Dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp tới ngành hàng tiêu dùng trong đó có những sản phẩm rơi vào tình cảnh ế ẩm như thời trang, mỹ phẩm; ngược lại thực phẩm, nước tẩy rửa… sức mua mạnh.
Tại trung tâm mua sắm AEON Tân Phú vào ngày cuối tuần, thời điểm người dân thường đổ xô đi mua sắm. Khu vực siêu thị kẹt kín người mua sắm. Các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả trong tình trạng cháy hàng, nhân viên siêu thị phải liên tục đưa hàng lên để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Siêu thị chật kín người – Ảnh: Cẩm Viên. |
Chị Thu Trang (34 tuổi, quận Bình Tân) cho biết: “Tôi hay đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần nhưng siêu thị dạo này đông quá. Nhiều người nên việc mua sắm cũng vất vã hơn vì phải xếp hàng chờ đợi thanh toán, mặc dù nhân viên quầy thu ngân tăng cường thêm 2 người/quầy nhưng vì người mua quá đông nên phải chờ khá lâu”.
Thực phẩm, thức ăn chế biến luôn trong tình trạng hết hàng – Ảnh: Cẩm Viên. |
Trái ngược với cảnh người tiêu dùng đổ dồn, ùn ứ tại các siêu thị thì các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, các thương hiệu quần áo, giày dép, đồ thể thao vắng khách không một bóng người. Nhân viên bị cắt giảm như cửa hiệu thời trang Marc trước đây có 3-4 nhân viên bán hàng thì nay chỉ còn 1 nhân viên kiêm bán hàng và thu ngân.
Các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm tranh nhau giảm giá từ 50-70% nhưng vẫn đìu hiu. Thậm chí cả cửa hàng chuyên bán đồ thể thao có tiếng như Decathlon cũng tạm thời đóng cửa.
Nhiều cửa hàng thời trang giảm 70% vẫn đìu hiu khách – Ảnh: Cẩm Viên. |
Một nhân viên bán giày hiệu tại trung tâm chia sẻ: “Dịch bệnh người dân thắt chặt chi tiêu, mọi người chủ yếu mua các nhu yếu phẩm cần thiết còn mua sắm thời trang không cần thiết nên buôn bán ế ẩm. Đây là tình trạng chung của các thương hiệu thời trang”.
Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, cùng với những thay đổi trong việc mua sắm và tiêu dùng bởi tác động của dịch COVID-19, người tiêu dùng đã phản hồi rằng sự tiêu thụ của họ đối với một số ngành hàng đã có những ảnh hưởng và thay đổi nhất định.
Các hiệu thời trang đua nhau giảm giá nhưng ế chỏng vó – Ảnh: Cẩm Viên. |
Khu mỹ phẩm không một bóng người – Ảnh: Cẩm Viên. |
Với việc lưu trữ thức ăn tại nhà, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (tăng 40%) và xúc xích tiệt trùng (tăng 19%). Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.
Thêm vào đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân (nước súc miệng tăng 78%, chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35%); chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn vì mọi người đang quan tâm và bảo vệ sức khỏe của mình trước dịch Covid-19.
Sức tiêu thụ thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn rất lớn – Ảnh: Cẩm Viên. |
Tương tự, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng đánh giá, dịch COVID-19 sẽ tác động nhất định đến ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý I và quý II/2020 theo hướng chi tiêu cho ăn uống và các hoạt động tiêu dùng khác bên ngoài nhà có xu hướng bị cắt giảm trong giai đoạn bùng phát dịch do người dân hạn chế ra đường hay đến các khu vui chơi, mua sắm, giải trí.
Những ngành hàng được dự báo tăng trưởng là chất tẩy rửa gia dụng, vệ sinh cá nhân, các thực phẩm lành mạnh như nước ép trái cây, các loại thực phẩm ăn liền như mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ…
Rau, củ quả được tiêu thụ khá nhanh – Ảnh: Cẩm Viên. |
Theo Nielsen Việt Nam, nhận định dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống của người tiêu dùng, tuy nhiên có thể mong chờ sự phục hồi nhanh chóng vì niềm tin cao của người tiêu dùng Việt Nam. Sức tiêu thụ sẽ có thể quay trở lại sau khi dịch bùng phát, những nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên chuẩn bị đủ nguồn cung cho giai đoạn này.
Nhân viên siêu thị liên tục chất hàng lên kệ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng – Ảnh: Cẩm Viên. |
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, các nhà tiếp thị nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt lâu dài hơn. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách giáo dục người tiêu dùng về lợi ích cùng với chiến lược thị trường phù hợp – luôn hiện hữu ở đúng nơi với giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường cũng cho rằng sau dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ “khát” những sản phẩm tiêu dùng nhanh chất lượng cao nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội.
Theo Phụ nữ Mới