Sáng 8/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 16, Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững".
Các đại biểu chủ trì diễn đàn
Tham dự và chủ trì diễn đàn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành…
Thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, khách quốc tế đến TPHCM chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 1/4 doanh thu khách du lịch cả nước. Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “TPHCM chào đón bạn”; xây dựng sản phẩm mới đặc thù của Thành phố với điểm nhấn là chương trình “Mỗi quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”; liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến Thành phố. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.
Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững, TPHCM đề xuất các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông thống nhất và công bố rộng rãi các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch một cách ổn định và lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm liên quốc gia và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thu hẹp khoảng cách trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm tận dụng hiệu quả nguồn thị trường gần của nhau trong gia tăng lượng khách quốc tế của từng quốc gia trong khu vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn
Phát biểu tham luận về du lịch MICE, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TPHCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Theo ông Hà Văn Siêu, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.
Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngành du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Đồng thời, biểu dương các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, chuẩn bị và có bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh. Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững, từng địa phương cần có sự hỗ trợ thiết thực, đặc biệt đối với các đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng chí Vũ Đức Đam cũng lưu ý các địa phương, qua đại dịch cần xem lại toàn bộ chính sách phát triển du lịch, để phát triển bền vững hơn. Cần phân tích rõ việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch nên xem xét, huy động doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo ngành du lịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong ngành du lịch và tiếp tục thực hiện các giải pháp đưa du lịch thành ngành mũi nhọn.
Hải Âu/TGT