Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam
Ngày 10-9, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam; gian lận, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Điều tra xuất xứ
Theo ông Mai Xuân Thành, lực lượng hải quan đã tiến hành điều tra sâu đối với hành vi gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng mặt trời. "Cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước" - ông Thành cho hay.
Xuất xứ hàng hóa là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm Ảnh: TẤN THẠNH
Nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước, ông Mai Xuân Thành cho rằng không thể đánh mất lợi thế này vào tay các nhà sản xuất nước ngoài. Đánh giá về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất sang các thị trường mà nước ta ký kết các FTA, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), nhận định Việt Nam đã thực hiện 12/15 Hiệp định FTA đã ký kết, do vậy không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Theo ông Âu Anh Tuấn, thực tế cho thấy một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp như thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp mức thuế hơn 400%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác cũng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như tôm, pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng. "Các nước điều tra chủ yếu là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và khối EU" - ông Tuấn nói.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, bảo vệ, hỗ trợ phát triển cho các nhà sản xuất Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 23-8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ chống gian lận, giả mạo xuất xứ.
Siết việc cấp C/O
Ông Âu Anh Tuấn cho biết trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, lực lượng hải quan phát hiện quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng lẻo. Đơn cử như gỗ dán, gỗ ván ép, có tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng các quy định để gian lận trong khai báo mã số HS nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. "Bên cạnh đó, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ. Có tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ" - ông Tuấn nêu rõ.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 2 cơ quan có thẩm quyền cấp C/O. Bởi vậy, để siết chặt xuất xứ hàng hóa, lực lượng hải quan đã trao đổi thông tin về tờ khai hải quan, kim ngạch xuất nhập hàng hóa với 2 cơ quan này. Qua đó, Bộ Công Thương và VCCI có thể tra cứu dữ liệu thông tin tờ khai xuất khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ việc cấp C/O, đối chiếu giữa thông tin khai báo trên tờ khai hải quan với thông tin khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O để phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, đơn vị này thường xuyên cung cấp số liệu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cho các cơ quan có liên quan để chủ động phòng chống gian lận xuất xứ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường và có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận xuất xứ.
Rà soát doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp đơn giản
Ông Mai Xuân Thành cho biết bên cạnh các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo rà soát các DN nhập khẩu sản phẩm là linh kiện, bộ phận, bán thành phẩm về để lắp ráp đơn giản thành sản phẩm nguyên chiếc hoặc thay bao bì rồi lấy xuất xứ Việt Nam. Sau khi có kết quả, lực lượng hải quan sẽ thông báo cho người tiêu dùng, nhà sản xuất cùng ngành hàng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN sản xuất trong nước.
Theo NLĐ