Tập 4 “Anh Trai Vượt Ngàn Công Gai 2024” phát sóng vào lúc 20h Thứ bảy, ngày 27/07 trên kênh VTV3 và 20h30 trên kênh YouTube của YeaH1, với chủ đề “Người thiếu niên thuở nào” đã mang đến màn trình diễn âm nhạc ấn tượng, ý nghĩa và chạm đến cảm xúc người xem của 33 anh tài - 8 Nhà trong công diễn đầu tiên.
Nhà Đam Mê: Mashup “Ba Kể Con Nghe & Dưới Ánh Đèn Sân Khấu”
(S)TRONG Trọng Hiếu, Liên Bỉnh Phát, Nguyễn Trần Duy Nhất xúc động khi trình diễn tiết mục “Ba Kể Con Nghe & Dưới Ánh Đèn Sân Khấu”.
Là nhà trình diễn đầu tiên, Tuấn Hưng, (S)TRONG Trọng Hiếu, Nguyễn Trần Duy Nhất và Liên Bỉnh Phát đã mang đến phần trình diễn nhẹ nhàng sâu lắng, thiêng liêng về tình cha con. Dù điều này có bất lợi cho Liên Bỉnh Phát và Nguyễn Trần Duy Nhất vì giọng hát là yếu thế của cả hai, nhưng Tuấn Hưng lại cho rằng chính sự mộc mạc trong chất giọng, không kỹ thuật của hai anh tài này là điều cần được giữ gìn cho một ca khúc ý nghĩa, cần sự chân thật.
Đây là cũng ca khúc chất chứa nhiều cảm xúc đối võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, khi anh có thể hiện thực hóa ước mơ của mình và ước mơ của ba trên một sân khấu chuyên nghiệp, đông đảo ánh nhìn của khán giả.
Nhà Hát: Mashup “Một Lần Dang Dở & Đi Qua Cầu Vòng”
Các Anh Tài của Nhà Hát: Quốc Thiên, Hoàng Hiệp, Thành Trung, Kiên Ứng và Hà Lê trong tiết mục “Một Lần Dang Dở & Đi Qua Cầu Vồng”.
Thành Trung, Quốc Thiên, Hà Lê, Kiên Ứng và Đỗ Hoàng Hiệp - những người đàn ông lịch lãm mang đến màn trình diễn đầy chất thơ, lãng mạn và hào hoa với mashup “Một Lần Dang Dở & Đi Qua Cầu Vồng” khi chú trọng cả hai yếu tố là vũ đạo và giọng hát. Vốn là ca sĩ tự do nổi loạn trên sân khấu nhạc rock, Hoàng Hiệp chia sẻ anh khá lo lắng với việc thể hiện vũ đạo, anh nhận định nó quá khó so với khả năng của mình. Tương tự với Kiên Ứng, có phần hướng nội và kiệm lời nhất trong Nhà, cho biết trước khi đến với chương trình, bản thân còn chưa từng đi hát karaoke bao giờ, chứ chưa nghĩ đến việc trình diễn một tiết mục trên sân khấu âm nhạc hoành tráng kể từ khi tham gia “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024”.
Nhà Ngũ Hành: Mashup “Vợ Người Ta & Chuyện Ba Người”
Các Anh Tài Trương Thế Vinh, Huy R, Jun Phạm, Phạm Khánh Hưng, BB Trần trong tiết mục “Vợ Người Ta & Chuyện Ba Người”.
Màn trình diễn của Nhà Ngũ Hành gồm Jun Phạm, Phạm Khánh Hưng, Trương Thế Vinh, HuyR và BB Trần đã mang đến một gam màu nóng bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ với không gian âm nhạc hiện đại, sôi động khi dựng lên bối cảnh của một gánh xiếc đầy đặc sắc.
Màn trình diễn bùng nổ của Nhà Ngũ Hành như đúng kỳ vọng, đậm chất trẻ trung, đây cũng được xem là một màn lột xác cho anh tài Phạm Khánh Hưng khi được sống trong giai điệu “xập xình dồn dập”, mãnh liệt của ca khúc, điều mà hiếm có nghệ sĩ đã đi qua “thời niên thiếu” có thể trải nghiệm lại.
Nhà Tái Sinh: Mashup “Lột Xác & Chuyện Nhỏ”
Anh Tài Rhymastic, Tiến Luật, Đinh Tiến Đạt - Tiết mục "Lột Xác & Chuyện Nhỏ".
Tương tự với nhà Nhà Tái Sinh, Tiến Luật tiếp tục có cơ hội được tiếp tục lột xác từ vai trò diễn viên hài khi được nhảy, được hát rap cùng với 2 rapper kỳ cựu trong nghề là Đinh Tiến Đạt và Rhymastic trong mashup “Lột Xác & Chuyện Nhỏ”. Đây cũng chính là sự lựa chọn, mong muốn trải nghiệm với tinh thần “hiếu chiến” với thách thức mới của Tiến Luật khi tham gia chương trình. Đáp lại việc mong muốn bứt phá bản thân của đồng đội, Rhymastic giúp đàn anh tập luyện việc hát rap từ những bước đơn giản như cách nhả hơi, bắt nhịp, nhấn nhá từng con chữ trong lời bài hát để nam diễn viên cùng đồng đội mang đến màn trình diễn đầy ấn tượng sau đó dành cho khán giả.
Nhà Sao Sáng: Tiết mục "Trống Cơm"
Anh Tài SOOBIN, Tự Long, Cường Seven - Tiết mục Trống cơm.
Là đối thủ “nặng ký” của các Nhà còn lại, Nhà Sao Sáng gồm 3 anh tài Tự Long, SOOBIN và Cường Seven thể hiện màn trình diễn ấn tượng đúng như kỳ vọng, khi làm mới ca khúc bằng việc kết hợp thành công màu sắc đương đại và truyền thống trong tiết mục “Trống Cơm”.
Anh tài Tự Long nhìn nhận rằng, “Trống Cơm” là một bài hát không trọn vẹn, bởi đây là “một điệu hát” dân gian. Với việc chương trình cho phép sáng tạo không quá 50% để làm mới ca khúc, cả nhóm quyết định tạo nên sự giao thoa của truyền thống - đương đại bằng những giai điệu mới, bằng việc trình diễn nhạc cụ trống cơm, đàn bầu hay phục trang truyền thống của dân tộc Việt Nam để có thể phục vụ cho cả “người già, người trung niên, người trẻ” theo như lời chia sẻ của NSND Tự Long.
Theo đó, màn trình diễn “Trống Cơm” đã gây ấn tượng trước khán giả lẫn các anh tài khác khi mang màu sắc âm nhạc đương đại từ giai điệu, lời rap, kết hợp với đó là trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, những điệu hò của dân ca Bắc bộ, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu do anh tài thể hiện đã nhận được nhiều sự tán thưởng. Việc mang đàn bầu - nhạc cụ dân tộc lên biểu diễn còn mang ý nghĩa thú vị khi từ “thuở niên thiếu”, SOOBIN cũng từng học tập và chơi loại nhạc cụ này. Trước đó, SOOBIN cũng chia sẻ rằng, bản thân và các đồng đội đã mất rất nhiều công sức để tìm ra những điểm cần làm mới sao cho chính xác và phù hợp.
Nhà Xuân Hạ Thu Đông: Tiết mục “Tỉnh Thức Sau Giấc Ngủ Đông”
S.T Sơn Thạch bật khóc.
Anh Tài S.T Sơn Thạch, Bằng Kiều và Binz - Tiết mục "Tỉnh Thức Sau Giấc Ngủ Đông".
Mang đến màn trình diễn “đáng nghe, đáng xem”, Bằng Kiều, Hồng Sơn, BinZ và S.T Sơn Thạch chạm tới trái tim của khán giả và anh tài khác bằng giai điệu nhẹ nhàng, lắng đọng, nhiều cảm xúc. Tiết mục sau đó còn lấy đi những giọt nước mắt của người xem bởi những câu chuyện về tình phụ tử của các thành viên trong Nhà Xuân Hạ Thu Đông.
Sau khi màn trình diễn kết thúc, S.T Sơn Thạch đành nói lời xin lỗi khán giả vì bản thân đã không kiềm được cảm xúc, bởi cách đó vài tháng, anh đã phải đối diện với chuyện đau buồn khi mất người thân.
Sau lời bộc bạch của S.T Sơn Thạch, Bằng Kiều cũng không giấu được cảm xúc khi tự trách bản thân, khi cho rằng bản thân đã rất thiếu sót trong vai trò làm cha, anh nhìn nhận rằng, việc không thể tham dự buổi lễ tốt nghiệp lớp 12 của con trai - buổi lễ chứng kiến sự trưởng thành của con trai để bước sang trang mới là một điều tiếc nuối và có phần đáng trách.
Đứng bên cạnh và hiểu được nỗi đau, tiếc nuối của hai anh tài - đồng đội, danh thủ Hồng Sơn cũng chia sẻ việc ghi nhớ những công ơn của đấng sinh thành là một điều không thể thiếu ở một con người, đó là điều nên làm và rất đáng quý.
Nhà KK: Mashup “Dịu Dàng Đến Từng Phút Giây & Bước Đến Bên Em”
Nhà KK (Thủ lĩnh - Phan Đinh Tùng, Đăng Khôi, Neko Lê, Kay Trần, Tăng Phúc) - Mashup “Dịu Dàng Đến Từng Phút Giây & Bước Đến Bên Em”.
Nhà KK đã bước qua nỗi lo thể chất để mang sàn disco sôi động của thập niên 70s lên sân khấu và làm bùng nổ cảm xúc người xem ở công diễn 1 "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai". Tuy nhiên, yếu tố vũ đạo lại là nỗi lo lớn của Phan Đình Tùng, khi anh tiết lộ đã từng mổ 2 đầu gối do đứt dây chằng cách đây không lâu. Tương tự, Đăng Khôi cũng gặp khó khăn trong chuyện tập luyện vũ đạo, bởi đây cũng không phải là lĩnh vực sở trường và phải cần nhiều thời gian để tập luyện dưới sự chỉ dẫn của Kay Trần. “Khôi đã là người cầu toàn rồi, mà gặp Kay Trần còn cầu toàn hơn cả Khôi”, Đăng Khôi chia sẻ trong lúc ra sức tập luyện cùng với sự chỉ dẫn của Kay Trần.
Nhà Xương Rồng: Mashup “Trở Về & Áo Mùa Đông”
Mở đầu với ca khúc “Trở Về”, Nhà Xương Rồng gồm 4 anh tài Duy Khánh, Bùi Công Nam, Thanh Duy, Thiên Minh đã hóa thân thành những cựu chiến binh lạc quan, yêu đời, tận hưởng cuộc sống tự do quê hương thời bình. Tiếp tục 4 anh tài dẫn dắt khán giả đến bối cảnh hào hùng, khí thế dân tộc trong ca khúc “Áo Mùa Đông” bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng, cải lương và được kết hợp giai điệu hiện đại, cùng với đó là hình ảnh “người thiếu niên thuở nào” - người chiến sĩ Cách mạng khoác lên mình màu áo lính, cùng chiếc áo trấn thủ đầy khí phách, can trường lúc chiến đấu vì hòa bình dân tộc.
Để có thể hiểu đúng và có cái nhìn sâu sắc, bao quát hơn về tiết mục mà mình trình diễn, Nhà Xương Rồng đã có một buổi trò chuyện với NSND Tự Long.
Tìm về những tư liệu cội nguồn gắn liền với ca khúc “Áo Mùa Đông” những năm 1946 là chiếc áo trấn thủ - vật dụng biểu trưng cho tình quân dân, tình đoàn kết dân tộc, tình của hậu phương dành cho chiến sĩ Cách mạng nơi tiền tuyến. Lấy cảm hứng từ vật dụng biểu tượng này cho tiết mục của mình, Duy Khánh, Bùi Công Nam, Thanh Duy, Thiên Minh - 4 anh tài của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024” mong muốn đại diện cho người trẻ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm hậu phương dành cho quân dân, lòng biết ơn sâu sắc đến sự hy sinh của cha ông - thế hệ đi trước đã đặt sinh mệnh nơi chiến trường để mang lại hòa bình cho dân tộc.
Là Nhà trình diễn cuối cùng và đang trong thế khó với một đề bài “không một ai dám nhận” nhưng Nhà Xương Rồng đã mang lại một tác phẩm biểu diễn ấn tượng cho người xem và tạo nên màn lội ngược dòng từ thế khó, có khả năng nguy hiểm nhất sang vị trí dẫn đầu trước các Nhà với điểm hỏa lực được khán giả bình chọn cho Công diễn 1.
Bình An/TGT