Không để người tiêu dùng phải 'mua thịt lợn giá rẻ trên tivi'

Giá thịt lợn biến động ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Họ phải chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm hoặc lựa chọn sản phẩm kém chất lượng hơn với giá rẻ. Theo các chuyên gia, cơ quan nhà nước cần thực hiện bình ổn giá. Điều này, không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua thịt lợn với giá hợp lý, mà còn bảo vệ người sản xuất và nguồn cung.

Không để người tiêu dùng phải 'mua thịt lợn giá rẻ trên tivi'

Tại hội thảo "Thịt lợn, bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng" diễn ra sáng 15/5, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khi người chăn nuôi gặp khó khăn, người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ. Nhưng khi người tiêu dùng gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh chưa nhận lại được sự sẻ chia.

Nhiều người cho rằng, giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Song, hiện dịch tả lợn đã được kiểm soát. Tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đã đạt gần 24 triệu con, tăng hơn 2 triệu so với tháng 12/2019. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019).

"Do đó, vẫn còn dư địa để giảm giá bán lợn hơi, trong đó cần giảm giá bán lẻ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", ông Hùng cho hay. 

Không để người tiêu dùng phải 'mua thịt lợn giá rẻ trên tivi' - ảnh 1

Các đại biểu nêu ý kiến tại buổi hội thảo

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc giá thịt lợn đang ở mức cao chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người chăn nuôi. Về lâu dài, điều này sẽ gây khó khăn cho rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang ồ ạt tái đàn do giá lợn giống, chi phí thức ăn, dịch vụ thú y… đang lợi dụng đà tăng để nâng giá.  

“Nếu tiếp tục duy trì đà này, khoảng 4-6 tháng nữa khi xuất đàn ra thị trường, giá thịt lợn không còn mức thế này nữa, người chăn nuôi sẽ chịu rủi ro rất cao”, ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, trong bối cảnh này, cơ quan nhà nước cần thực hiện bình ổn giá. Điều này, không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua thịt lợn với giá hợp lý, mà còn bảo vệ người sản xuất và nguồn cung.

Để làm được điều này, ông Cường cho rằng phải kiểm soát khâu trung gian. Hiện, khâu này đang khiến giá thịt lợn cao gấp 4-5 lần mà không tạo ra bất kỳ giá trị nào.

“Trước mắt nếu chưa tổ chức được, chúng ta phải thực hiện các biện pháp kiểm soát trong đó vai trò của cơ quan nhà nước rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát kỹ đến từng hộ chăn nuôi, công bố nguồn cung thực tế của hiện nay ra sao, quy mô đàn bao nhiêu. Còn Bộ Công thương kiểm soát các kênh phân phối xem hợp lý chưa, khuyến khích việc DN thực hiện mô hình khép kín. Trường hợp thực hiện bình ổn giá, những đơn vị nào đẩy mức giá lên cao hơn bình thường cũng phải xử lý”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, thực tế đang có sự khác biệt lớn giữa giá thịt lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm. Mặc dù diễn biến giá phức tạp nhưng giá thịt lợn hơi đều trên 70.000 đồng và cao nhất hiện nay khoảng 95.000 đồng. Các DN lớn đã cam kết giá xuống 60.000 - 65.000 đồng nhưng đến nay chưa bao giờ cam kết này được thực hiện.

"Gía thịt lợn biến động ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Họ phải chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm hoặc lựa chọn sản phẩm kém chất lượng hơn với giá rẻ. Nhiều người khi ra chợ thắc mắc tại sao giá thịt lợn vẫn cao, thì được người bán thẳng thừng đáp "muốn rẻ  lên tivi mà mua...", ông Hùng nói.

Do đó, ông Quảng cho rằng, trong bối cảnh này, các DN cần minh bạch thông tin về các yếu tố liên quan đến đầu vào, đầu ra, tiến hành rà soát các khâu trung gian để giảm giá thành thịt lợn.

Theo ông Quảng, hiện có nhiều DN, tổ chức, cá nhân đang tham gia vào thị trường kinh doanh thịt lợn. Trong đó đáng chú ý là 17 DN chăn nuôi lớn nắm hơn 30% thị phần. Mỗi khâu đều có nhóm DN, nhóm kinh doanh nắm lợi thế như giết mổ, phân phối, lưu trữ bảo quản.

"Các đơn vị này cần minh bạch thông tin, tránh dư luận nghi ngờ việc làm giá. Hiện, cơ quan cạnh tranh cũng đang thu thập thông tin đánh giá có hay không việc lạm dụng thị trường, cùng nhau gim hàng đẩy giá", ông Quảng cho hay.

Còn với người tiêu dùng, ông Quảng cho rằng, cần tìm thông tin chính thức về giá thịt lợn, có tiếng nói phản ánh đối với những trường hợp tăng giá. Ngoài ra, nên xem xét lại cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn. Có thể tăng tỷ lệ cá, thịt gà, bò… thay vì tập trung phần lớn vào thịt lợn.

Theo Tiền Phong


  • TAGS: