Ngoài câu chuyện nhân sự theo hướng “mẹ truyền, con nối”, VietBank và các công ty thành viên của Hoa Lâm còn từng song hành tại nhiều “deal” trái phiếu trong thời gian thị trường tăng nóng giai đoạn 2020-2021.
Nữ tướng của Tập đoàn Hoa Lâm rời VietBank
Cuối tháng 3/2024, Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc với bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, cổ đông sáng lập VietBank, theo nguyện vọng cá nhân. Sau quyết định này, ban điều hành VietBank còn 7 thành viên, gồm bà Trần Tuấn Anh là Tổng giám đốc và 6 Phó Tổng giám đốc.
Bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, cổ đông sáng lập VietBank. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn |
Bà Trần Thị Lâm, theo giới thiệu của VietBank, là một trong những cổ đông đầu tiên góp vốn và xây dựng nhà băng này từ những ngày đầu thành lập. Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietBank hiện tại là ông Dương Nhất Nguyên, con trai bà Lâm, được bổ nhiệm từ tháng 4/2021.
Tập đoàn Hoa Lâm được thành lập năm 1993 với tên ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Nhất Nguyên, sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm. Đến nay, tập đoàn này đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, gồm y tế, dược phẩm, tài chính - ngân hàng và bất động sản.
Theo báo cáo quản trị năm 2023, ngoài vị trí quản lý tại VietBank, bà Lâm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên tại nhiều công ty trong hệ sinh thái Hoa Lâm, như Dược phẩm Hoa Lâm, Công ty Y tế Hoa Lâm Shangri-la, Công ty Bệnh viện Quốc tế City,...
Đến cuối năm 2023, bà Lâm sở hữu 114.000 cổ phần VietBank, tương ứng 0,02%. Ông Dương Nhất Nguyên, con trai bà Lâm và ông Dương Ngọc Hòa, chồng bà Lâm, sở hữu lần lượt 16 triệu (3,36%) và 21,7 triệu cổ phiếu (4,55%) VietBank.
Đầu năm nay, Chủ tịch VietBank tăng sở hữu lên gần 28 triệu cổ phiếu (4,83%), sau khi mua và thực hiện quyền mua cổ phiếu khi ngân hàng này tăng vốn.
Mối quan hệ khăng khít của Hoa Lâm và VietBank
Câu chuyện của Hoa Lâm và VietBank không chỉ dừng ở sự xuất hiện của những người trong gia tộc họ Dương, hay chính “nữ tướng” Trần Thị Lâm trong các vai trò quản lý chủ chốt tại nhà băng này.
Thực tế, trong hơn một thập kỷ gần đây, hai cái tên này thường song hành ở không ít “deal” lớn.
Giai đoạn 2020-2021, phát hành trái phiếu riêng lẻ bùng nổ. Kênh huy động này là đường dẫn vốn của hàng loạt doanh nghiệp lớn, với quy mô hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn, và Hoa Lâm cũng không nằm ngoài cuộc chơi đó.
Đơn cử như Công ty TNHH Vinh An Điền, doanh nghiệp đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 650 tỷ đồng vào tháng 11/2020. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Vinh An Điền chỉ ở mức 150 tỷ đồng. Tức, doanh nghiệp này đã huy động thành công giá trị trái phiếu gấp hơn 4 lần vốn điều lệ.
Vinh An Điền được thành lập ngày 14/8/2018, do ông Nguyễn Ngọc Sâm sở hữu. Tháng 8/2020, vị trí Chủ tịch được chuyển sang ông Lý Vinh Hoàng, đồng thời Vinh An Điền cũng tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.
Dù không có nhiều thông tin về Vinh An Điền, nhưng có những gạch nối giữa doanh nghiệp này với Tập đoàn Hoa Lâm. Đơn cử như tài sản mà Vinh An Điền dùng để bảo đảm cho lô trái phiếu trên là quyền sử dụng đất thửa số 1 - 2, tờ bản đồ số 108 (theo tài liệu đo năm 2006), phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 770873, cấp ngày 20/1/2009, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoa Lâm Shangri-la 5.
Hoa Lâm Shangri-la 5 từng là công ty con của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la. Qua nhiều lần đổi chủ, tới thời điểm Vinh An Điền phát hành trái phiếu, Hoa Lâm Shangri-la 5 thuộc sở hữu của Công ty Dịch vụ Hoa Lâm - doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.
Cuộc chơi trái phiếu của nhóm doanh nghiệp “thân” Hoa Lâm còn mở rộng với hàng loạt cái tên khác. Công ty TNHH Minh Khang Điền, CTCP Hong Lim Land, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Gia An, Công ty TNHH Điền Phát Land,… là những ví dụ tương tự trường hợp của Vĩnh An Điền.
Và trong cuộc chơi này, VietBank đóng vai trò như “bà đỡ”.
Mặc dù các lô trái phiếu này đều có thời gian đáo hạn dài, từ 5 đến 10 năm, nhưng chỉ sau hơn ba năm chào bán, nhóm này nhanh chóng thực hiện mua lại. Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 khi cuộc khủng hoảng trái phiếu riêng lẻ lan rộng, những doanh nghiệp này lần lượt mua lại trước hạn các lô trái phiếu hàng trăm tỷ đồng.
Đến giữa năm 2023, cụ thể là ngày 28-29/6/2023, Hội đồng quản trị VietBank đã thông qua cùng lúc 4 Nghị quyết, hé lộ phần nào giao dịch giữa ngân hàng này và các công ty trong hệ sinh thái Hoa Lâm.
Như Nghị quyết số 68/2023 của ngân hàng này về việc thay đổi tài sản đảm bảo với khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất thương mại Mai Anh tại VietBank đã hé lộ về một loạt giao dịch.
Trong đó, bất động sản tại thửa đất số 14, tờ bản đồ số 104, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM thuộc sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City, với định giá hơn 1.426 tỷ đồng đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của bốn doanh nghiệp “thân” Hoa Lâm, với giá trị vay hơn 1.399 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ vay lên tới 98,11%.
Lợi nhuận VietBank giảm mạnh quý đầu năm 2024
Theo BCTC hợp nhất quý 1 năm nay, VietBank ghi nhận lãi trước thuế chỉ hơn 73 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước, do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Ba tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của nhà băng này giảm 6%, còn gần 450 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi tăng, nhưng tỷ trọng thấp trong tổng doanh thu hoạt động. Như lãi từ dịch vụ tăng 56%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 63%.
Dù vậy, chi phí dự phòng tăng vọt đã bào mòn gần hết lợi nhuận.
Vietbank trích hơn 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, khiến lãi trước thuế chỉ còn hơn 73 tỷ đồng, giảm 63%.
Nếu so với mục tiêu phấn đấu kỳ vọng đạt 1.050 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm, Vietbank mới thực hiện được 7% sau quý I năm nay.
Tổng nợ xấu tính đến hết quý I của Vietbank ghi nhận hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 - nợ nghi ngờ - tăng mạnh nhất với tỷ lệ hơn 90%. Kết quả này khiến tổng quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) trên dư nợ cho vay khách hàng của VietBank tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 3,1%./.
Theo Minh Anh/Thanh tra Việt Nam
https://thanhtravietnam.vn/thuc-tien-va-chinh-sach/xay-dung-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-minh-bach-phat-trien/vietbank-va-hoa-lam-khang-khit-the-nao-truoc-khi-nu-tuong-tran-thi-lam-tu-nhiem-209192.html