Mặc dù dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng, chưa có bất cứ cơ sở hạ tầng nào nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center (Saigon Land) vẫn tiến hành rao bán, ký hợp đồng và thu tiền từ hàng trăm khách hàng.
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều dự án được các chủ đầu tư “vượt rào” mở bán khi chưa hoàn thiện pháp lý, chưa có cơ sở hạ tầng và chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Liệu rằng, Saigon Land đang cố tình huy động vốn trái phép, đẩy rủi ro về phía khách hàng khi mở bán dự án Khu đô thị Sài Gòn Center chưa có cơ sở hạ tầng? Ảnh: V.D
Cụ thể, tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương) từ cuối năm 2018 đã xuất hiện thông tin quảng cáo rao bán dự án Khu đô thị Sài Gòn Center (Center City 2) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center (SaigonLand) có địa chỉ tại 43 đường D2, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. HCM làm chủ đầu tư.
Vào cuộc tìm hiểu, Dân Việt được biết dự án Sài Gòn Center toạ lạc tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên (Bình Dương), dự án có quy mô gần 10 hecta, bao gồm khoảng 500 nền đất.
Hệ thống thoát nước, cơ sở hạ tầng bên trong dự án chưa có. Ảnh: V.D
Dự án được quảng cáo với những “mĩ từ” như có vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm hành chính thị xã Tân Uyên, liền kề chợ, Trung tâm TDTT, sân Golf và các cụm khu công nghiệp lớn.
Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, chúng tôi ghi nhận dự án nằm khuất sâu bên trong khu công nghiệp Nam Tân Uyên, toạ lạc trên tuyến đường DH402, nơi có lượng xe tải, xe ben chở đất đá thường xuyên qua lại. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người tại địa bàn thị xã Tân Uyên khiến cánh tài xế mệnh danh đây là cung đường “tử thần”.
Dự án Khu độ thị Saigon Center do Saigon Land làm chủ đầu tư chưa có cơ sở hạ tầng nhưng đã được mở bán từ lâu. Ảnh: V.D
Vào sâu bên trong dự án vào dịp cuối năm 2018, chúng tôi ghi nhận khu vực công trình đang trong quá trình san ủi đất đồi núi, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được triển khai. Bên trong chỉ có vài chiếc máy múc, máy ủi đang thực hiện công tác san lấp mặt bằng, chưa có dấu hiệu thi công cơ sở hạ tầng.
Đến thời điểm này, sau hơn 4 tháng chúng tôi tiếp tục quay lại dự án này vào chiều ngày 20.4.2019, khu vực công trình dự án Khu đô thị Sài Gòn Center vẫn ngổn ngang những đống đất lớn chưa được sản ủi, bên trong có nhiều ống cống chưa được lắp đặt.
Mặc dù dự án chưa hoàn thiện công tác san lấp mặt bằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa có nhưng từ cuối năm 2018, Saigon Land đã tiến hành mở bán, huy động vốn trái luật dưới hình thức ký hợp đồng “nguyên tắc”.
Khi mua đất tại dự án, khách hàng phải đặt cọc ít nhất 30 triệu đồng rồi sau đó tiếp tục thanh toán đợt 1 với số tiền tương ứng 30% giá trị của lô đất và tiến hành ký “hợp đồng nguyên tắc”. Sau khi thanh toán đợt 1, khách hàng buộc phải thanh toán tiếp các đợt còn lại trong khi dự án vẫn chưa có cơ sở hạ tầng.
Thời điểm cuối năm 2018, dự án này đang trong quá trình san ủi nhưng chủ đầu tư đã tiến hành rao bán. Ảnh: V.D
Theo hồ sơ của Dân Việt có được, mặc dù đến nay cơ sở hạ tầng tại dự án Sài Gòn Center vẫn chưa có sau nhiều tháng triển khai nhưng Công ty Saigon Land đã tiến hành bán hàng trăm nền đất ra thị trường, thu tiền trái luật và đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Từ những dấu hiệu trên, phóng viên đã tra cứu thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thì được biết, từ tháng 12.2018 đến nay, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có tên dự án Khu đô thị Sài Gòn Center (Center City 2) của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center.
Điều này có thể thấy rằng, việc giới thiệu và mở bán dự án Khu đô thị Sài Gòn Center chưa có cơ sở hạ tầng của Saigon Land là vi phạm Luật Kinh doanh Bất động sản hiện hành.
Theo Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (TP.HCM), về nguyên tắc bất động sản hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện thì không được phép đưa vào kinh doanh. Vì vậy, rủi ro cao nếu khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Sau nhiều tháng triển khai, đến thời điểm cuối tháng 4.2019, dự án vẫn đang trong quá trình san lấp, chưa có cơ sở hạ tầng. Ảnh: V.D
“Khách hàng phải cẩn thận, xem xét kĩ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng này, yếu tố ràng buộc giữa các bên, cùng với những giấy tờ, sự uy tín của chủ đầu để tránh trường hợp chủ đầu tư còn “non trẻ”, thiếu kinh nghiệm dẫn đến hàng loạt vi phạm, hay tránh những chiêu trò “lách luật” huy động vốn bất chấp việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án chưa hoàn thiện” – Luật sư Hùng thông tin.
Cũng theo tìm hiểu của Dân Việt, Công ty Saigon Land từng liên quan đến lùm xùm pháp lý tại dự án Sài Gòn Land 2 tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Dư luận đang hoài nghi rằng, phải chăng Công ty Saigon Land đang thách thức dư luận và coi thường pháp luật, để “xé rào” bán dự án Khu đô thị Sài Gòn Center?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ qua số hotline của Công ty Saigon Land rất nhiều lần để đặt lịch làm việc nhằm cung cấp thông tin khách quan về dự án nhưng không ai nhấc máy.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương khẳng định, hiện nay Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi phân lô, bán nền tại các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bắt buộc dự án phải được xây thô mới đủ điều kiện mở bán. Theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại là khách hàng.
Công an tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo, đối với những dự án mà chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối tổ chức huy động vốn bằng chiêu thức ký hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng góp vốn thì người dân nên cảnh giác, tránh rước phải rủi ro và mất tiền.
Theo Văn Dũng/Dân Việt