Nhiều chủ đầu tư tổ chức lễ mở bán sản phẩm với quy mô hoành tráng, nhưng sau khi bán được hàng lại không có động thái xây dựng.
Sự thật trái ngược
Một trong những dự án chấm tiến độ khác ở TP. HCM là Dream Home Riverside (P.7, Q.8) do Công ty CP Nhà Mơ làm chủ đầu tư. Sau gần 2 năm đóng tiền cọc mua nhà tại dự án này, cho tới nay Công ty CP Nhà Mơ vẫn chưa thi công xong phần mỏng tại mảnh đất rộng hơn 5ha.Dự án được làm lễ động thổ và mở bán vào tháng 3/2016, dự kiến sẽ bàn giao nhà vào quý 1/2017. Tuy nhiên, sau đó dự án không có dấu hiệu thi công triển khai xây dựng. Đến nay, sau hơn 3 năm “án binh bất động” lại xuất hiện tên dự án mới là Metro Star, với phân khúc thay đổi từ trung bình, giá rẻ sang cao cấp.
Theo tìm hiểu, dự án dự án Dream Home Riverside đã rầm rộ chào bán, giao dịch từ khoảng cuối năm 2017. Dự án Dream Home Riverside được chủ đầu tư quảng bá rất hoành tráng như thiết kế theo phong cách châu Âu sang trọng, hiện đại, nằm gần giao lộ Nguyễn Văn Linh – Phạm Thế Hiển. Dự án có 3 toà chung cư gồm Emerald, Diamond Center, Sapphire (mỗi tháp 2 block), cung cấp hơn 2.000 căn hộ…
Tuy nhiên, chưa đủ điều kiện để huy động vốn nhưng chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã giới thiệu sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2017 và nhận giữ chỗ với số tiền đặt cọc là 50 triệu/căn, sau đó kí hợp đồng cọc đóng thêm từ 10 đến 15% giá trị căn hộ (tùy theo đợt bán hàng).
Đến đầu tháng 5/2020, khu đất xây dựng dự án Dream Home Riverside mới chỉ ở giai đoạn đào móng. Phần lớn diện tích khu đất vẫn trong tình trạng cỏ mọc um tùm… Trong khi đó, đơn vị phân phối bán hàng vẫn treo các tấm biển quảng cáo về dự án để mời gọi người mua.
“Đầu năm 2018, khi tôi tìm hiểu mua nhà của dự án này thì nhân viên của DKRS giới thiệu rằng dự án đã hoàn chỉnh thủ tục pháp lý và đủ điều kiện mở bán. Được giới thiệu như vậy nên chúng tôi tin tưởng và xuống tiền đặt cọc. Thế nhưng bây giờ dự án vẫn án binh bất động”, một khách hàng cho biết.
Hiện đã có những khách hàng đóng đến vài trăm triệu đồng nhưng vẫn trong tình trạng chờ đợi để được ký hợp đồng mua bán khi dự án thi công xong phần móng. Bởi cho tới thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chưa được Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Dự án Dream Home Riverside của Công ty CP Nhà Mơ liên tục trễ hẹn với khách hàng suốt 3 năm qua. (Ảnh VNN)
Theo tìm hiểu của Đất Việt, hiện nay, trên thị trường BĐS Việt Nam, khi triển khai các dự án hàng nghìn tỷ thì không có mấy chủ đầu tư sẵn tiềm lực tài chính để triển khai các dự án lớn như vậy, con số làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, các chủ đầu tư cố tình lách luật để huy động vốn bất chấp pháp luật.
Chủ đầu tư quên quy định?
Thế nên, hiện tại có rất nhiều rủi ro cho người mua nhà. Đó là dự án không được triển khai, dự án bị thu hồi, hoặc phổ biến nhất là dự án chậm tiến độ. Tất cả thiệt hại đổ lên vai khách hàng, lúc này khách hàng đã bị đẩy vào thế… đã rồi.
Nói về việc nhiều dự án dù đã bán sản phẩm hình thành trong tương lai với khách hàng nhưng lại chưa tiến hành xây dựng dự án, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những điều luật về kinh doanh bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai đã quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, để huy động được vốn, dường như chủ đầu tư đã “quên” những điều luật này. Và khi xảy ra rủi ro, người chịu “trái đắng” luôn là khách hàng.
“Ở đây cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước, người mua nhà, đầu tư thứ cấp cần tìm hiểu kỹ về uy tín của chủ đầu tư, pháp lý dự án và đặc biệt là hợp đồng ký kết với bên bán nhà để hạn chế rủi ro”, ông Châu nói.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định chỉ khi nào dự án làm xong móng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn.
Tuy nhiên trên thực tế một số chủ đầu tư đã lách luật bằng hình thức đặt cọc, giữ chỗ, đây thực chất là một hình thức huy động vốn trá hình khi dự án chưa đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán. Ở một số dự án, số tiền đặt cọc lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí bằng 50% giá trị hợp đồng mua bán nhà.
Dù là thỏa thuận dân sự giữa khách hàng và chủ đầu tư nhưng thực tế cho thấy đây là một sự biến tướng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi dự án chậm tiến độ so với cam kết.
Luật sư Phượng cho rằng, để khắc khắc phục tình trạng chủ đầu tư chây ỳ, “quên” xây nhà trả khách, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt thu hồi dự án. Phần nào thiệt hại của người dân thì phải tính toán cụ thể để bắt chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả. Ngoài ra “ghi sổ đen” chủ đầu tư thiếu năng lực để không giao dự án mới.
Nguồn Báo Đất Việt: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/tu-van-dau-tu/du-an-bds-tphcm-quang-cao-ram-ro-roi-lam-bai-hoang-3401881/