Hàng hóa, lương thực, thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng sẽ không thiếu, vì vậy người dân không cần tích trữ.
Trước những thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội, nhiều người dân lo ngại lượng hàng hóa, thực phẩm sẽ không đủ cung cấp nên đã đổ xô đến các siêu thị mua hàng dự trữ.
Theo ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP.HCM, lượng khách mua sắm trực tiếp rất đông vào sáng 7-7. Ngoài ra, lượng hàng đặt online cũng tăng vọt.
Nguồn cung hàng hóa trên địa bàn TP.HCM được duy trì ổn định. Ảnh: THU HÀ
Theo chị Phạm Thị Thúy (Gò Vấp, TP.HCM): “Sáng 7-7 tôi đến một siêu thị gần nhà để mua thực phẩm nhưng lượng người đến mua rất đông. Vì lo việc lây nhiễm dịch bệnh nên tôi đi về. Sang một siêu thị khách tình trạng cũng tương tự. Hàng hóa còn rất ít do lượng người đến mua trước đó quá nhiều.”
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết: "Hiện nay nhiều dân đang mua tích trữ lương thực và thực phẩm. Tuy nhiên, việc đổ xô đi mua hàng hóa quá đông đúc như thế sẽ dễ xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.
FFA cam kết hàng hóa lương thực, thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng sẽ không thiếu. Vì vậy người dân không cần phải tích trữ, gây sự xáo trộn trong xã hội."
Ông Dũng nói thêm việc người dân càng đổ xô đi mua hàng thì càng tạo ra tâm lý thiếu hàng hóa không cần thiết.
Theo FFA, từ ngành gia súc, gia cầm, thủy hải sản đến lương thực, nguồn hàng hóa rất phong phú, chúng ta hiện còn làm để xuất khẩu nên người dân không đừng quá lo lắng, tạo hiệu ứng xã hội xấu.
"Các doanh nghiệp lương thực và thực phẩm trên địa bàn vẫn tổ chức sản xuất và cung ứng hàng hóa bình thường” - ông Dũng khẳng định
Theo PLO