Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng giám đốc Sandoz Việt Nam: Kháng kháng sinh khiến tình trạng mất cân đối về y tế ngày càng gia tăng.
Chương trình này nhằm hưởng ứng Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, kêu gọi cộng đồng chung tay hành động để ngừng tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bảo vệ sức khỏe con người, xã hội và các thế hệ tương lai.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn từ 2020-2023, Việt Nam có khoảng 269.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh. Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao, chủ yếu do việc sử dụng kháng sinh không đúng cách.
“Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là người bệnh, hoặc thường là cha mẹ của người bệnh, tự ý lựa chọn kháng sinh hoặc thuốc chống nhiễm trùng để điều trị các bệnh lý thông thường, trong khi những loại thuốc này không có hiệu quả,” ông Charaf Eddine Kadri, Tổng giám đốc Sandoz Việt Nam, giải thích.
Việc mua kháng sinh mà không có đơn thuốc tại các hiệu thuốc để điều trị những bệnh như cảm cúm thông thường, cùng với việc sử dụng kháng sinh sai cách, đã làm gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Điều này dẫn đến tình trạng kháng sinh trở nên kém hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý nhiễm trùng mà trước đây vẫn có thể chữa trị hiệu quả.
Hệ quả là người bệnh, kể cả trẻ em, cần phải sử dụng các loại kháng sinh mạnh hơn để điều trị những bệnh lý nhiễm trùng đơn giản mà trước đây dễ dàng điều trị hơn. Với chủ đề "Kháng sinh đúng liều - Đủ yêu tổ ấm", chương trình cộng đồng này nhằm giải quyết mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng đang tồn tại trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam, và tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành y tế quốc gia.
Chương trình do Sandoz Việt Nam khởi xướng sẽ được triển khai trong 5 năm, từ ngày 1/11/2024 đến ngày 31/12/2028. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm thông qua các hoạt động giáo dục và cung cấp thông tin rộng rãi.
Ông Charaf Eddine Kadri cho biết, "Về mặt kinh tế, tình trạng kháng thuốc có thể gây cản trở đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP và ảnh hưởng không cân xứng đến các cộng đồng nông thôn và nhóm thu nhập thấp, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế."
Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường do dư lượng kháng sinh tồn đọng trong nguồn nước càng khiến tình trạng kháng thuốc trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực lên hệ sinh thái tại Việt Nam.
Trong năm 2024, Sandoz dự kiến sẽ triển khai một loạt hoạt động giáo dục quy mô lớn để nâng cao nhận thức cộng đồng về AMR. Các video tuyên truyền sẽ được chiếu trên các màn hình ngoài trời ở những khu vực đông người qua lại. Đồng thời, Sandoz cũng sẽ phát triển một trang web chuyên đề về kháng thuốc để cung cấp thông tin chi tiết, bài viết và các sơ đồ minh họa.
Công ty cũng dự định hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Trung ương trong Tuần lễ Nhận thức về kháng thuốc, thiết kế các gian hàng thông tin tại các bệnh viện để giúp bệnh nhân và người nhà hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách.
Vi Vi/TGT