Dù chủ đầu tư Dự án Vũng Tàu Paradise đã hết thời hạn hoạt động gần 2 năm và vẫn đang nợ “khủng”, nhưng không dễ để chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể sớm thu hồi dự án này.
Hàng chục năm qua, chủ đầu tư Vũng Tàu Paradise đã khai thác quỹ đất 220 ha, trong đó có 1 sân golf, 2 khu khách sạn, nhà hàng...
Nợ hơn 120 tỷ đồng
Trao đổi với phóng viên vào cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận, lãnh đạo tỉnh này vừa họp với các ngành chức năng để trao đổi các vấn đề có liên quan đến Dự án Vũng Tàu Paradise. Tại cuộc họp này, thông tin được Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra khiến không ít người giật mình. Đó là, tính từ năm 2004 đến cuối năm 2017, các khoản lỗ lũy kế của chủ đầu tư Dự án là gần 44 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn đang nợ tiền thuê đất lên đến gần 80 tỷ đồng.
Dự án Vũng Tàu Paradise được cấp phép từ tháng 4/1991 do Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan) và Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 97,2 triệu USD, trong đó, phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất của 220 ha, phía nước ngoài góp 75%. Dự án tọa lạc ở khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu với nhiều hạng mục như sân golf 27 lỗ rộng 130 ha, khu thể thao dưới nước, khu khách sạn 500 phòng, khách sạn 38 phòng, công viên giải trí... và có thời hạn hoạt động 25 năm.
Theo phản ánh của ngành chức năng, đến nay tại Dự án, việc góp vốn không đủ so với quy định, song trong cả quá trình hoạt động, các bên chưa bao giời ngồi lại để thống nhất về phần vốn thực góp.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ khi Dự án hết thời hạn hoạt động, đã có rất nhiều cuộc họp, song chưa bao giờ thấy sự có mặt của Vũng Tàu Intourco. Từ vấn đề này, ông Long chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính chủ trì và kiểm tra lại hồ sơ góp vốn ngay từ ban đầu của Dự án và mời đại diện Vũng Tàu Intourco đến làm việc, xử lý các vấn đề có liên quan.
Vượt thẩm quyền của tỉnh
Theo quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành, khi dự án hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép mà cơ quan quản lý không đồng ý việc gia hạn, thì dự án phải chấm dứt hoạt động và tự thanh lý tài sản gắn liền với đất. Trong thời hạn 12 tháng, nếu nhà đầu tư không tự thanh lý tài sản gắn liền với đất kể từ ngày bị thu hồi đất, thì chính quyền ra quyết định thu hồi đất, tổ chức thanh lý tài sản gắn liền với đất.
Trong trường hợp của Vũng Tàu Paradise, thời điểm Dự án hết thời hạn hoạt động theo giấy phép, nhà đầu tư đề xuất việc gia hạn, song chính quyền đã không đồng ý. Lý do là, nhà đầu tư không chứng minh được năng lực tiếp tục dự án. Việc thu hồi Dự án sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác có năng lực và sẵn sàng đầu tư.
Ông Hải cho biết, năm 2017, sau thời điểm Dự án hết hạn hoạt động, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gia hạn 3 tháng để chủ đầu tư bảo quản tài sản và thực hiện các thủ tục thanh lý dự án theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn gia hạn của tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi chính quyền tỉnh có ý kiến về việc đề nghị gia hạn cho Dự án thêm 2 năm để xử lý các vấn đề có liên quan. Trong khi tỉnh còn chưa biết giải quyết thế nào và thực tế đến nay cũng chưa có văn bản chính thức về việc đồng ý gia hạn 2 năm cho Dự án, thì mới đây, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư tại Vũng Tàu Paradise. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng giải quyết những vấn đề liên quan đến Dự án.
“Dự án này đã vượt thẩm quyền xử lý và giải quyết của tỉnh, nên chúng tôi đang rà soát số liệu, các vấn đề có liên quan… để làm việc với các cơ quan của Trung ương”, ông Hải cho biết.
Theo Vietnamfinance