Quy hoạch ban đầu, toàn bộ đất vàng của Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao chỉ phục vụ cho mục đích y tế. Thế nhưng, khi triển khai, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri – La đã có nhiều văn bản đề nghị điều chỉnh Quy hoạch dự án theo hướng thương mại. UBND TPHCM, liên tục ký nhiều Quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án trái với ban đầu để đáp ứng theo “nguyện vọng” của chủ đầu tư.
TPHCM đã ký hàng loạt Quyết định điều chỉnh đáp ứng “nguyện vọng” của chủ đầu tư. Ảnh: Huân Cao
Quy hoạch ban đầu không có yếu tố thương mại
Nhiều hạng mục Y tế trong Khu Y tế chưa được triển khai. Ảnh: Huân Cao
Năm 2000, Kiến trúc sư trưởng Thành phố có Quyết định số 4417/KTST về duyệt quy hoạch chia lô Khu Trung tâm Y tế Kỹ thuật cao (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) có tổng diện tích là 42.5 ha, với chức năng chính là chẩn đoán và điều trị y tế kỹ thuật cao.
Toàn khu vực này, được chia làm 06 phân khu gồm: Khu trung tâm, khu điều trị, khu đào tạo và nghiên cứu, khu công trình công cộng, khu kỹ thuật nghiệp vụ, khu xử lý và phụ trợ với quy mô 1200 giường bệnh. Trong quy hoạch này, không nhắc đến yếu tố thương mại và kinh doanh.
Năm 2008 Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm cùng với Công ty Shangri -La Healthcare Investment đề nghị cho phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tên gọi là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri -La để thực hiện dự án Khu Y tế kỹ thuật cao.
Sau đó, UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 411022000279 (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), chứng nhận lần đầu ngày 10.7.2008 cho phép thành lập Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri -La (Tập đoàn Hoa Lâm) với mục tiêu đầu tư: Cụm các bệnh biện đa khoa và chuyên khoa; trung tâm nghiên cứu – xét nghiệm, trung tâm hội nghị và triển lãm y tế; Các công trình tiện ích phụ trợ chuyên môn có liên quan; Khu nhà ở phục vụ ngắn hạn cho cán bộ y tế; khu thể thao, trường học… phục vụ nhu cầu dự án Khu y tế Kỹ thuật cao.
Trong các mục tiêu đầu tư trên, không có dòng nào cho phép Tập đoàn Hoa Lâm được phép xây Trung tâm thương mại kinh doanh, cũng như xây dự án nhà ở thương mại.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn Hoa Lâm liên tục có văn bản đề nghị thay đổi Quy hoạch dự án theo hướng thương mại. Những đề xuất của Tập đoàn Hoa Lâm đều được UBND TPHCM chấp thuận, đồng thời ban hành nhiều Quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án theo hướng có lợi cho Tập đoàn Hoa Lâm.
Hiện chỉ có 2 bệnh viện được hoàn thành sau hàng chục năm xây dựng.
Quyết định sau trái với quyết định trước
hồ sơ chúng tôi có được, sau mỗi lần Tập đoàn Hoa Lâm có văn bản đề nghị thay đổi điều chỉnh lại Quy hoạch Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao, thì đều được UBND TPHCM chấp thuận và ban hành quyết định thay đổi điều chỉnh trái với quyết định đã được ban hành trước.
Cụ thể: Tháng 11.2008 Tập đoàn Hoa Lâm gửi văn bản số 02/QH về việc đề nghị phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Y tế Kỹ thuật cao. Đến tháng 12.2008, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5637 về duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch tại Khu Y tế kỹ thuật cao do ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM ký. Lý do điều chỉnh quy hoạch lần này, là xét đề nghị của Tập đoàn Hoa Lâm, nhằm cụ thể hóa và làm cơ sở để triển khai tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.
Tiếp sau đó, tháng 8.2009 Tập đoàn Hoa Lâm lại có văn bản số 132/HL về việc đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 tại Khu Y tế Kỹ thuật cao. Dựa trên đề nghị này, tháng 12.2009 UBND TPHCM ban hành Quyết định 5748 do ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch thường trực ký, về điều chỉnh bổ sung Quyết định 5637 đã được ký và thông qua vào năm 2008 trước đó.
Tháng 10.2012, UBND TPHCM lại tiếp tục ban hành Quyết định 5509 do ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TPHCM ký, về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Y tế Kỹ thuật cao.
Việc ban hành Quyết định điều chỉnh mới này được dựa trên cơ sở “Xét đề nghị của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – ShangriLa tại tờ trình số 03/QH tháng 8.2012. Như vậy, chỉ sau 2 tháng Tập đoàn Hoa Lâm đề nghị, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án trái với Quyết định Quy hoạch đã ban hành trước đó để đáp ứng theo “nguyện vọng” của chủ đầu tư.
Khu Trung tâm thương mại Aeon được xây trong Khu Y tế kỹ thuật cao. Ảnh: Huân Cao
Chưa hết, ngày 16.7.2014 UBND TPHCM lại tiếp tục ban hành Quyết định 3533 do ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP ký, về điểu chỉnh bổ sung Quyết định số 5509 đã được chính UBND TPHCM ban hành vào tháng 10.2012. Việc ban hành Quyết định mới này được “Căn cứ Công văn số 3353/UBND ngày 14.7.2014 của UBND TPHCM về việc giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri La3”.
Đáng chú ý, trong Quyết định điều chỉnh này đã điều chỉnh cục bộ từ “Trung tâm hội nghị, triển lãm y tế, giải trí mua sắm, ăn uống và chăm sóc sức khỏe phục vụ cho Khu Y tế Kỹ thuật cao” thành “Trung tâm thương mại – dịch vụ phù hợp mục tiêu đầu tư của dự án Trung tâm mua sắm…”.
Chính sự điều chỉnh này, đã tạo điều kiện để Tập đoàn Hoa Lâm chuyển nhượng cho Công ty TNHH Aeon Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm mua sắm Aeon – Bình Tân ngay trong Khu Y tế Kỹ thuật cao. Như vậy, một lần nữa những kiến nghị của Tập đoàn Hoa Lâm đã được chính quyền TPHCM thời bấy giờ “luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu.”
Chưa dừng lại ở đó, tháng 1.2017, UBND TPHCM tiếp tục ban hành Quyết định 158 về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Y tế kỹ thuật cao. Trong đó có điều chỉnh quy mô dân số dự kiến của khu nhà ở, căn hộ phục vụ dự án từ 4.000 người thành 5.300 người.
Việc ban hành Quyết định điều chỉnh này được “Căn cứ Kết luận của UBND TPHCM về giải quyết kiến nghị của Dự án Khu Y tế ký thuật cao, quận Bình Tân, của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La”. Như vậy, một lần nữa kiến nghị của Tập đoàn Hoa Lâm được chính quyền TPHCM lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng theo nguyện vọng của nhà đầu tư. Bởi nhờ Quyết định điều chỉnh này, đã “mở toang” cánh cửa để Tập đoàn Hoa Lâm được phép đầu tư Dự án nhà ở thương mại ngay trong Khu Y tế kỹ thuật cao.
Khu nhà ở thương mại được xây trong Khu Y tế Kỹ thuật cao. Ảnh: Huân Cao
Điều đáng nói cả 3 vị nguyên lãnh đạo UBND TPHCM là ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín hiện đang bị kỷ luật hoặc bị bắt giam vì sai phạm liên quan đến đất đai. Vậy việc ký hàng loạt Quyết định điều chỉnh của 3 vị đối với Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao như trên, liệu có chí công vô tư và đúng luật? Dư luận có quyền đặt câu hỏi, có lợi ích nhóm nào đứng sau Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao hay không mà lại có nhiều ưu ái cho nhà đầu tư Hoa Lâm như vậy?
Huân Cao/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/bat-dong-san/khu-y-te-ky-thuat-cao-ai-ky-cac-quyet-dinh-dieu-chinh-uu-ai-chu-dau-tu-806437.ldo