Cùng chọn đề tài về người phụ nữ, tập 2 của chương trình Kịch cùng Bolero 2018 phát sóng tối 16/7 chứng kiến sự phá cách trong dàn dựng và góc nhìn mới mẻ của 3 đạo diễn trẻ Bảo Châu, Như Huỳnh và Minh Tuấn về tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ.
Đây cũng là đêm thi có nhiều tranh luận đến từ ban giám khảo, gồm NSƯT Công Ninh, NSƯT Hữu Quốc và đạo diễn - diễn viên điện ảnh Việt Trinh.
Đạo diễn 9x Bảo Châu gây tranh cãi với ca khúc Linh hồn tượng đá
Tiểu phẩm của đạo diễn Bảo Châu mang tên Tấm lòng son được cảm tác từ trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương. Nội dung vở kịch nói về tấm lòng chung thủy cùng nỗi đau của người chinh phụ chờ chồng trong thời chiến. Vì xã tắc lâm nguy, người chồng (Lê Vinh) phải lên đường tòng quân, để lại quê nhà người vợ trẻ (Quỳnh Lam) và đứa con thơ mới chào đời. Trước khi đi, anh chỉ kịp đặt tên con là An Bình và hứa nhất định sẽ trở về. Người chồng ra chiến trận chưa được bao lâu, gã quan huyện háo sắc vì muốn chiếm đoạt người vợ nên đã loan tin người chồng tử nạn. Với tấm lòng kiên trinh, người vợ đã chống trả quyết liệt trò sàm sỡ của gã quan huyện rồi ôm con băng đèo vượt suối tìm chồng. Đường xa vạn dặm, bóng chim tăm cá, người vợ bồng con lên đến đỉnh núi chờ chồng từ ngày này qua ngày khác, cho đến ngày cô mỏi mòn và chết đi, biến thành tượng đá. Nhiều năm sau đó, người chồng trở về không thấy vợ con đâu, chỉ thấy ngôi nhà hoang tàn. Ban đầu, anh nghĩ rằng vợ đã thay lòng đổi dạ, tuy nhiên nghe mọi người kể lại anh hối hận vì đã hiểu lầm vợ. Anh lên đường tìm kiếm và gặp tượng đá của vợ và con. Quá đau lòng, anh dựng căn chòi lá nơi vách núi và sống với “hòn vọng phu” cho đến ngày già yếu (Tiết Duy Hòa vào vai) và đôi mắt không còn thấy đường vì khóc thương vợ con quá nhiều. Có người hỏi ông liệu ông có cảm thấy tiếc nuối vì hoài phí cả cuộc đời của mình cho tượng đá vô tri, ông tâm niệm tuổi trẻ dù qua đi không bao giờ trở lại nhưng nếu tuổi trẻ làm được 1 điều gì đó xứng đáng thì tuổi trẻ đó không hoài phí.
Điều mới mẻ trong tác phẩm của đạo diễn Bảo Châu đó là sự xuất hiện của dàn đồng ca sinh viên trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM với vai trò của người dẫn chuyện bằng âm nhạc. Ngoài các ca khúc Hòn vọng phu (sáng tác Lê Thương), Tình thắm duyên quê (sáng tác Trúc Phương), Đợi tôi về (sáng tác Lê Trần Nguyễn), Khóc thầm (sáng tác Lam Phương), tác phẩm Tấm lòng son còn sử dụng ca khúc Linh hồn tượng đá (sáng tác Mai Bích Dung) để kết tiểu phẩm. Đây cũng là ca khúc khiến các giám khảo tranh cãi. NSƯT Công Ninh cho rằng những bài hát đạo diễn Bảo Châu đưa vào kịch không phù hợp. Theo NSƯT Hữu Quốc, nguyên nhân khiến giám khảo Công Ninh cảm thấy không phù hợp là do bản phối của ca khúc Linh hồn tượng đá không nhất quán với màu sắc âm nhạc của cả tác phẩm: “Văn từ ca khúc Linh hồn tượng đá đặt vào tiết mục phù hợp nhưng bài phối lại không phù hợp nên thấy sượng liền”. Nhận xét về tiết mục, giám khảo Việt Trinh khen đạo diễn Bảo Châu chọn diễn viên hợp vai, Quỳnh Lam nhập vai, xuất thần, cách chọn nhạc nền hoành tráng, hàn lâm, đầy cảm xúc và sang trọng. Theo giám khảo Hữu Quốc, diễn viên Quỳnh Lam xinh đẹp “nhưng lúc diễn có bầu xấu quá!”. Đây là phần lỗi về hóa trang mà theo giám khảo NSƯT Công Ninh là nhìn Quỳnh Lam không giống bụng bầu mà giống bụng...phệ.
Đạo diễn trẻ nhất chương trình Minh Tuấn hẳn sẽ khiến các mẹ bỉm sữa tranh cãi khi để Thanh Hiền trao con cho người cha bạc bẽo
Tác phẩm của đạo diễn trẻ nhất chương trình Minh Tuấn có tên Trời sa mưa giông do anh đạo diễn và viết kịch bản. Nội dung vở kịch nói về ông thầu xây dựng Phát (Điền Trung) về quê xây cầu và quen cô Hoa (Thanh Hiền). Khi Hoa có thai, cầu cũng xây xong, ông Phát bỏ đi biệt tăm rồi sau đó lấy vợ giàu, để mặc Hoa sinh và nuôi con (Hồng Quyên) một mình. Trong xóm của Hoa có anh chàng tên Hơn (Minh Trường) hát hay đàn giỏi, dù nhỏ tuổi hơn nhưng anh đem lòng yêu Hoa và thương bé Ba (con của Hoa) như con ruột nên anh đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để cận kề chăm sóc 2 mẹ con. Dù cũng yêu Hơn nhưng sau khi phát hiện mình bị ung thư, Hoa liên tục từ chối tình cảm của Hơn. Sau nhiều năm, ông Phát ly dị vợ, lại không có con nên về quê định đón 2 mẹ con Hoa lên thành phố. Ban đầu Hoa không đồng ý nhưng vì muốn sau khi mình chết, con gái có người chăm sóc nên cô quyết định cùng con theo ông Phát lên Sài Gòn. Tut nhiên, nghe tin Hoa bị bệnh sắp chết, ông Phát lộ bộ mặt đểu giả của mình, chỉ đồng ý đón con đi chứ không muốn Hoa đi cùng vì sợ liên lụy. Dù đau đớn trước sự bạc bẽo một lần nữa của người mà mình từng yêu, Hoa vẫn cắn răng cho con đi theo cha ruột, còn cô vì quá đau đớn nên đã chết trong vòng tay của Hơn - người dành cho cô cả tuổi trẻ của mình. Trong vở kịch sử dụng các ca khúc Sa mưa giông (sáng tác Bắc Sơn), Sao em nỡ vội lấy chồng (nhạc Trần Tiến, thơ Hoàng Cầm), Ru lại câu hò (sáng tác Vũ Quốc Việt), Tình yêu trả lại trăng sao (sáng tác Lê Dinh).
NSƯT Công Ninh nhận xét: “Cách giải quyết câu chuyện của em chưa hoàn chỉnh, ở chi tiết người cha dùng vũ lực để bắt con đi, người mẹ khó đồng ý cho người đàn ông từng rời bỏ mình trong khoảnh khắc cùng cực để giờ lại về đòi đón con đi”. Giám khảo Việt Trinh cũng không đồng tình với quyết định của người mẹ trong câu chuyện: “Nếu là người mẹ, chị vẫn mong con mình về với người đàn ông tử tế. Minh Tuấn chọn diễn viên hợp vai. Cách xử lý nhân vật Hoa và bé Ba như là khách trong căn nhà của mình, còn Hơn lại giống như chủ nhà, bạn nên xử lý cho chủ nhà thân thiện với căn nhà hơn, có những tình huống bạn đẩy cảm xúc hơi quá”. Với 2 phiếu không đồng tình về hướng giải quyết câu chuyện “trao con” của Minh Tuấn, đến từ giám khảo Công Ninh và Việt Trinh, có vẻ như tiểu phẩm Trời sa mưa giông sẽ gây ra nhiều tranh cãi sau phát sóng, nhất là các khán giả nội trợ, các mẹ bỉm sữa. Giám khảo NSƯT Hữu Quốc cũng nhắc nhở Minh Tuấn đưa nhạc vào kịch nhiều quá làm cho cảm giác vở kịch bị dài.
Thay đổi kịch bản 10 tiếng trước giờ diễn, đạo diễn cá tính Như Huỳnh dừng chân ngay đêm chào sân
Đạo diễn Như Huỳnh tên thật là Nguyễn Chánh Huỳnh Như sinh năm 1985 tại TP.HCM. Như Huỳnh từng tốt nghiệp ngành đạo diễn trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM, đã tham gia vào các hoạt động nghệ thuật từ khi 16 tuổi. Cô được trải nghiệm ở nhiều vị trí công việc như sản xuất, viết kịch bản, phiên dịch, biên tập, đạo diễn. Ngoài ra, cô còn tham gia dàn dựng nhiều sự kiện, quảng cáo, gameshow.
Tác phẩm dự thi của Như Huỳnh mang tên Một phận hoa do cô viết kịch bản và đạo diễn. Nội dung vở kịch là câu chuyện về đôi vợ chồng, từng có tuổi trẻ yêu nhau lãng mạn với những ca khúc và vần thơ say đắm. Tuy nhiên, sau khi cưới nhau nhiều năm thì những điều lãng mạn đó không còn nữa, người chồng (Tâm Anh) bận rộn kiếm tiền nên không còn quan tâm vợ, còn người vợ (Phương Trâm) vốn là nhà thơ nên bà bị hụt hẫng về cảm xúc. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới, bài thơ mới của bà được đăng báo, bà quyết định làm bữa tiệc nhỏ ở nhà nhưng đứa con trai là Trực (Lâm Thắng - Á quân Cười xuyên Việt 2017) chỉ lo xin tiền đi sinh nhật bạn gái, còn người chồng về đến nhà thấy vậy đã buông lời gắt gỏng cho rằng bà phí phạm vớ vẩn. 1 mình bà Trâm cô đơn với mâm cơm không người ăn. Bà ra ban công đứng và nhìn thấy cô gái điếm (Phương Lan) đang đuổi chàng trai nghèo si tình (Gobi Vũ) ở góc đường. Bà mời cô gái điếm vào nhà ăn cơm, trò chuyện cho đỡ buồn và hứa trả tiền bằng tiền cô ta đi khách. Hai người đàn bà ở 2 địa vị khác nhau, cùng tâm sự về hạnh phúc của đàn bà và sự trăng hoa, bạc bẽo của đàn ông. Bà Trâm cho biết hơn 20 năm qua làm vợ làm mẹ, sống trong cảnh đủ đầy nhưng thực chất bà chỉ là một cô gái điếm không công của chồng. Còn cô gái điếm thì lại cho rằng bà Trâm may mắn hơn cô vì ít ra bà còn có chủ sở hữu. Khi cô gái điếm đi, người chồng trở về và tiếp tục trách móc vợ. Đến lúc này, bà Trâm quyết định bỏ đi để tìm cuộc sống riêng cho mình, bỏ lại người chồng cô đơn trong căn nhà. Tác phẩm sử dụng các ca khúc: Lại nhớ người yêu (sáng tác Giao Tiên), Mưa qua phố vắng (sáng tác Hà Phương), Một mình (sáng tác Lam Phương). Đạo diễn Như Huỳnh xúc động cho biết vì lý do kỹ thuật trước đêm thi nên đây là kịch bản “chữa cháy” mà cô và các diễn viên chỉ có 10 tiếng đồng hồ để tập luyện, tìm kiếm đạo cụ, âm nhạc....
Giám khảo Công Ninh nhận xét về tiết mục: “Em còn quá trẻ nhưng lại dàn dựng tiết mục mang dáng vóc của người từng trải, ở 1 góc nào đó tôi đánh giá thành công vì cập nhật cuộc sống. Tuy nhiên, em còn chưa khéo khi chuyển tải câu chuyện, nhiều đoạn còn lê thê như đoạn cô gái điếm và người vợ đối thoại, nếu em đưa thêm giai điệu bài hát vào đó thì sẽ hay hơn”. Giám khảo Việt Trinh cho rằng vẫn có sự thay đổi cả đàn ông và đàn bà trong lời hứa khi mới yêu nhau, nhưng cách Như Huỳnh xử lý người chồng hiện tại quá mạnh, phũ phàng với vợ. NSƯT Hữu Quốc phân tích: “Cái duyên gặp cô gái điếm của người vợ không rõ. Ở ngoài đời thực 1 người đàn bà trí thức, trong lúc tỉnh táo không bao giờ mời cô gái đứng đường vào nhà đơn giản vậy”.
Kết thúc 2 đêm thi đầu tiên với chủ đề “Tuổi trẻ không bao giờ trở lại”, đạo diễn Minh Nhật dẫn đầu với 29 điểm, kế đến là đạo diễn Thái Kim Tùng (27 điểm), đạo diễn Thùy Dương, Minh Tuấn và Bảo Châu cùng đạt 26 điểm. Với số điểm thấp nhất, đạo diễn Như Huỳnh (25,75 điểm) đã phải chia tay chương trình. Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Chương trình phát sóng định kỳ vào lúc 21h thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1.
Gia Hân