Hàng loạt sai phạm có ‘tính hệ thống’ của Tập đoàn Bảo Việt

Năm 2014, hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt bị khởi tố vì nhiều sai phạm, gây thoát số tiền lớn cho Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, tập đoàn này cũng đang “lùm xùm” trong việc bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt vì khai “man” thuế, có dấu hiệu vi phạm đấu thầu, nhiều dự án đất vàng chậm triển khai…

Khai “man” thuế, bị xử phạt truy thu

Ngày 05/8/2019, Tập đoàn Bảo Việt buộc phải có văn bản công bố thông tin về việc bị xử lý vi phạm về thuế gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 29/7/2019, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Bảo Việt với mức phạt là hơn 40 triệu đồng.

Quyết định xử phạt của Cục Thuế Hà Nội.

Nội dung quyết định xử phạt của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ, Tập đoàn Bảo Việt do ông Đỗ Trường Minh đại diện theo pháp luật trên cương vị là Tổng giám đốc đã có hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh số thuế phải nộp theo quy định. Số tiền tập đoàn Bảo Việt bị phạt là hơn 40,4 triệu đồng.

Cùng với đó, Tập đoàn Bảo Việt còn phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu là hơn 202 triệu đồng. Do Tập đoàn Bảo Việt đã nộp khoản tiền này trước khi quyết định xử phạt được ban hành nên đơn vị này chỉ còn phải nộp số tiền phạt.

Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều đáng nói là trong năm 2018, tại cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) đã đứng đầu cả 3 hạng mục giải: Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất của nhóm Large Cap; Top 5 doanh nghiệp có báo cáo quản trị công ty tốt nhất và Giải nhất Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất.

Ông Đỗ Trường Minh – Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt từng cho biết: “Bảo Việt luôn chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan; thông qua đó, chúng tôi đã nhìn nhận và đánh giá được những hoạt động DN triển khai vừa qua, từ đó xây dựng định hướng hoạt động bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo”.

Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 13.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế và Tập đoàn Bảo Việt cũng nằm trong danh sách những đơn vị bị cưỡng chế thuế.

Chính việc bị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ra thông báo về cưỡng chế thuế nhưng vẫn được giải bình chọn cao khiến giới đầu tư nghi ngại về “giá trị” của những giải thưởng mà Bảo việt nhận được.

Nhà thầu quen thuộc, đấu thầu 100 tỷ đồng, tiết kiệm được… 20 triệu đồng

Ngày 19/4/2017, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt có Quyết định số 625/2017/QĐ- TĐBV về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà văn phòng – Trụ sở Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt Insurance) tại số 07 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sau khi thành lập các ban bệ để thực hiện dự án trên thông qua đấu thầu lựa chọn nhà thầu, ngày 4/4/2019 ông Nguyễn Xuân Việt – Tổng Giám đốc Bảo Việt Insurance ký quyết định số 1919/QĐ-BHBV lựa chọn Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây lắp Thăng Long (địa chỉ tại nhà liền kề L3.03, 430 phố Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu gói thầu: Kết cấu phần thân và kiến trúc. Giá trúng thầu của nhà thầu trên là hơn 68,7 tỷ đồng.

Dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT do Tập đoàn Bảo Việt và SCIC làm chủ đầu tư

Điều đáng nói, việc Công ty Thăng Long trúng thầu với giá 68,7 tỷ đồng chỉ giúp Bảo Việt Insurance tiết kiệm được… 10 triệu đồng.

Trước đó, ngày 21/5/2018, ông Nguyễn Xuân Việt khi đó là quyền Tổng Giám đốc Bảo Việt Bảo Insurance cũng ký Văn bản số 4933/QĐ-BHBV thông báo lựa chọn cái tên quen thuộc là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây lắp Thăng Long trúng thầu gói thầu: kết cấu phần ngầm (thuộc dự án Tòa nhà VP-Trụ sở làm việc các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Bảo Việt và văn phòng cho thuê) với giá trúng thầu là 37,8 tỷ đồng. Gói thầu này cũng giúp Bảo Việt Insurance tiết kiệm được hơn… 10 triệu đồng

Như vậy, Công ty Thăng Long là đơn vị duy nhất trúng hai gói thầu với tổng trị giá lên đến trên 100 tỉ đồng, nhưng chỉ tiết kiệm được cho chủ đầu tư khoảng trên… 20 triệu đồng.

Nhiều dự án đất vàng đắp chiếu?

Tập đoàn Bảo Việt đang sở hữu nhiều dự án “đất vàng” tại Hà Nội. Song nhiều năm qua các dự án này đều trong tình trạng “phủ mền, đắp chiếu” cả chục năm qua.

Có thể kể đến như, dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Tháp Tài chính Quốc tế IFT có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.

Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%.

Thế nhưng, nhiều năm qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc. Trong khi, SCIC đã đầu tư gần 200 tỷ vào dự án này, còn theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án.

Phối cảnh dự án Seven Star

Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.  Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng.

Hơn 7 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.

Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, có ý kiến chính thức về việc miễn giảm 50% tiền thuê đất cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt năm 2012; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/4/2018.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Cục thuế thành phố Hà Nội thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng 4/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Trọng Phúc (53 tuổi, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt), Trần Minh Thái (39 tuổi, nguyên kế toán chuyên quản Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt), Tạ Văn Cần (52 tuổi, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt).

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn. Việc khám xét đối với các bị can được thực hiện vào chiều 21/4/2014. Các cá nhân này bị khởi tố để điều tra hành vi liên quan đến những sai phạm tại Công ty Bảo Việt Bến Tre từ năm 2009.

Giai đoạn từ 2009, theo quy định của pháp luật, việc thực hiện bảo hiểm xe cơ giới không được chi hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý.

Tuy nhiên từ năm 2009-2011, Công ty Bảo Việt Bến Tre vẫn duyệt chi hoa hồng cho đại lý với số tiền lên đến khoảng 4,5 tỉ đồng. Việc duyệt chi này diễn ra trong một thời gian dài nhưng các bị can trên không kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình để xử lý. Khi công ty này trình lên, các bị can vẫn xem xét, duyệt quyết toán cho việc chi hoa hồng, dẫn đến thất thoát tiền của Nhà nước.

Cuối năm 2010, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra về việc sử dụng vốn tại Tập đoàn Bảo Việt. Qua thanh tra cho thấy, Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm.

Thanh tra Chính phủ đánh giá, Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt (thuộc Tập đoàn Bảo Việt) và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng “thả gà ra đuổi” như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Cty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Cty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến lúc thanh tra vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi Cty này đã nộp đơn xin phá sản.

Kiểm tra xác suất một số hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại một số Cty bảo hiểm trực thuộc Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy, nhiều hồ sơ được bồi thường trái nguyên tắc. Đơn cử: Kiểm tra 11 hồ sơ bồi thường bảo hiểm hàng hóa cho Cty Thương mại XNK Thanh Lễ (Bình Dương) và 2 hồ sơ bảo hiểm hàng hóa cho Cty TNHH Vedan Việt Nam (Đồng Nai) phát hiện có việc sửa đổi bổ sung đơn bảo hiểm về tên tàu vận chuyển, số vận đơn, số lượng hàng, giá cả được thực hiện khi việc bốc dỡ lên tàu đã hoàn thành…

Ngoài những sai sót trên, TTCP còn yêu cầu Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt và các đơn vị thành viên chấn chỉnh ngay những khuyết điểm khác về thủ tục, trình tự thực hiện bồi thường bảo hiểm…

Qua kiểm tra hoạt động đầu tư tài chính, TTCP phát hiện, từ năm 2007 – 2009, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua 680 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Vinashin (bao gồm cả số trái phiếu Cty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt mua theo ủy thác của quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt). Trong đó, giá trị mệnh giá trái phiếu đáo hạn trong các năm 2012, 2013 là 200 tỷ đồng; trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 là 480 tỷ đồng.

Tuy nhiên, loại trái phiếu của Vinashin mà Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên đã đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm.

Cơ quan chức năng nhận định, ngay khi đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12/2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các Cty con mắc kẹt tại đây.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số Công ty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31.12.2009, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập. Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra việc kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, bất động sản, vui chơi giải trí của Bảo Việt.

Danh Kiên – Anh Tú/TBCK


  • TAGS: