10 năm gánh nợ chục nghìn tỷ, Bầu Đức quyết trả hết để thoát khỏi ngân hàng

Từng là đại gia đi đầu trong lĩnh vực bất động sản, người giàu nhất nhì sàn chứng khoán, người hiếm hoi ở Việt Nam mua máy bay riêng nhưng rồi bầu Đức lâm cảnh nợ nần suốt chục năm trời. Ông đã phải cật lực làm việc, bán nhiều tài sản quyết tâm trả hết nợ.

10 năm gánh nợ chục nghìn tỷ, Bầu Đức quyết trả hết để thoát khỏi ngân hàng

Sai lầm dẫn đến mang nợ

Xuất phát là một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh từ năm 2002 với mảng cao su, tài chính, bóng đá và đặc biệt là bất động sản.

Năm 2002, HAGL thành lập Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường bất động sản. HAGL từng sở hữu loạt khách sạn - du lịch lớn trải nhiều tỉnh, thành.

Trong vài năm sau đó, bất động sản trở thành lĩnh vực chủ lực của HAGL và luôn dẫn đầu trong doanh thu hàng năm. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HAGL cũng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2008-2009 với túi tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhưng từ 2009, bầu Đức tuyên bố từ bỏ bất động sản. Ngay năm đó, HAGL đã "bán tháo" một số dự án tại TP.HCM với mức giá không tưởng.

Năm 2010, HAGL đã bán chi nhánh khu nghỉ dưỡng HAGL Resort Quy Nhơn cho bên thứ ba với giá bán là 175 tỷ đồng. Đến năm 2012, HAGL bán HAGL Resort Đà Lạt.

Cũng từ 2012 trở đi, bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản, bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. 

Từ năm 2012, HAGL bắt đầu quá trình “nông nghiệp hóa” với việc trồng cao su, mía và xây dựng nhà máy sản xuất đường, trồng thử nghiệm cây cọ dầu. Bầu Đức nổi tiếng với tuyên bố "bán nhà cũng phải trồng cao su".

Năm 2013, HAGL đầu tư sang thị trường Myanmar, khởi công dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại thành phố Yangoon với tổng vốn đầu tư là 16.000 tỷ đồng.

Dù mang nhiều kỳ vọng nhưng cuối cùng HAGL vẫn quyết định "buông tay" với dự án HAGL Myanmar Center, “nhường lại” cuộc chơi bất động sản tại Myanmar cho Tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương.

Việc song song phát triển dự án bất động sản ở nước ngoài và làm nông nghiệp, nợ của HAG ngày càng bành trướng, đỉnh điểm là giai đoạn 2015-2016, nợ vay của HAGL vượt ngưỡng 27.000 tỷ đồng, chiếm quá bán tổng tài sản.

Trong mười mấy năm sau quyết định dứt tình với bất động sản, bầu Đức liên tục gặp khó khăn do làm nông nghiệp quy mô lớn không thuận lợi. Nợ nần đeo bám ông suốt nhiều năm.

Để tái cơ cấu, đại gia phố núi cũng liên tục bán nhiều dự án thủy điện, các công ty con thuộc nhóm cao su Đông Dương, Đông Pênh Agrico, cao su Trung Nguyên để giải quyết nhu cầu thanh khoản. Đáng chú ý, năm 2021, HAGL quyết định bán HAGL Agrico cho Thaco với giá 9.095 tỷ đồng.



Quyết tâm dứt nợ của bầu Đức

Trong nhiều cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư, bầu Đức thường nhắc đến "trả hết nợ" như một nhiệm vụ bắt buộc đến năm 2025.

Tại hội nghị gần đây nhất (ngày 15/12), bầu Đức đã thông tin về kế hoạch trả nợ vay và xóa lỗ lũy kế. Bầu Đức thừa nhận bản thân là người có nợ lớn, hiểu cảm giác của người mang nợ, hiểu cảm giác của người mất thanh khoản.

Tự nhận là người đi từ thấp nhất lên đỉnh cao năm 2007-2012 rồi "thất bại, xuống âm phủ ngồi cho người ta khinh", ông Đức hiểu cảm giác nợ bị ngân hàng quấy rầy. Ông nói là "nhục lắm, nếu có lòng tự trọng".

Theo chia sẻ của bầu Đức, năm 2016, HAGL nợ đến 28.000 tỷ đồng, giờ còn nợ 6.000 tỷ đồng.

"Ưu tiên số 1 của HAGL là trả nợ. Chúng tôi nỗ lực tháng 6/2024 sẽ xóa lỗ lũy kế, năm 2026 sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động", bầu Đức khẳng định.

Nếu theo đúng kế hoạch thì đến tháng 6/2024, HAGL sẽ xóa lỗ lũy kế, nghĩa là trong 2 quý đầu năm sau HAGL sẽ lãi một khoản tương ứng 1.200 tỷ đồng - gấp ba lần kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023.

Để chuẩn bị cho nguồn tài chính trả nợ, ông Đức cho biết đã làm việc với một ngân hàng để đàm phán trả nợ trước hạn. Đồng thời, bầu Đức dự định sẽ bán Bệnh viện Đại học Y Dược - HAGL với giá 180 tỷ đồng.

Trước đó, HAGL đã liên tục công bố thông tin về việc xử lý các khoản nợ, cơ cấu nợ.

Mới đây, Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (công ty con của HAGL) đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

HAGL cũng đã thanh toán 200 tỷ đồng nợ gốc lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26. Số tiền này đến từ việc thu nợ của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Ngoài ra, HAGL cũng bán khách sạn HAGL thu về 180 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến để trả nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Khách sạn này được xem là bất động sản thương mại lớn cuối cùng của công ty bầu Đức. Việc này đồng nghĩa bầu Đức cũng chính thức “đoạn tuyệt” và xóa đi ký ức về một thời vàng son với lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh việc bán tài sản, thu nợ, HAGL có kế hoạch chào bán cổ phiếu để huy động vốn, dự kiến thu về 1.300 tỷ đồng, từ 3 nhà đầu tư gồm Chứng khoán LPBank, Tập đoàn Thaigroup và nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Đức Quân Tùng.

Dự kiến, tiền huy động được sẽ thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu trị giá 330,5 tỷ đồng, cơ cấu lại các khoản nợ vay 269 tỷ đồng tại TPBank và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).

Đi kèm với những thông tin về nhà đầu tư mới, thị trường chứng khoán chứng kiến lại chuỗi ngày tăng giá ấn tượng của cổ phiếu HAG của bầu Đức.

Trong vòng 2 tháng, thị giá HAG vượt qua mệnh giá và hướng tới vùng cao nhất 1 năm. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (15/12), giá cổ phiếu HAG đạt 13.050 đồng/cp, tăng gần 70% kể từ đầu tháng 10 đến nay.

Theo Vietnamfinance


  • TAGS: