Du khách khi tham quan núi Lớn ở TP Vũng Tàu không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin căn biệt thự bề thế đến vậy lại được xây dựng không phép
Vụ việc Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty Cáp treo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) làm chủ đầu tư Dự án cụm dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, công trình lấn biển Bãi Trước bị dư luận phản đối chưa hết nóng thì mới đây, người dân lại bức xúc khi chính công ty này thực hiện việc san, gạt trái phép diện tích lớn đất trên núi Lớn để xây dựng dự án cụm biệt thự… không phép.
Không tin là sự thật
Ngày 25-2, vừa lên tới cổng khu du lịch trên núi Lớn, nhìn về phía bên trái (phía biển), đã thấy một căn biệt thự bề thế, rộng hàng trăm m2, quy mô 2 tầng đang dần hoàn thiện những công đoạn cuối hiện ra. Nhiều du khách khi lên đây khá tò mò về căn biệt thự này bởi vị trí đẹp, nhìn xuống khu vực Bãi Trước của TP. Không chỉ vậy, cạnh căn biệt thự là đường xi măng và một khuôn viên được trồng cây cỏ lẫn hoa rất đẹp mắt nên được khá nhiều du khách men theo để chụp ảnh, quay phim.
Có lẽ vì căn biệt thự và khuôn viên quá hấp dẫn ánh nhìn nên khi nghe chúng tôi nói đây là công trình xây dựng không phép, sắp tới sẽ bị đập bỏ, đa phần du khách đều không tin. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa bài báo để chứng minh thì nhiều du khách mới tin và nói: Thật khó hiểu!
Theo ông Trần Văn Vinh (người dân TP Vũng Tàu), chính việc để công ty này độc chiếm đỉnh núi Lớn dẫn tới việc kiểm tra và xử lý gặp khó khăn, không thể biết được phía công ty đang làm những gì trên núi. Bởi khi công trình ra hình ra dáng thì cơ quan chức năng của TP Vũng Tàu mới phát hiện Công ty Cáp treo thi công không có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 41, tờ bản đồ số 55, số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu.
Ngôi biệt thự bề thế sắp hoàn thiện lại xây không phép khiến dư luận đặt không ít câu hỏi nghi ngờ
Trong quá trình làm việc với Công ty Cáp treo, đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu đã kiểm tra thực địa, ghi nhận chủ đầu tư đã san gạt, tạo nền mặt bằng với diện tích khoảng 8.300 m2. UBND TP Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với công ty này về hành vi xây dựng biệt thự trái phép trên đỉnh núi Lớn và yêu cầu Công ty Cáp treo lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với ngôi biệt thự trên trong thời gian 60 ngày (!?).
Tuy nhiên, hết thời hạn 60 ngày, Công ty Cáp treo không xuất trình được giấy phép xây dựng. Lãnh đạo UBND phường 1, TP Vũng Tàu cho hay tháng 2-2020, UBND TP đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình này. Theo đó, yêu cầu trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, Công ty Cáp treo phải thực hiện việc cưỡng chế công trình gồm biệt thự mẫu. Nếu công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường 1, TP Vũng Tàu thông tin vừa tống đạt quyết định đến phía Công ty Cáp treo. Quá thời hạn quy định, phía công ty không thực hiện việc tự tháo dỡ thì UBND phường 1 sẽ xây dựng phương án cưỡng chế để trình UBND TP ra quyết định cưỡng chế biệt thự này.
Sai phạm có hệ thống
Việc để Công ty Cáp treo vi phạm các quy định nhà nước về đầu tư, xây dựng thời gian dài vừa qua, có một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng địa phương.
Đó là, khi được cấp phép xây dựng nhà ga số 1, chủ đầu tư đã cố tình san, gạt, lấn thêm hàng ngàn mét vuông bờ biển. Năm 2011, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành thanh tra “việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc cụm du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu”, chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty này, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý và chấn chỉnh.
Thế nhưng, đến năm 2017, khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng của công ty, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại phát hiện thêm các sai phạm khác, có tới 6 hạng mục công trình phát sinh mới, đều không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 và không có giấy phép xây dựng, gồm: Chánh điện Hồ Mây, đền thờ các vị anh hùng dân tộc; núi cảnh quan; sân khấu nhạc nước; hồ nước và đường nội bộ.
Đến sự việc công ty lấp biển xây dựng thủy cung cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân, cùng lúc này lại phát hiện việc san, gạt núi, xây biệt thự khi chưa có sự chấp thuận từ cơ quan chức năng. Có nhiều ý kiến cho rằng liệu có sự dung túng từ chính quyền địa phương để dẫn tới việc công ty này liên tục có nhiều sai phạm nhưng không bị xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Bình (cư dân TP Vũng Tàu) cho rằng việc chưa được chính quyền địa phương cho phép nhưng công ty vẫn tổ chức san núi thì cũng cần kiểm tra trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị dỡ bỏ công trình vi phạm, lập lại trật tự để tránh các chủ đầu tư khác làm theo.
Sao lại cho thời gian xin giấy phép?
Lẽ ra xây dựng không xin phép thì phải xử lý đập bỏ, chứ không thể giải quyết kiểu nộp phạt, rồi cho thời gian làm giấy phép xây dựng để hợp pháp hóa cho căn biệt thự đã lỡ xây. Cách hành xử tiêu cực này sẽ là tiền lệ xấu cho “chiêu” cứ xây trước, rồi xin phép sau, cái quy trình “xấu xí” này càng khiến cho tình trạng loạn xây dựng ngày càng nhiều hơn.
Chúng ta vẫn thường nghe những thông điệp về “phát triển bền vững”, “phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, thế nhưng những gì đang xảy ra tại Công ty Cáp treo Vũng Tàu lại đi ngược quan điểm, chủ trương này. Cứ theo cái quy trình “xấu xí” đó thì không bao lâu nữa e rằng núi Lớn và núi Nhỏ chỉ còn lại toàn biệt thự, vì anh làm được thì tôi làm được.
Phá núi Lớn làm cáp treo, xây biệt thự. Lấp biển Bãi Trước làm khách sạn, thủy cung. Tất cả những nội dung vừa kể đã can thiệp thô bạo, phá hủy môi trường sinh thái của địa phương. Bất chấp báo chí, dư luận lên tiếng. Để xảy ra sự việc này trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương ở đâu? Phải chăng chính quyền các cấp đã bất lực trước những sai phạm của chủ đầu tư dự án?
Mai Chân
Bài và ảnh: NGỌC GIANG- Theo Người Lao Động
https://nld.com.vn/thoi-su/cong-ty-cap-treo-vung-tau-sai-pham-lien-mien-20200226214221576.htm