Hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sẽ phối hợp khảo sát để tháo gỡ lấn cấn giữa ngư dân cửa biển Gành Hào và nhà đầu tư điện gió Cà Mau.
Chiều 15-5, UBND tỉnh Cà Mau có thư mời hỏa tốc đến các sở, ngành và phóng viên báo, đài về việc khảo sát, giải quyết lấn cấn giữa ngư dân Gành Hào và nhà đầu tư điện gió Tân Thuận, Cà Mau.
Một góc thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Ảnh: TRẦN VŨ
Theo đó, ngày 16-5, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử sẽ dẫn đoàn công tác của tỉnh đến cửa biển Gành Hào, phối hợp với phía chính quyền tỉnh Bạc Liêu gặp trực tiếp ngư dân và nhà đầu tư điện gió.
Từ đầu tháng 5-2020, nhiều ngư dân ở cửa biển Gành Hào, thuộc cả hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã phản ảnh đến chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo hai tỉnh về tình trạng thi công điện gió Tân Thuận đang gây trở ngại việc ra vào cửa biển để đánh bắt cá.
Cơ quan chức năng hai tỉnh cũng đã có những cuộc làm việc bước đầu, ghi nhận tình hình.
Theo đó, tháng 12-2019, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) khởi công dự án điện gió Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Đến nay, trụ móng của một số trụ điện gió đầu tiên đã hình thành, các ngư dân ở cửa biển Gành Hào cho rằng một số trụ điện gió nằm ở lòng lạch ra vào của tàu cá xưa nay, nếu không điều chỉnh sẽ làm cản trở ngư dân.
Khảo sát bước đầu của cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng cho thấy từ trụ số 3 đến trụ điện số 5 nằm trong lòng lạch cửa biển Gành Hào. Từ trụ số 6 đến trụ số 18 nếu liên kết lại sẽ cắt ngang lòng lạch lưu thông truyền thống của ngư dân.
Trong khi cửa biển Gành Hào là cửa biển lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, có cảng cá được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nguồn thu từ thủy sản cho ngư dân, doanh nhân cửa biển này lớn nhất tỉnh.
Còn dự án điện gió Tân Thuận thì cũng đã có bản vẽ thiết kế được phê duyệt và phải thực hiện đúng.
Phía tỉnh Cà Mau cũng đã cử các đoàn, tổ khảo sát và báo cáo tình hình thời gian qua. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Cà Mau, do các sở, ngành chưa làm rõ được nên tỉnh phải vào cuộc, nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
Theo PLO