2020, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt (Vtech – đơn vị thầu vận hành hệ thống xử lý nước thải của KDC Saigon Pearl) đã có báo cáo đột xuất gửi các ban quản trị hiện trạng cùng đánh giá về hiện trạng nước mưa lẫn vào trạm xử lý nước thải và nguồn nước thải tăng bất thường vào trạm lúc không mưa. Theo đó, qua kiểm tra theo dõi lượng nước thải bơm vào trạm, nhà thầu vận hành nhận thấy có sự phát sinh lượng nước thải tăng cao bất thường. Qua kiểm tra và theo dõi từ tháng 3 đến thời điểm báo cáo, nhà thầu cho rằng, nguồn nước thải phát sinh bất thường là từ khu mới Phase 3A, 3B và khả năng là nguồn nước thải từ cụm chung cư Opal.
Tuy nhiên, đến ngày 25-6-2020, chủ đầu tư Vietnam Land SSG mới chính thức có Công văn số 40/BGD/2020 gửi cho ban quản trị các tòa nhà thuộc dự án Saigon Pearl và Ban quản lý Savills (đơn vị được thuê quản lý vận hành dự án Saigon Pearl) để thông báo đã hoàn thành thi công tòa Opal và đang trong quá trình bàn giao cho cư dân, đồng thời đã hoàn chỉnh việc đấu nối toàn bộ hệ thống nước thải của dự án Saigon Pearl vào trạm xử lý nước thải. Đồng thời, Vietnam Land SSG, đại diện các chủ sở hữu tòa Opal giai đoạn 3B, đồng ý chia sẻ các chi phí liên quan đến xử lý nước thải trong quá trình sử dụng hệ thống chung của dự án.
Như vậy, ở đây có thể hiểu rằng, chủ đầu tư là Vietnam Land SSG đã tự động đấu nối hệ thống nước thải của tòa nhà Opal vào đường ống của trạm xử lý nước thải chung của KDC Saigon Pearl mà không thông qua ban quản trị.
Trước những dấu hiệu của việc đấu nối trên của chủ đầu tư Vietnam Land SSG từ khu tòa nhà Opal, dẫn đến xảy ra hiện tượng quá tải tại Trạm xử lý nước thải của KDC Saigon Pearl. Theo nhà thầu vận hành hệ thống xử lý nước thải (Vtech), khi ký hợp đồng với các ban quản trị Saigon Pearl (tháng 10-2017), nhà thầu không được cung cấp các bản vẽ hoàn công của dự án gồm bản vẽ hệ thống xử lý nước thải, bản vẽ thoát nước thải cũng như giấy phép xả thải, nên không biết chính xác nước thải từ những nguồn nào đổ vào trạm, chỉ biết hợp đồng quy định quản lý và xử lý các nguồn xả thải từ ba tòa CC Ruby, Topaz, Sapphire, Villas và Phase 3A (khu Shophouse) với lưu lượng nước thải đổ về trạm trung bình 1.000 – 1.200 m³/ngày/đêm. Cũng theo nhà thầu này, trạm được xây dựng với thiết kế ban đầu đạt công suất 2.000 m³/ngày/đêm, theo tiêu chuẩn năm 2000, đã lạc hậu và không còn phù hợp. Nên khi tiếp nhận trạm, Vtech đã đề xuất và được các ban quản trị chấp nhận đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống theo tiêu chuẩn hiện hành QCVN14:2008/BTNMT, cột A, có thêm chỉ tiêu amoni (N – NH4). Sau cải tạo, công suất trạm chỉ còn đạt mức xử lý tối đa là 1.500 m³/ngày đêm.
Theo thiết kế, tòa nhà Opal gồm 39 tầng, chia làm hai khu: Khu căn hộ mỗi sàn 500 m², tổng 450 căn, khu văn phòng rộng 400 m²/sàn. Đến thời điểm hiện tại, tòa Opal mới chỉ bàn giao, chỉ đạt khoảng 15% căn hộ vào ở, khu văn phòng vẫn chưa hoạt động. Vtech cho rằng: Nếu tòa Opal đi vào hoạt động, dự kiến khối lượng nước thải sẽ vượt 2.000 m³/ngày/đêm. Kết hợp những ngày mưa, nước thải lẫn nước mưa đổ về trạm đã gây ứ cục bộ ở trạm trung chuyển, gây quá tải với trạm chính, khiến cho vi sinh không kịp xử lý, nước thải ra môi trường không đạt chuẩn.
Chính vì vậy, Vtech đã liên tục gửi văn bản đề nghị các ban quản trị họp và mời đơn vị tư vấn thứ ba vào làm việc, đánh giá lưu lượng xả thải của Opal cũng như thẩm định năng lực xử lý nước thải của trạm để đưa ra biện pháp kịp thời trước khi cư dân Opal về ở kín và các văn phòng cho thuê lấp đầy.
Trường quốc tế ISSP trong Khu dân cư Saigon Pearl.
Hàng chục năm vẫn thải “trộm” ra sông Sài Gòn
KDC Saigon Pearl bắt đầu bàn giao căn hộ cho dân cư sử dụng từ năm 2008, theo phối cảnh dự án SGP được niêm yết công khai và đính kèm hợp đồng mua bán căn hộ, thì dự án có thiết kế ban đầu gồm tám đơn nguyên trên một mặt bằng có tổng diện tích 10,37 ha. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, dự án đã hoàn tất, gồm: ba tòa căn hộ với khoảng 1.500 căn, một khu biệt thự cũ, một khu biệt thự mới, một trường tiểu học quốc tế, một dãy nhà thương mại, một tòa cao ốc căn hộ kết hợp văn phòng dịch vụ. Ngoài ra, tại KDC Saigon Pearl còn có một trường quốc tế phổ thông liên cấp là Wellspring không thuộc dự án nhưng hoạt động hòa chung trong khuôn khổ của dự án.
Mặc dù đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay, nhưng theo báo cáo hoạt động tháng 8-2020 của Ban quản lý Savills, phần quản lý thời hạn các loại giấy phép và chứng nhận kiểm định an toàn thì mục giấy phép xả thải và giấy phép đấu nối đều được ghi rất rõ: “Không có, do dự án ra đời trước luật quy định”. Như vậy, có thể nghi ngờ rằng, tình trạng toàn bộ nước thải của KDC Saigon Pearl với khối lượng hơn 1.000 m³/ngày sau khi qua xử lý rồi thải thẳng ra sông Sài Gòn đã kéo dài hàng chục năm nay và nhiều nguy cơ không chịu sự kiểm soát của chính quyền, của quy định luật pháp và không phải đóng phí bảo vệ môi trường (?). Trong khi đó, trạm xử lý nước thải của KDC Saigon Pearl hiện đang nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.
Ngoài nguồn thải của các khu chung cư, biệt thự thì việc xử lý nước thải tại hai trường quốc tế trong KDC Saigon Pearl đang là một dấu hỏi lớn. Cụ thể, như Trường Wellspring có quy mô khoảng 1.800 học sinh và hàng trăm cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm việc trong trường, hằng ngày đều được tổ chức ăn học bán trú tại trường từ 7 giờ 30 phút – 16 giờ 30 phút. Nhưng báo cáo ngày 10-9-2020 của Vtech thông tin về các nguồn kết nối vào trạm xử lý nước thải tại Saigon Pearl cho thấy, Trường Wellspring đã kết nối từ khi xây dựng và khóa van (đang khóa kết nối). Trong khi đó, Trường tiểu học quốc tế ISSP với quy mô gần 500 học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học, học bán trú tại trường, đến nay chưa xác định được thông tin đường ống thoát, chưa xác định có nối vào trạm hay không. Trong khi đó, theo phản ánh của các ban quản trị hai trường này, thì họ không chia sẻ phí xử lý nước thải với các đơn vị trong dự án Saigon Pearl với lý do “không sử dụng hệ thống xử lý nước thải của khu vực chung”.
Với thông tin về nguồn thải của hai trường quốc tế tại KDC Saigon Pearl, không thể không đặt ra nghi vấn: Liệu toàn bộ hàng trăm khối nước thải từ nguồn thải này có được thải thẳng ra sông Sài Gòn mà không cần phải qua bất cứ một khâu hay công đoạn xử lý nào (?).
Theo Thành Nam,Chí Kiên/Thời nay
https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/nhung-bat-thuong-tu-khu-dan-cu-saigon-pearl-620140/?__FB_PRIVATE_TRACKING__=%7B%22loggedout_browser_id%22%3A%222d11d609f94655b686b1f17c6e824c5080d71653%22%7D&fbclid=IwAR3NEtKvOiQIMAoNO8glrIZBQ-nFhOSUQZCStrbHiCuBUM5cDCoNnv8JUEo