Đúng như phản ánh của người dân địa phương về việc Công ty Cổ phần DRH Holdings dùng cát mặt san lấp mặt bằng tại dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (dự án Lạc Việt), mới đây đại diện chủ tư dự án đã lên tiếng thừa nhận sự việc và cho rằng đã nhận được sự đồng ý từ cơ quan chức năng.
Liên quan đến vụ việc Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) trong quá trình san lấp mặt bằng, đã sử dụng cát biển để thi công, ngày 19/3, PV Báo Kinh tế & Đô thị VPĐD TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Tân, Giám đốc Đối ngoại & Truyền thông DRH Holdings.
Theo đó, dự Lạc Việt được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 ngày 16/4/2018. Chủ đầu tư trên giấy phép là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt. Đến thời điểm hiện tại, dù công ty Danh Việt vẫn đang là chủ đầu tư trên giấy tờ, nhưng DRH Holdings mới là “chủ nhân” thực sự của dự án này.
DRH Holdings cho rằng được cấp phép dùng cát mặn san lấp mặt bằng dự án Lạc Việt?
Tại buổi làm việc, ông Tân nhấn mạnh vì thời gian gần đây chưa ra dự án nên không nắm được tình hình thực tế. Tất cả những thông tin ông sẽ trao đổi đều dựa trên những phản hồi từ khối quản lý dự án ngoài Bình Thuận gửi vào. Riêng những vấn đề nào có liên quan đến văn bản giấy tờ thì ông Tân sẽ đại diện công ty cung cấp đầy đủ từng văn bản, từng giấy tờ cụ thể.
Hơn nữa, ông Tân thừa nhận việc công ty sử dụng cát mặn trong quá trình san lấp mặt bằng tại dự án Lạc Việt. Đồng thời khẳng định, việc làm này đã được pháp luật quy định và cho phép.
Chứng minh cho lời mình vừa nói, ông Tân cung cấp PV văn bản số 2377/QĐ-UBND Bình Thuận ngày 12/9/2018 Quyết định về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên, văn bản này chỉ được trích lục 2 trang, khi PV đề nghị cung cấp đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì ông Tân từ chối.
Điều đáng nói là, trong văn bản mà ông Tân cung cấp không có bất cứ nội dung nào thể hiện việc DRH Holdings được cơ quan chức năng cho phép sử dụng cát mặn san lấp mặt bằng tại dự án Lạc Việt.
PV tiếp tục đề nghị ông Tân cung cấp giấy phép của cơ quan chức năng thì lúc này ông Tân lại lẩn tránh khi cho hay không hiểu bản chất của việc dùng cát mặn và cát thông thường, đồng thời yêu cầu phóng viên dừng hỏi tiếp, ông Tân hứa sẽ trả lời cụ thể vào một buổi làm việc khác.
Thông tin từ ông Tân cũng cho biết, trong quá trình thi công dự án, phía chủ đầu tư có thuê một số đơn vị tại địa phương để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, trước tết, có một nhà thầu phụ khai gian về giấy phép hoạt động với ban quản lý dự án nên khi vừa đưa máy móc xuống đã bị công an tại khu vực áp tải không cho hoạt động.
Vô can trong việc bồi lấp cửa biển sông chùa?
Ngoài việc sử dụng cát mặn san lấp mặt bằng, phía DRH Holdings còn bị người dân địa phương tố cáo trong quá trình hút cát san lấp mặt bằng và thi công dự án Lạc Việt đã khiến một phần cửa biển sông Chùa bị bồi lấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng ven dự án.
Anh T, một hộ dân sống gần khu vực dự án bức xức: “Cửa biển sông Chùa là tài sản quốc gia, không phải là của riêng của chủ đầu tư dự án Lạc Việt. Quá trình xây dựng của họ đã khiến một cửa biển rộng lớn như vậy bị bồi lấp có những đoạn chỉ còn vỏn vẹn vài mét, điều này khiến cho tàu thuyền qua lại khó khăn, công việc đánh bắt của ngư dân chúng tôi cũng bị trợ ngại không còn thuận lợi như trước”.
Phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc trên, cũng trong buổi làm việc ngày 19/3, ông Tân trả lời rằng ban quản lý dự án Lạc Việt khẳng định không có việc bồi lắp cửa biển sông Chùa, và ngỏ ý mời PV đi thực địa tại dự án cùng phía chủ đầu tư để sự việc được sáng tỏ và khách quan.
Đồng ý với lời mời của DRH Holdings, sáng ngày 21/3, phóng viên đã có buổi đi thực địa xuống dự án Lạc Việt tại tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cùng đại diện của chủ đầu tư.
Tại đây, phía chủ đầu tư cho biết đây là lần đầu tiên xuống dự án nên sẽ giới thiệu một người trong ban quản lý dự án tại địa phương, vị này trực tiếp dắt phóng viên đi tham quan và đại diện Ban quản lý dự án giải đáp mọi thắc mắc.
Tuy nhiên, PV chỉ về phía cửa biển sông Chùa và đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao cửa biển này bị bồi lấp, thì vị này cho hay không biết đó là cửa biển sông Chùa và thậm chí cũng không biết cửa biển đó có tên là sông Chùa, nên không thể trả lời được câu hỏi của phóng viên.
PV tiếp tục hỏi về nguồn gốc cát mặn đang được sử dụng cho việc san lấp mặt bằng tại dự án thì vị này tiếp tục không có câu trả lời khi cho rằng không phải Trưởng ban quản lý dự án nên cũng không nắm được thông tin gì để cung cấp cho báo chí. Lúc này, PV đề nghị được làm việc trực tiếp với Trưởng ban quản lý dự án thì được thông báo trưởng ban đang đi vắng.
Theo ghi nhận của PV trong sáng ngày 21/3, việc san lắp mặt bằng tại dự án hiện đã gần hoàn thiện, tuy nhiên hệ thống đường ống bơm cát vẫn chằng chịt trên khắp dự án.
Nghiêm cấm sự dụng cát mặn trong xây dựng
Ông Nguyễn Trọng Văn (Kĩ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, tuyệt đối không được dùng cát mặn trong xây dựng vì khi dùng cát mặn có thể khiến công trình bị rỉ sắt thép, làm giảm sức bền, tạo ra nứt, hoặc gãy công trình sau một thời gian dài sử dụng.
Theo ông Văn, cát nhiễm mặn mang đến nhiều sự cố tiềm ẩn đối với công trình xây dựng. Thông thường, bê tông sẽ có khả năng bảo vệ cốt thép bằng độ dày lớp bê tông và môi trường kiềm bao quanh cốt thép. Lớp bê tông bảo vệ sẽ hạn chế việc thấm nước, ngăn cản sự khuếch tán của các tác nhân ăn mòn.
Nhưng khi sử dụng cát nhiễm mặn có chứa nhiều ion clorua hơn so với cát ngọt sẽ phá vỡ môi trường kiềm bảo vệ quanh cốt thép, gây ăn mòn. Việc ăn mòn cốt thép trong bê tông làm giảm tiết diện ngang của thép, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực.
Về lâu dài, còn tạo thành các vết nứt và bong tróc trên bề mặt bê tông do sự tích tụ gỉ sét quanh cốt thép gây ra. Khi bị nứt, quá trình ăn mòn càng tăng nhanh vì lúc đó hiệu quả bảo vệ của lớp bê tông không còn nữa. Điều này sẽ khiến công trình bị hư hại, có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.
Theo Tieudung.vn