Gần 7.400 m2 đất vàng Nha Trang được

Thanh Yến Corp được chỉ định loạt dự án BT với tài sản đối ứng là các khu đất có giá trị rất cao ở Nha Trang đã gây ra nhiều dị nghị trong dư luận Khánh Hòa thời gian qua.

 

nhadautu - du an gold coast Nha Trang cua CTCP Thanh Yen

Gần 7.400 m2 đất vàng Nha Trang được "hô biến" về tay Thanh Yến Corp 

Dự án Trường Chính trị

Ngày 16/2/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-UBND về việc thu hồi 7.388,9 m2 đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa để thực hiện dự án hoàn vốn khi thực hiện dự án Trường Chính trị tỉnh theo hình thức Hợp đồng BT.

Đơn vị được giao, cho thuê gần 7.400 m2 đất nói trên là CTCP Thanh Yến, với mục đích thực hiện dự án Khu phức hợp Thương mại - Dịch vụ - Y tế  - Văn phòng - Khách sạn - Nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 (sau này đổi tên thành dự án Gold Coast Nha Trang).

Thực tế, trước đó gần 1 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận cho Thanh Yến làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Thương mại - Dịch vụ - Y tế - Văn phòng - Khách sạn - Nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 trên khu đất trên. 

Đáng chú ý, Thanh Yến chỉ phải chi vỏn vẹn khoảng 123 tỷ đồng để sử dụng khu đất này trong 50 năm, căn cứ theo Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 về phê duyệt giá đất thực hiện dự án của UBND tỉnh Khánh Hòa, mức giá đất được tính là gần 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở và hơn 7,8 triệu đồng/m2 đối với đất sản xuất kinh doanh, trong khi giá thực tế của thị trường cao hơn rất nhiều lần.

Không dừng lại ở đó, khu Trường Chính trị Khánh Hòa (mới) ở xã Phước Đồng vẫn chưa thể hoàn thành khi còn thiếu ký túc xá. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi 18.000 m2 tại Khu C thuộc dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia tại Vĩnh Hòa Nha Trang để hoàn vốn cho hợp đồng BT xây dựng hạng mục ký túc xá cho trường.

Được biết, các khu đất này đều có vị trí đắc địa khi nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng và đường ven vịnh Nha Trang, được coi là "đất vàng" nhưng tỉnh định giá chỉ 4,7 - 9,8 triệu đồng/m2 đối với đất ở.

Các quyết định của UBND Khánh Hòa không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Đặc biệt, “lai lịch” của CTCP Thanh Yến thời điểm đó vẫn là một ẩn số.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, CTCP Thanh Yến (được đề cập trong các Quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa) được thành lập vào ngày 30/5/2005, đóng trụ sở tại ấp 5, xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức, Long An). Người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn Đệ (sinh năm 1960), thường trú tại Quận Thủ Đức, TP.HCM.

Được biết, ông Võ Văn Đệ cũng từng có thời gian là Người đại diện theo pháp luật CTCP Thanh Yến (có trụ sở tại TP.HCM).

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, 2 doanh nghiệp này là các thành viên của Thanh Yến Group - một tập đoàn tư nhân lớn ở khu vực phía Nam.

Hệ sinh thái Thanh Yến Group

Thanh Yến Group - tập đoàn gắn liền với tên tuổi của vợ chồng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Xuân Loan (con gái cố doanh nhân Tư Hường, người sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam Á Bank) - là doanh nghiệp có "số má" trong lĩnh vực địa ốc, với hàng chục dự án, tiêu biểu như: GoldCoast (Nha Trang), Nha Trang Center (Nha Trang), Thanh Đa View (TP.HCM), Trung tâm thương mại Quy Nhơn, Trung tâm thương mại Nha Trang, Cao ốc căn hộ Thanh Yến - Bình An, Cao ốc căn hộ Thanh Yến Nhà Bè, Khu du lịch sinh thái Ba Hồ, Khu du lịch suối nước nóng Trường Xuân….

Ở lĩnh vực khu công nghiệp, Thanh Yến cũng ghi dấu ấn với các dự án: Khu công nghiệp Nhựt Chánh (Bến Lức Long An).

Ngoài ra, Thanh Yến Group còn nhiều thành viên hoạt động trong các lĩnh vực như: Xây dựng công nghiệp và dân dụng, sản xuất và mua bán vật liệu xây dựng, sản xuất và chế tác đá granite, marble, cho thuê mặt bằng khu công nghiệp, văn phòng, kho bãi, nhà xưởng…..

Hạt nhân cốt lõi vẫn là CTCP Thanh Yến. Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, CTCP Thanh Yến thành lập vào ngày 16/9/2010, đóng trụ sở tại 07 Thanh Đa, phường 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Được biết, ông Võ Văn Đệ từng là Người đại diện theo pháp luật công ty từ cuối tháng 3/2016. Đến ngày 17/2/2017, ông Lê Đình Trí - chồng bà Nguyễn Thị Xuân Loan, thay ông làm Người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, ông cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty.

Tuy vậy, ông Trí chỉ nắm 10% vốn CTCP Thanh Yến, 90,91% vốn còn lại do ông Lê Anh Tuấn sở hữu. Được biết, ông Tuấn đang là Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Vận tải Phương Mai. 

Tính đến đầu năm 2019, CTCP Thanh Yến có mức vốn điều lệ đạt 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, CTCP Thanh Yến cũng đang nắm số cổ phần chi phối lớn tại nhiều đơn vị như Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong (99% - vốn điều lệ: 100 tỷ), Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite (99,3% - vốn điều lệ: 150 tỷ), Công ty TNHH Indochina Stone Việt Nam (99,3% - vốn điều lệ: 110 tỷ) và CTCP Đầu tư Kinh doanh bất động sản Thanh Yến (89% - vốn điều lệ: 50 tỷ).

Người đại diện theo pháp luật CTCP Thanh Yến - ông Lê Đình Trí, hiện cũng đang đứng tên cho CTCP Thanh Yến - Vân Phong (vốn điều lệ: 150 tỷ đồng), một thành viên khác của hệ sinh thái Thanh Yến. Cổ đông sáng lập doanh nghiệp gồm: CTCP Thanh Yến (96%), ông Lê Đình Trí (2%) và vợ là bà Nguyễn Thị Xuân Loan (2,67%). Tuy vậy, các cổ đông này hiện đã thoái hết vốn.

Một lãnh đạo cấp cao trong hệ sinh thái Thanh Yến - bà Diệp Chi Minh Thi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite, hiện cũng đang đứng tên cho CTCP Du lịch Hoàn Cầu (vốn điều lệ 24,01 tỷ đồng).

Các đơn vị còn lại hoạt động lĩnh vực chủ đạo như vận tải hàng hóa, sản xuất bê tông, chế biến, cắt tạo dáng đá,…. có thể kể đến như: CTCP Chế biến Đá Việt (vốn điều lệ: 50 tỷ đồng), Công ty TNHH Thanh Yến Nha Trang (vốn điều lệ: 35 tỷ đồng), CTCP IBS (vốn điều lệ: 80 tỷ đồng), CTCP Bê tông IBS (vốn điều lệ: 150 tỷ đồng) và CTCP Thanh Yến - Long An (vốn điều lệ: 400 tỷ đồng)

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) vừa qua đã vào làm việc tại Khánh Hòa và công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Theo UBKTTW, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều lãnh đạo tỉnh đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ngoài ra, UBKTTW đánh giá, các vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước".

Được biết, một trong các vi phạm lớn của UBND tỉnh Khánh Hòa là các dự án BT đổi nhiều "đất vàng" lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước rất lớn.

Theo Nhà đầu tư 


  • TAGS: