Dù có nhiều cơ hội trước những kế hoạch phát triển lĩnh vực chip lên tới hàng trăm tỉ USD của các nước phát triển, nhưng ngành bán dẫn Việt Nam cũng đang chịu áp lực và sự cạnh tranh rất lớn trước những yêu cầu khắt khe của lĩnh vực này. Vậy, làm thế nào để Việt Nam 'chen chân' và giành lợi thế trong cuộc đua này?
Ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 80 nhưng do chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Bán dẫn là cuộc đua của nhiều quốc gia trên thế giới. |
Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.
Thực tế, nhiều “ông lớn” bán dẫn đã đến xây nhà máy tại Việt Nam. Đơn cử, công ty Kine SIC Semi (Mỹ) chuyên sản xuất chip công nghệ cao mong muốn xây nhà máy tại Bắc Ninh khoảng 200 triệu USD.
Trước đó, năm 2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), dự kiến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu đem về 800 triệu USD. Hay sự kiện Amkor khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD…
Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nói trên giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng của ngành.
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, bán dẫn là ngành công nghiệp được nhiều nước phát triển và đang phát triển quan tâm. Nhiều quốc gia phát triển mạnh công nghiệp bán dẫn, sẵn sàng bỏ tiền mặt để thu hút các đầu tư vào bán dẫn.
Theo Bộ KH&ĐT, ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cụ thể như: Với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT)… đang tạo ra nhu cầu lớn cho các linh kiện bán dẫn. Việc sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt như mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.
Cùng với đó, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Lựa chọn công đoạn phù hợp
Điều này cho thấy, Việt Nam cần tập trung nhiều giải pháp như xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế ưu đãi cho dự án công nghệ cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, xây bay… Đồng thời, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này.
Bộ KH&ĐT cho biết đang phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.
Theo ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel Việt Nam, đề án phát triển 50 nghìn kỹ sư là thách thức. Đây là điều hiển nhiên bởi không có mục tiêu gì là dễ dàng, song với sự nỗ lực ông tin tưởng đề án trên sẽ gặt hái được những thành công.
Đồng thời, ông Thắng cũng có lời khuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực bán dẫn. Ngành này có nhiều công đoạn, gồm những công đoạn có nguồn lực đầu tư vô cùng lớn về thiết bị, tài chính. Vì vậy, doanh nghiệp nên lựa chọn công đoạn phù hợp, ít sự đầu tư, đổi lại cần nhiều hơn yếu tố đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là bí quyết để giành thắng lợi.
Ông Vũ Duy Thức, đồng sáng lập New Turing Institute & VietAI nhìn nhận lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn là cộng đồng người Việt tài năng đang làm việc ở các trung tâm đổi mới sáng tạo lớn trên thế giới.
“Tôi quan sát và thấy rằng, có nhiều người Việt đã đảm nhận vị trí cấp cao, có mặt trong các tập đoàn lớn. Việt Nam hãy có cơ chế, khuyến khích những nhân tài này quay về đóng góp tài năng của mình cho quê hương. Nếu tận dụng được nguồn lực này, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng”, ông Thức kỳ vọng.
Theo ông Seow Choo Han, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Cadence Design, nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chơi chip bán dẫn, đồng thời thu hút thêm nguồn lực đầu tư. Để tạo lợi thế cạnh tranh, ngành bán dẫn cũng phải tuân thủ yêu cầu xanh hóa của sản phẩm.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Việt Nam đang có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin khoảng 300 nghìn người, tại sao chúng ta không đào tạo đội ngũ này để phát triển thêm các năng lực, kỹ năng có thể trở thành lực lượng lành nghề trong thiết kế chip. Bên cạnh đó, Việt Nam không phải tham gia vào ngành công nghiệp chip bán dẫn ngay mà có thể đồng hành, tham gia vào hệ sinh thái của các công ty lớn, từ đó tạo ra sản phẩm cạnh tranh, có giá rẻ. Đây là cơ hội cần nắm bắt và gia tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Ông Vũ Quốc Huy Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Ở khâu thiết kế, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam. Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế. GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT Ngành bán dẫn nếu phát triển ở Việt Nam sẽ đem lại lợi ích to lớn do nguồn tài nguyên mà Việt Nam có thể khai thác được là trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam thấy được tiềm năng của ngành này mà các quốc gia khác cũng thấy được điều này. Và con đường đi mỗi nước cũng khác nhau. Do vậy, chúng ta cần học tập kinh nghiệm chung của các nước đi trước nhưng cũng cần có cách tiếp cận riêng để “gặt hái” được thành công. |
Theo vnbusiness