Sự cố tắm biển, thiệt hại nhiều mạng người tại các khu du lịch là hồi chuông cảnh báo đối với cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc không chỉ do ý thức của khách du lịch mà còn do những hạn chế trong công tác cứu hộ tại địa phương.
Những vụ đuối nước thương tâm
Theo nguồn tin từ báo Thanh niên, trong vòng 12 ngày (từ 10-8 đến 22-8) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 3 sự cố tắm biển, 11 người chết do đuối nước. Mới đây nhất là vụ việc 4 nam sinh thiệt mạng khi tắm biển tại khu phố 2, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Các nạn nhân là sinh viên thuộc các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, ra Phan Thiết chơi và tắm biển nhưng không may gặp nạn.
Tiến hành hô hấp nhân tạo cho một em học sinh tại bãi Đá Ông Địa (Báo: Công an TP Hồ Chí Minh)
Cũng trên địa bàn của tỉnh này, ngày 10-8 vừa qua, tại bãi Đá Ông Địa, hai nạn nhân tử vong do bị nước cuốn. Hai nạn nhân là học sinh lớp 9, đi tắm biển cùng một nhóm bao gồm 5 người. Trong quá trình tắm thì sóng lớn đã cuốn Đoàn Công Thành và Trần Văn Đẩu ra xa. Lực lượng cứu hộ phối hợp cùng người dân đưa được ba em học sinh lên bờ, còn lại Thành và Đẩu thì một lúc sau mới tìm thấy. Hai em được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Tình trạng đuối nước hoặc bị dòng nước mạnh, xoáy cuốn đi không chỉ diễn ra ở các bãi tắm du lịch tại tỉnh Bình Thuận mà còn ở rất nhiều các tỉnh thành khác. Dẫn chứng là vụ việc 2 du khách bỏ mạng khi tắm tại biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa xảy ra vào cuối tháng 6-2019. Danh tính nạn nhân được xác định là Phạm Quang Đ (SN 1980, quê ở Bắc Giang) và Đồng Quang H (SN 2007, quê ở Thái Nguyên). Trong lúc du khách tắm biển thì bị sóng biển cuốn trôi và mất tích. Người dân phát hiện và báo với lực lượng cứu hộ, tuy nhiên hơn một tiếng sau đó thì mới tìm thấy thi thể của anh Đ, và đến 14 giờ cùng ngày thì lực lượng cứu hộ tìm thấy nạn nhân H.
Công tác cứu hộ - “mất bò mới lo làm chuồng”
Vụ đuối nước thương tâm tại Mũi Né (Ảnh: VietNamNet)
“Nếu có cứu hộ kịp thời, các bạn em không chết đau thương như vậy.” – trích dẫn phỏng vấn trên Vietnamnet của Phương Uyên (18 tuổi), thành viên nữ trong nhóm có 12 người và 4 người thiệt mạng tại bãi biển Mũi Né, Bình Thuận. Ở các bãi biển du lịch đều có những quy định nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi vui chơi, tắm biển. Tuy nhiên, trước những con số báo động về số người thiệt mạng khi tắm biển trong thời gian qua thì lại đặt ra dấu hỏi lớn về công tác cứu hộ.
Sau vụ việc thương tâm, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã ra công văn khẩn về công tác quản lý phòng chống đuối nước, trọng tâm là các khu vực bờ biển. Tăng cường các trang thiết bị, nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc tuyển chọn nhân viên cứu hộ và kinh phí cho các trang thiết bị đã làm chậm hơn tiến độ của việc thực hiện quyết định này.
Các địa phương cần đầu tư nhân lực, vật lực cứu hộ, cứu nạn (Ảnh: Báo mới)
Ở một số bãi biển khác thuộc thành phố Nha Trang, phương tiện sử dụng dưới nước như những chiếc mô tô đã được trang bị, phục vụ nhu cầu giải trí của du khách cũng như giúp đội ngũ nhân viên ứng phó kịp thời khi xảy ra các sự cố. Song, trên thực tế, do điều kiện tự nhiên, bờ biển dài, nguồn lực hạn hẹp nên khả năng cứu hộ còn bị giới hạn. Phải đến khi các sự cố xảy ra thì lực lượng cứu hộ, cơ quan chức năng mới phát hiện và nâng cao việc cảnh báo, phòng ngừa tại khu vực đó.
Ngày nay, vấn đề về công tác cứu hộ nhất là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ ở đâu khi sự cố xảy ra đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn còn rất nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi tắm tại các bãi biển du lịch thì mỗi người cần nâng cao ý thức, nhận biết và tránh tắm tại các khu vực cảnh báo nguy hiểm.
Theo ANTĐ